1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cần nhiều đổi mới trong chính sách về ưu đãi người có công

(Dân trí) - “Chiến tranh đã lùi xa nhưng tới nay, chúng ta chưa có quy định chế đội ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt từ sau 30/4/1975; chưa quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%...”.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp phát biểu tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật về ưu đãi người có công”. Chương trình do Ủy ban về các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội và Bộ LĐ-TB&XH tổ chức sáng 17/7/ tại Hà Nội, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ.

Cần nhiều quy định mới

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, việc nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về ưu đãi người có công trong những năm gần đây đã được quan tâm, chú trọng, như: Hơn 100 văn bản được ban hành của các cơ quan hành chính nhà nước dưới dạng các nghi quyết, nghị định, thông tư; Chính sách ưu đãi người có công đã từng bước được hoàn thiện về các diện đối tượng và ưu đãi.

Cần nhiều đổi mới trong chính sách về ưu đãi người có công - 1

“Chế độ ưu đãi đối với từng diện đối tượng người có công được quy định ngày càng đầy đủ. Trợ cấp ưu đãi được quy định phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ, đảm bảo mức sống của người có công và thân nhân như ưu đãi về đất ở, nhà ở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục tín dụng…” - Thứ trưởng Doãn Mâu Diệp khẳng định.

Bên cạnh những điểm sáng trong thực hiện chính sách, nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng mạng dạn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện hệ thống chính sách pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.

Theo đại diện Bộ LĐ-TB&XH, một số địa phương vẫn chưa chú trọng cải cách hành chính gắn với phòng, chống tham nhũng trong việc xác lập hồ sơ hưởng chế độ và quản lý đối tượng người có công.

Nhiều vấn đề trong xác nhận và giải quyết chế độ ưu đãi cho người có công chưa được nghiên cứu bổ sung, chưa thống nhất. Ông Doãn Mậu Diệp đơn cử việc chưa có quy định chế đội ưu đãi đối với người tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc, bị địch bắt từ sau 30/4/1975. Hoặc việc thiếu quy định việc giám định vết thương tái phát đối với người bị thương đã giám định, kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21%.

Theo ông Nguyễn Việt Phát, Phó Ban Chính sách Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, trải qua 2 cuộc kháng chiến, cả nước còn 7% trường hợp thanh niên xung phong chưa được công nhận liệt sĩ, 16% trường hợp chưa được công nhận thương binh, 68% trường hợp chưa được hưởng chế độ nhiễm chất độc hoá học vì thiếu giấy tờ gốc, không tìm được người thờ cúng (điều kiện để được công nhận liệt sĩ)...

Ông Nguyễn Việt Phát đề nghị, cần phải sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công và quy định cụ thể về vùng đặc biệt khó khăn trong thời kỳ 1954- 1975 để có căn cứ xác định đối tượng được công nhận là liệt sĩ. Đồng thời có hình thức truy tặng liệt sĩ cho những người không còn thân nhân thờ cúng, xác định phiên hiệu thanh niên xung phong để làm rõ đối tượng hưởng chính sách...

Vẫn còn hồ sơ khai man

Trong khi đó, ông Đào Ngọc Lợi - Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, nguồn kinh phí chi trả cho người có công hàng năm chủ yếu vẫn là từ ngân sách nhà nước, trong khi ngân sách nhà nước còn hạn chế, đối tượng có công lại khá lớn. Việc cấp kinh phí hàng năm vẫn trên cơ sở dự toán và cân đối ngân sách, do đó không ổn định.

Theo ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho dù thời gian tới đây, các cơ quan chức năng sẽ xem xét việc sửa đổi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng hay nâng lên thành Luật, chúng ta đều tới phải quan tâm tới 5 yếu tố: Đối tượng chưa bao phủ hết với những người xứng đáng thuộc diện người có công; điều kiện; chính sách; nguồn lực và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân.

“Tình trạng man khai hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ vẫn diễn ra ở một số cơ quan, đơn vị và địa phương, gây bức xúc trong dư luận, trong đó đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học chiếm tỷ lệ lớn” - ông Đào Ngọc Lợi nói.

Theo đại tá Ngô Quang Phúc - Phó Cục trưởng Cục Chính sách (Tổng Cục Chính trị, Bộ Quốc Phòng), Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 quy định về điều kiện xác nhận liệt sĩ: “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm”. Tuy nhiên, tại Nghị định 31 của Chính phủ về xác nhận liệt sĩ, thương binh lại quy định hẹp hơn: “Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm hoạ thiên tai”.

“Như vậy, quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ đã làm rõ hơn điều kiện, nhưng lại thu hẹp đối tượng có cùng điều kiện tương ứng và thực tế nhiệm vụ của Quân đội” - Đại tá Ngô Quang Phúc nói.

Phát biểu tại Hội thảo, Hoàng Văn Chương - Phó Trưởng Ban Phong trào Mặt trận Trung ương nêu rõ, những vấn đề đang gặp khó khăn là giải quyết hơn 30.000 hồ sơ còn tồn đọng và xử lý hơn 1.800 trường hợp hưởng chế độ, chính sách.

Cũng theo bà Trần Hồng Nguyên - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, việc hoàn thiện theo hướng sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công hiện hành hay xây dựng, ban hành Luật người có công cũng cần được cân nhắc hết sức kỹ lưỡng.

Hoàng Mạnh

Tin vắn:

Tình hình cai nghiện còn diễn biến phức tạp

Cuối tháng 6 tại Hà Nội, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức Hội nghị nhân rộng các điển hình cai nghiện thành công. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Sở, ban ngành địa phương và gần 200 tấm gương người cai nghiện thành công từ 63 tỉnh/thành phố.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến tháng 5/2017, cả nước đã tổ chức điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai cho hơn 100 nghìn người nghiện, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội tại các địa phương. Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, đánh giá cao những cố gắng trong công tác cai nghiện thời gian qua. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, công tác cai nghiện còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Cụ thể là tình hình tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, tỷ lệ người sau cai tái nghiện cao, nhiều địa phương sau 2 năm tỷ lệ tái nghiện còn cao. Thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, người nghiện ma túy đã có ở 100% các tỉnh, thành phố với gần 90% quận, huyện và khoảng 70% xã, phường, thị trấn. Người nghiện cũng đã xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội. Đa số người nghiện ma túy có trình độ văn hóa thấp với khoảng 10% không biết chữ và 59% có trình độ văn hóa từ tiểu học tới trung học cơ sở. Khoảng 2/3 số người nghiện chưa từng được đào tạo nghề.

V.L

Đóng phí vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động

Đây là một trong số nội dung của Nghị định 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nghị định 44/2017/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/6/2017.

Theo đó, người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau: 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h; khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình; 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp trả lương theo sản phẩm, theo khoán thì mức đóng hằng tháng là 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; phương thức đóng được thực hiện hằng tháng, 3 tháng hoặc 6 tháng một lần.

H.P