Cán bộ nhà nước xin nộp lại gần 90 tỷ đồng để được... nghỉ việc

Hàng loạt học viên đề án nhân lực chất lượng cao tại hai địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam xin nghỉ việc thời gian qua dấy lên lo ngại về vấn nạn “chảy máu nhân tài”.

Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Riêng tại Đà Nẵng, số tiền bồi thường mà các học viên đề án chấp nhận nộp lại để được nghỉ việc lên tới gần 90 tỷ đồng.

Lương thấp, Phó chủ tịch xã xin nghỉ

Chỉ một thời gian ngắn, 3 học viên Đề án tuyển chọn, đào tạo nguồn cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2016 (gọi tắt là Đề án 500) đang làm “quan xã” tại huyện Phú Ninh liên tiếp xin nghỉ việc. Mới đây, bà Nguyễn Thị Viễn, cán bộ Văn phòng thống kê UBND xã Tam Đàn (Phú Ninh) xin nghỉ việc vì lý do gia đình.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Điển, cán bộ Văn phòng thống kê của UBND xã Tam Thái cũng xin nghỉ vì lý do vợ chồng ở xa nhau, đi lại khó khăn. Đáng kể, dù đã là cán bộ chủ chốt của UBND xã Tam Thành (Núi Thành), nhưng ông Bùi Ngân Tùng Sơn- Phó chủ tịch UBND xã vẫn xin nghỉ việc giữa chừng vì “hoàn cảnh kinh tế, thu nhập thấp”.

Theo ông Sơn, lý do xin nghỉ vì bản thân thấy công việc không phù hợp, nên “nhường ghế” cho người khác làm, thứ hai là cơ chế cấp trên đối với xã bị gò bó. Nhưng cái quan trọng vẫn là kinh tế. Ông Sơn cho rằng, từ khi lập gia đình, áp lực cuộc sống lớn, lương không đủ nuôi vợ con nên xin nghỉ ra ngoài làm tư nhân. “Hiện, tôi cùng với một số anh em địa phương lập công ty cổ phần để kinh doanh”, ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng, hiện thành phố đã thu được 89 tỷ đồng do học viên hoàn trả sau khi phá vỡ hợp đồng. Các trường hợp này đều đã làm tròn nghĩa vụ về tài chính, bởi nếu không, chính quyền sẽ khởi kiện ra tòa theo đúng quy định.

Chị T.H là học viên của đề án bồi dưỡng nhân tài Đà Nẵng được cử đi học năm 2006. Đến năm 2012, chị H. về công tác tại Ban Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng. Tuy nhiên, mới đây chị H. làm đơn xin ra khỏi đề án vì lý do gia đình.

Chị H. chia sẻ: “Hiện, cha mẹ hai bên nội ngoại đều có người ốm nặng, nếu tiếp tục công tác thì kinh tế không đảm bảo cho cuộc sống. Vì vậy, tôi chấp nhận nghỉ việc và đền bù để ra làm việc ở khối doanh nghiệp nhằm đảm bảo kinh tế gia đình”.

Với trường hợp của chị Tr. (làm việc tại Sở KH&ĐT Đà Nẵng từ năm 2011), mặc dù nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ các anh chị đồng nghiệp cũng như lãnh đạo nơi chị công tác, tuy nhiên chị Tr. vừa kết hôn và chồng hiện đang sống tại Úc nên phải nghỉ việc để qua Úc sinh sống cùng gia đình.

Theo ông Võ Sinh, Trưởng phòng Nội vụ huyện Phú Ninh, các học viên xin nghỉ việc đã được giải quyết theo nguyện vọng. Được biết, những trường hợp xin nghỉ việc đã tìm được việc mới phù hợp với mức lương cao hơn.

