Quảng Nam:
Cán bộ xã về hưu, biến đất đồi thành trang trại "tam nông" cho thu nhập cao
(Dân trí) - Về hưu sớm, ông Đồng Phước Tam cải tạo vùng đất đồi thành trang trại kết hợp nông - lâm - ngư nghiệp, ước mơ xây dựng vườn du lịch sinh thái tại quê nhà.
Cuối năm 2019, đang là Trưởng trạm y tế xã Quế Lâm, huyện Nông Sơn, Quảng Nam, ông Đồng Phước Tam (SN 1969) quyết định về hưu sớm nhường cơ hội cho thế hệ trẻ; thực hiện giấc mơ xây dựng một khu vườn sinh thái để thu hút khách du lịch về vùng quê nghèo khó này.
Với 5,5ha đất đồi thuê lại của địa phương, ông Tam cho trồng 2ha keo nguyên liệu, diện tích còn lại ông đầu tư 700 triệu đồng cải tạo vườn đồi, trồng 400 cây bưởi trụ Đại Bình (giống bưởi nổi tiếng tại làng sinh thái Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), 200 cây bưởi da xanh, trồng xen 300 cây ổi, 150 cây chuối.
Đến nay, bưởi trụ và các loại cây ăn quả khác sinh trưởng, phát triển tốt. Để lấy ngắn nuôi dài, ông Tam còn đầu tư thêm chuồng trại nuôi heo, đào ao rộng 4.000m² để nuôi cá diêu hồng, cá lóc và ốc bươu đen.
Để lấy kinh nghiệm, ông Đồng Phước Tam thường đi tham quan, học hỏi tại các mô hình, trang trại sinh thái hiệu quả. Ông cũng chịu khó lên mạng internet tra cứu thông tin về quy trình kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi các loại cây, con để ứng dụng tối ưu nhất cho mô hình của mình, phù hợp điều kiện, địa hình tại địa phương.
Theo ông Tam, vì địa hình, khí hậu ở vùng đồi núi cao nên cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vấn đề nước tưới. Ông cho đầu tư hệ thống tưới nước tự động chạy khắp trang trại, hạn chế phân hóa học, chủ yếu dùng phân hữu cơ, sinh học.
"Vì muốn làm trang trại sinh thái nên tôi rất chú ý đến chất lượng, đặc biệt nơi đây không khí, nguồn nước trong lành nên cây trái hay vật nuôi đều cho chất lượng tốt. Lúc trước tôi có nuôi bò, nhưng do khí hậu lạnh vào mùa đông nên tôi đang tìm vật nuôi phù hợp hơn", ông Đồng Phước Tam chia sẻ.
Sau ba năm đi vào hoạt động, hiện tại ông đang thu lợi từ vườn ổi bình quân mỗi cây cho 60-80kg/năm, giá dao động 10.000-20.000 đồng/kg tùy thời điểm; mỗi năm ông nuôi 2 vụ cá, mỗi vụ thả khoảng 5 vạn con giống các loại.
Tổng thu nhập với trang trại kết hợp "tam nông" của ông Tam hiện khoảng hơn 150 triệu đồng/năm (sau khi trừ chi phí), còn một số loại chưa tới giai đoạn cho thu hoạch.
Thời gian đến, ông Đồng Phước Tam dự định trồng thêm một số loại cây ăn quả phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, đồng thời quy hoạch lại khu vườn của mình để phát triển khu du lịch sinh thái thu hút du khách trong và ngoài địa phương.
"Ở đây có danh thắng Hòn Kẽm Đá Dừng, thêm một khu vườn sinh thái trong lành cho du khách nghỉ ngơi thì còn gì bằng. Nếu mô hình của tôi thành công, đây còn là nơi cho nhiều người cùng tâm huyết đến học hỏi, phát triển vùng đất còn khó khăn này", ông Tam bộc bạch.
Huyện Nông Sơn giàu tiềm năng về du lịch với nhiều di tích, thắng cảnh đẹp như khu suối nước nóng Tây Viên, làng cây ăn quả Đại Bình, di tích Dinh Bà Thu Bồn, thủy điện Khe Diên, làng trầm mỹ nghệ, có thắng cảnh Hòn Kẽm Đá Dừng.
Huyện Nông Sơn cũng chủ động xây dựng đề án phát triển du lịch Đại Bình, đề án xây dựng khu vực Dinh Bà Thu Bồn thành điểm di tích. Cùng với đó, chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông, cảnh quan môi trường, đa dạng dịch vụ và sản phẩm du lịch.