1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Cần nghỉ trị bệnh dài ngày nhưng công ty không chấp nhận, dọa... đuổi việc

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Mẹ chị Thắm bị chấn thương cột sống tại nhà, phải mất nhiều thời gian tập hồi phục. Tuy nhiên, công ty của bà không cho phép nghỉ dài ngày.

Trao đổi tại chương trình giao lưu cùng Bảo hiểm xã hội Việt Nam, chị Thắm cho biết: "Mẹ em bị chấn thương cột sống tại nhà, được chẩn đoán là phù tủy, vỡ lún xẹp một đốt sống,  phình rách bao xơ đĩa đệm… và đã được phẫu thuật ngày 30/4/2024. Sau khi mổ xong và điều trị tại bệnh viện được 14 ngày thì mẹ em xuất viện".

Tuy nhiên, bệnh chấn thương cột sống cần rất nhiều thời gian để hồi phục. Điều trị tại nhà đến nay mà mẹ chị Thắm chỉ mới có thể tập tễnh đi vài bước và chưa có khả năng lao động. Bà xin bệnh viện giấy để nghỉ ốm nhưng phía công ty không đồng ý, yêu cầu bà đi làm, nếu nghỉ lâu sẽ bị thanh lý hợp đồng, cho thôi việc.

Chị Thắm hỏi: "Trong trường hợp này em và gia đình nên làm gì? Phía công ty làm vậy có đúng không? Bệnh của mẹ em có nằm trong danh sách bệnh được nghỉ ốm dài ngày hay không?".

Theo BHXH Việt Nam, Khoản 1 Điều 25 Luật BHXH năm 2014 quy định điều kiện hưởng chế độ ốm đau là bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.

Thời gian hưởng chế độ ốm đau được quy định tại Điều 26 Luật BHXH. Thời gian tối đa hưởng chế độ ốm đau trong một năm đối với người lao động tính theo ngày làm việc (không kể ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần) và tùy vào thời gian tham gia BHXH, điều kiện làm việc.

Cần nghỉ trị bệnh dài ngày nhưng công ty không chấp nhận, dọa... đuổi việc - 1

Trong trường hợp người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày do Bộ Y tế ban hành thì được hưởng chế độ ốm đau tối đa 180 ngày (tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần).

Khi hết thời hạn hưởng chế độ ốm đau quy định mà vẫn tiếp tục điều trị thì người lao động được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn nhưng thời gian hưởng tối đa bằng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Theo BHXH Việt Nam, việc xác định người lao động được giải quyết hưởng chế độ ốm đau dài ngày hay ốm đau thông thường căn cứ theo chỉ định của y, bác sĩ (mã bệnh) trên hồ sơ.

Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày ban hành kèm theo Thông tư số 46/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế. Bạn đọc có thể đối chiếu mã bệnh chi tiết trong danh mục TẠI ĐÂY.