1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bí quyết nuôi con "chết đến đít còn cay" qua mùa đông của ông chủ trẻ

Thái Bá

(Dân trí) - Trong những ngày mùa đông giá rét, cà cuống ăn ít, rất dễ chết. Hiểu được tập tính của loài côn trùng quý, có nguy cơ tuyệt chủng này, anh Nguyễn Đức Thuần ươm giữ thành công đàn vật nuôi kỳ lạ.

Những ngày gần đây, máy điện thoại của anh Nguyễn Đức Thuần (32 tuổi, trú xã Ninh Hòa, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) liên tục có người gọi đến hỏi mua cà cuống giống. Vì không đủ nguồn hàng cung ứng, anh chỉ biết từ chối và tiếc nuối.

Bí quyết nuôi con chết đến đít còn cay qua mùa đông của ông chủ trẻ - 1

Nuôi sống 200 cặp cà cuống giống qua được mùa đông, anh Thuần vừa mở bán đã hết, thu về 20 triệu đồng tiền lãi.

Chàng trai trẻ cho biết: "Tôi vừa chào bán giống trên trang mạng cá nhân, mọi người từ khắp nơi gọi về đặt mua. Hơn 100 cặp giống sinh sản em bán vèo vèo chỉ trong thời gian ngắn".

Anh Thuần cho biết thêm, nhiều người từ các tỉnh tìm đến tận nhà tham quan trại nuôi, hỏi mua giống nhưng đành "bó tay" vì không còn để bán.

"Hết mùa xuân, đầu mùa hè, khi có nắng lên là mùa sinh sản của cà cuống. Đây là thời điểm thích hợp mua giống cà cuống về nuôi. Vì thế nhu cầu tăng đột biến", anh Thuần nói.

Bí quyết nuôi con chết đến đít còn cay qua mùa đông của ông chủ trẻ - 2

Mùa đông cà cuống ăn ít, dễ chết nên rất khó nuôi, vì thế cần phải chăm sóc kỹ lưỡng.

Ông chủ trại cà cuống lớn ở Ninh Bình chia sẻ thêm, cà cuống là loài vật nuôi còn mới và lạ, hiện nhiều người đang muốn theo đuổi. Thị trường cung cấp giống còn rất ít mà nhu cầu người mua lại rất nhiều.

Cũng theo chàng trai 9X, nuôi cà cuống sống qua được mùa đông rất khó. Vì thế, nhiều trại nuôi thường bị chết sạch giống ở thời điểm này.

Sau nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu, anh đã ươm giữ thành công hơn 200 cặp giống cà cuống qua được mùa đông giá rét của miền Bắc. Vì thế năm nay anh mới có nhiều con giống để bán.

Bí quyết nuôi con chết đến đít còn cay qua mùa đông của ông chủ trẻ - 3

Sau nhiều năm nghiên cứu, anh Thuần đã tìm ra phương pháp nuôi sống loài công trùng có nguy cơ tuyệt chủng, qua được mùa đông.

Anh Thuần cho biết thêm, vào mùa đông tiết trời lạnh giá của miền Bắc khiến cà cuống ăn ít và chết nhiều. Việc giữ ấm, cung cấp thức ăn hợp lý là yếu tố quyết định đến việc duy trì sự sống cho loài côn trùng kỳ lạ vừa biết bơi, vừa biết bay lại có mùi thơm thu hút này.

Mỗi cặp cà cuống bố mẹ đến tuổi sinh sản anh Thuần bán ra với giá 200 - 250.000 đồng. Bán hơn 100 cặp, anh thu về số tiền hơn 20 triệu đồng.

Hiện trong các bể nuôi, anh Thuần còn lại khoảng 100 cặp để lại làm giống chờ sinh sản. Vào mùa, số lượng cà cuống bố mẹ này sẽ đẻ trứng và nhân đàn rất nhanh.

Bí quyết nuôi con chết đến đít còn cay qua mùa đông của ông chủ trẻ - 4

Mỗi cặp cà cuống giống có giá từ 200 - 250 nghìn đồng nhưng anh Thuần cũng không đủ bán vì người có nhu cầu rất lớn.

"Cà cuống sinh sản nhanh, đẻ nhiều, tỷ lệ trứng nở cao, chúng lại không có bất cứ bệnh tật gì. Vì thế, cứ chăm sóc tốt thì nhân đàn lên rất nhanh", anh Thuần giải thích.

Gần 100 cặp giống bố mẹ anh Thuần đang giữ bắt đầu vào mùa sinh sản (tháng 3 - 10 dương lịch), nếu không bán giống thì chẳng mấy chốc, chục bể nuôi của gia đình anh sẽ trật kín cà cuống.

Anh Thuần chia sẻ thêm, cà cuống cái sau khi giao phối với con đực sẽ đẻ ra bọc trứng (như trứng ốc bươu vàng) có màu trắng ngà, có đến hàng trăm quả. Sau 5 - 7 ngày, trứng nở ra ấu trùng.

Bí quyết nuôi con chết đến đít còn cay qua mùa đông của ông chủ trẻ - 5

Khoảng 100 cặp cà cuống còn lại, anh Thuần đã chuẩn bị sẵn sàng các bể nuôi, thức ăn cho chúng vào mùa sinh sản để gây đàn.

"Ấu trùng qua 5 lần lột xác trong khoảng 45 ngày sẽ trở thành cà cuống trưởng thành, lại tiếp tục sinh sản tiếp. Vì thế, chúng nhân đàn rất nhanh. Vòng đời của cà cuống kéo dài khoảng một năm. Cơ hội phát triển kinh tế khi nuôi loài này rất cao", anh Thuần nói.

Hiện, để chuẩn bị cho mùa sinh sản của cà cuống, anh Thuần đã mua sẵn các loại thức ăn như cá con, dế… nuôi sẵn trong bể làm thức ăn cho đàn côn trùng đặc biệt của mình.

Ngoài ra, anh cũng đang làm thêm nhiều bể bạt dự phòng để khi cà cuống sinh sản, nhân đàn nhanh sẽ có chỗ cho chúng sống, tránh đánh nhau, gây tổn hại đến số lượng đàn.

Bí quyết nuôi con chết đến đít còn cay qua mùa đông của ông chủ trẻ - 6

Có gần chục bể xi măng, nhưng anh Thuần vẫn đang làm thêm nhiều bể bạt để khi vào vụ chính có đủ chỗ tách đàn cà cuống.

Bán con giống cho nhiều người, anh Thuần cũng tận tình chỉ bảo cách chăm sóc để cà cuống không bị chết, đến mùa sinh sản người nuôi nhanh chóng gỡ lại được vốn.

"Năm nay tôi sẽ tập trung phát triển cho đàn cà cuống nhiều lên, ngoài phục vụ giống sẽ tính đến đầu tư chế biến các sản phẩm từ cà cuống như làm nước mắm cà cuống, bán cà cuống thương phẩm…", chàng trai trẻ hào hứng dự tính.

Được biết, năm 2022, từ nghề nuôi loài côn trùng kỳ lạ này, mỗi tháng anh Thuần thu về hơn 20 triệu đồng tiền lãi.