1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng

(Dân trí) - Bánh chưng Vĩnh Hòa (Nghệ An) được gói quanh năm, nhưng đặc biệt sôi động vào dịp Tết. Vụ bánh chưng Tết bắt đầu từ rằm tháng Chạp đến những ngày cuối cùng trong năm âm lịch. Công việc tất bật nhưng bù lại, bánh chưng Tết mang lại cho nhiều hộ dân khoản thu nhập cả trăm triệu đồng.

Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 1

Làng bún bánh Vĩnh Hòa (xã Hợp Thành, Yên Thành, Nghệ An) được công nhận là làng nghề vào năm 2008. Làng sản xuất nhiều loại bánh khác nhau nhưng nổi tiếng vẫn là bánh chưng. Vào dịp này, hàng chục tấn lá dong từ khắp nơi sẽ được nhập cho các hộ dân sản xuất bánh chưng. Lá dong được rửa sạch sẽ, để ráo nước trước khi đưa vào gói bánh.

Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 2
Vào dịp Tết Nguyên Đán, người dân làng Vĩnh Hòa cung ứng cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh bạn hàng chục vạn chiếc bánh chưng...
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 3
Mỗi hộ làm bánh chưng ở Vĩnh Hòa không chỉ giải quyết nhu cầu việc làm cho các thành viên trong gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều người khác nhưng người cung ứng lá dong, thịt làm nhân bánh, đỗ xanh. Vào dịp Tết Nguyên đán, hàng nghìn tất gạo nếp, lá dong, thịt lợn, đỗ xanh, hành củ... được các thương lái cung ứng tận nơi.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 4
Nhu cầu bánh lớn, các hộ gia đình sản xuất phải có một người chuyên chẻ lạt giang để buộc bánh. Công việc này thường dành cho người già. Với bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, họ chẻ ra những chiếc lạt mỏng manh nhưng rất bền, dễ thao tác để có những chiếc bánh chưng chắc chắn...
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 5
Mỗi công đoạn trong gói bánh chưng đều được chuyên môn hóa cao độ. Mỗi hộ gói bánh cần một người chuyên làm nhân, gồm đỗ xanh đồ nhuyễn và thịt ba chỉ lợn. Thịt dùng để làm bánh thường là thịt ba chỉ để đảm bảo nhân thơm, ngon, bùi, béo mà không bị ngán.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 6
Với số lượng cung ứng ra thị trường Tết khoảng 9.000 bánh chưng, gia đình ông Lê Thái Yên phải huy động tất cả thành viên trong gia đình tham gia gói bánh suốt ngày đêm. Vào vụ Tết, người làm bánh chưng chỉ được chợp mắt mỗi ngày 2 tiếng mới kịp đủ hàng giao cho khách.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 7
Để cho ra những chiếc bánh chưng ngon, dẻo, hạt nếp dền mà không bị nát, người dân nhập nếp Lào, nếp Thái thay cho các giống nếp địa phương do vậy giá bánh chưng có nhỉnh hơn trước đây.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 8
Làm bánh chưng không phải là công việc của người lớn mà nhiều học sinh cũng tham gia phụ. Trong khi người lớn gói bánh, các em sẽ chịu trách nhiệm buộc bánh.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 9
Công việc cần nhiều kinh nghiệm và sự khéo léo cho thu nhập bình quân mỗi người dân Vĩnh Hòa từ 3-5 triệu đồng/tháng. Riêng vụ Tết, nhiều hộ gia đình đạt mức thu nhập trên 100 triệu đồng.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 10
Bánh chưng Vĩnh Hòa vẫn đang được nấu chủ yếu bằng bếp củi thay vì bếp điện. Cách này khiến người nấu vất vả hơn nhưng bù lại bánh ngon hơn, dền và dẻo hơn.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 11
Gần 1 vạn chiếc bánh chưng được gia đình bà Trần Thị Loan cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Với số lượng bánh lớn như thế này gia đình bà Loan sẽ làm đến sáng 30 Tết để tối 30 giao đủ cho khách.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 12
Bánh chưng Vĩnh Hòa không chỉ vươn xa tới Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu mà theo chân người dân sang tận Nhật Bản, Đài Loan. Trong tương lai gần, xuất khẩu bánh chưng sang các nước có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống là hướng phát triển của người dân Vĩnh Hòa.
Cận Tết: Làng nghề bánh chưng tất bật, thu cả trăm triệu đồng - 13
Bánh chưng Vĩnh Hòa đã xây dựng được thương hiệu, người dân không phải tìm đầu ra cho sản phẩm mà thương lái đến tận nhà đặt và lấy hàng. Bởi vậy, dù là nghề phụ, tranh thủ những lúc nông nhàn nhưng đây là nguồn thu nhập chính và ổn định của người dân.

Hoàng Lam