Cảnh báo "chảy máu" nguồn lao động ở Tây Nam Bộ

Đại Việt

(Dân trí) - Đây là những nội dung quan trọng được các chuyên gia, nhà quản lý đưa ra tại buổi Họp báo Mekong Connect 2020 với chủ đề "Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu".

Các chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, cần phải kéo giảm việc "chảy máu" nguồn lao động ở các tỉnh Tây Nam Bộ cũng như nâng cao tiêu chuẩn chất lượng cho nông sản của khu vực này.

Theo các chuyên gia, các tỉnh Tây Nam Bộ đang có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn so với mặt bằng của cả nước, trong đó có một phần nguyên nhân là do người lao động di cư đến các tỉnh, thành phố lớn làm việc.

Ngoài ra, tay nghề của người lao động ở các địa phương này cũng chưa cao. Hạ tầng giao thông chưa phát triển cũng là "rào cản" cho việc phát triển kinh tế và luân chuyển hàng hóa trong vùng Đồng Bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Cảnh báo chảy máu nguồn lao động ở Tây Nam Bộ - 1

Các chuyên gia, nhà quản lý trao đổi các vấn đề "nóng" ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Đại Việt

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, việc di cư của người lao động cũng là một trong những vấn đề quan trọng mà địa phương này đang giải quyết. Người lao động An Giang đang đến các tỉnh, thành phố lớn để làm việc như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An…

"Chúng tôi đang tạo ra nhiều việc làm tại địa phương hơn và đưa ra những chính sách mới để hấp dẫn người lao động trẻ ở lại An Giang làm việc, giảm áp lực lao động cho các địa phương khác", ông Thư nói.

Theo ông Thư, tỉnh An Giang cũng đang đề xuất triển khai các chương trình đào tạo lao động chất lượng nhằm tận dụng việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau thương chiến Trung - Mỹ. Sẵn sàng đón tiếp "đại bàng" về xây tổ.

Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, con người là cốt yếu nhất, trọng tâm nhất trong việc phát triển. Đồng Tháp đang thực hiện các chương trình đào tạo nghề, đưa lao động trí thức đi nước ngoài làm việc, học hỏi. Sau đó, người lao động sẽ mang kiến thức, kinh nghiệm về để xây dựng quê hương.

"Những người lao động được đưa đi nước ngoài khi về địa phương sẽ tạo công ăn việc làm cho người dân trong tỉnh. Họ cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm, kiến thức mà họ học hỏi được cho những người khác để mọi người cùng phát triển kinh tế. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị mặt bằng, sẵn sàng đón nhà đầu tư có công nghệ cao, chế biến tinh đến Đồng Tháp và tạo thêm nhiều việc làm cho người dân", ông Nghĩa nói.