1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Ngày thế giới phòng, chống lao động trẻ em (12/6):

Cảnh báo hơn 150 triệu lao động trẻ em trên toàn cầu

(Dân trí) - Theo Tổ chức lao động quốc tế (ILO), thế giới hiện có trên 150 triệu em từ 5 - 17 là lao động trẻ em, trong đó 73 triệu đang tham gia các công việc độc hại nguy hiểm.

Đây là công bố của ILO liên quan tới tình trạng lao động trẻ em. Tình trạng lao động trẻ em đang là nỗi nhức nhối của nhiều quốc gia trong các thập kỷ qua. 

Theo Giám đốc ILO Việt Nam, TS Chang-Hee Lee, tất cả trẻ em đều có quyền được lớn lên mà không phải tham gia bất cứ hình thức lao động trẻ em nào.

Phòng chống lao động trẻ em (Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Cũng theo ông Chang-Hee Lee, lao động trẻ và trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Các em ít có khả năng đánh giá được rủi ro tại nơi làm việc so với người lớn. Điều khó khăn là tình trạng lao động trẻ em chủ yếu được phát hiện ở khu vực không có quan hệ lao động.

Tại Việt Nam, công tác phòng chống lao động trẻ em đã được quan tâm nhiều trong thời gian qua.

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ tham gia phòng ngừa lao động trẻ em. Điều này được thể hiện rõ qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan, gồm: Bộ Luật Lao động năm 2019, Luật An toàn và Vệ sinh Lao động, Luật Trẻ em, Chương trình quốc gia về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020.

Phòng chống lao động trẻ em tại Việt Nam. (Nguồn: Bộ LĐ-TB&XH)

Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành danh mục công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm cấm sử dụng lao động là người chưa thành niên.

Theo quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH, để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, điều cần thiết có sự tham gia tích cực, sự liên kết và phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình, cộng đồng.

Được biết, Việt Nam đã phê chuẩn Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất và Công ước 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc.

Hoàng Mạnh