Thống kê cho thấy, Đề án 500 khóa IV có 108 học viên. Sau khi đào tạo, các học viên được bố trí, sắp xếp về công tác tại xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã trên địa bàn. Quảng Nam ban hành cơ chế nhiều ưu ái cho các học viên này như: Tuyển thẳng vào ngạch công chức, được hưởng mức lương khởi điểm của sinh viên đại học chính quy ra trường, được bố trí công việc phù hợp với ngành học, một số trường hợp lên làm lãnh đạo xã…

Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: Thực tế số học viên xin nghỉ giữa chừng chiếm tỷ lệ nhỏ, số còn lại vẫn đang cống hiến và phát huy hiệu quả đề án.

Chị Võ Thị Như Cẩm, cán bộ thuộc Đề án 500 của tỉnh đang phụ trách địa chính của UBND xã Tam Dân (Phú Ninh) chia sẻ: “Về đây làm, tôi nhận được sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương. Theo tôi, khó khăn mà dẫn đến nghỉ việc là do yếu tố bên ngoài tác động đến cá nhân thôi”, chị Cẩm nói.


Đà Nẵng có 40/460 học viên tốt nghiệp đã được bố trí công tác, thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Đà Nẵng có 40/460 học viên tốt nghiệp đã được bố trí công tác, thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

“Vẫn trong tầm kiểm soát”

Tại Đà Nẵng, thời gian qua cũng có đến 40 học viên diện “thu hút nhân tài” xin nghỉ việc. Đáng kể, trong số 14 học viên tốt nghiệp về công tác tại Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng, hiện 4 học viên có đơn xin nghỉ. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, lý do được nêu ra trong đơn chủ yếu là vì yếu tố gia đình, tức là vợ - chồng không cùng ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, qua tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng có thể thấy, vấn đề thu nhập mới là nguyên nhân lớn nhất khiến các học viên xin nghỉ việc.

Khảo sát cho thấy, có đến 12,5% học viên thuộc đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng đang làm việc cho biết, sẽ không tiếp tục công việc vì nguyên nhân môi trường chưa tốt, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, không có cơ hội thăng tiến. Một số học viên chấp nhận bồi thường kinh phí để nghỉ việc.

Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng cho rằng, khi tự nguyện tham gia đề án, học viên cùng với thành phố sẽ ký kết hợp đồng dân sự, mọi việc phát sinh căn cứ vào đó để giải quyết. Đà Nẵng sẽ cam kết quyền lợi cho học viên khi tham gia đề án là được nhận học bổng khi đi học, bố trí việc làm sau khi ra trường, đồng thời bố trí vào khối công chức viên chức.

Học viên phải đáp ứng các yêu cầu: có bằng tốt nghiệp loại khá trở lên, làm việc cho Nhà nước trong vòng 7 năm. Khi học viên muốn ra khỏi đề án phải bồi hoàn kinh phí, tùy hành vi mà có mức bồi hoàn khác nhau.

Theo ông Chiến, số lượng xin ra khỏi đề án không nhiều và trong tầm kiểm soát. Khi xây dựng đề án (từ năm 1988), thành phố đã lường hết những vấn đề này. Bên cạnh đó, việc chuyển dịch lao động giữa khu vực công và tư đang là xu thế bình thường, vấn đề là chất lượng lao động, những vị trí xin nghỉ việc như thế nào.

Thực tế, trong hệ thống các cơ quan thuộc chính quyền Đà Nẵng đang có 56 học viên thuộc đề án giữ các chức vụ quan trọng. Trong đó, có 14 học viên giữ chức vụ phó giám đốc sở trở lên, 42 học viên giữ chức vụ phó phòng trở lên. Hầu hết các học viên còn lại đang làm việc đều được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ, có trình độ chuyên môn cao.

Ông Chiến cho hay, để tránh những trường hợp học viên của đề án sau khi đào tạo lại bỏ việc, sắp tới Đà Nẵng có kế hoạch không cử đi đào tạo nữa, mà sẽ đào tạo sau đại học đối với các công chức để đúng ngành nghề đang làm việc sẽ, phù hợp hơn…

Theo Báo Giao Thông