Đào tạo nhân tài kiểu “nuôi gà nòi” đã lộ bất cập?

Một khi những nhân tài quyết tâm rời bỏ, mà chính quyền cứ bắt họ làm đúng hợp đồng thì họ cũng làm cho xong hợp đồng rồi ra đi.

Sau gần 15 năm Đà Nẵng triển khai đề án “thu hút và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, đã góp phần trẻ hoá và làm chuyển biến về chất lượng cán bộ của thành phố. Bổ sung nhiều cán bộ có trình độ, có năng lực, có khả năng đảm đương dần những trọng trách.

Tuy nhiên, thời gian gần đây hiện tượng “chảy máu” nhân lực từ ngay chính các học viên mà thành phố này thu hút, đào tạo đã đến mức báo động khiến cho người làm chính sách ở đây phải suy nghĩ và dư luận cũng thấy bất bình.

Thừa nhận rằng, ở một nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam, chính sách đãi ngộ, điều kiện sẽ không thể bằng các nước tiên tiến khác trên thế giới. Đây rõ ràng là vấn đề lớn với Đảng và Nhà nước, địa phương, lẫn các đối tượng thu hút phải cân nhắc nghiêm túc khi quyết định thực hiện và tham gia đề án, chính sách thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tính đến tháng 5/2018, đã có đến 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922).
Tính đến tháng 5/2018, đã có đến 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922).

Thực tế, tỉnh/thành nào cũng có Đề án thu hút nhân tài trong thời gian qua như Bình Dương, TP HCM, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi... Đây là chính sách tốt, mang lại lợi ích lớn cho sự phát triển của mỗi địa phương. Xét về yếu tố thành công của chính sách, đạt được hiệu quả nhất, gây tiếng vang lớn nhất mà dư luận cảm nhận được không đâu khác chính là thành phố Đà Nẵng.

Sau gần 15 năm triển khai công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1043 người tốt nghiệp Đại học công lập, chính quy trở lên.

Trong đó có 13 tiến sĩ (1%), 224 thạc sĩ (22%) và 806 người tốt nghiệp Đại học (77%); 45 người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nước ngoài (4,3%). Nhiều cán bộ có chiều hướng phát triển tốt, sau thời gian công tác tại Đà Nẵng, 297 người (28,4%) đã trở thành Đảng viên, 206 (19,75%) được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên (trong đó có 0,8% cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý).

Thế nhưng, theo thống kê mới đây, đến tháng 5/2018, đã có đến 93 người đã rút khỏi Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng (Đề án 922). Trong đó dù được bố trí việc làm, 40 người đã xin thôi việc với các lý do đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt, hoặc muốn tìm công việc khác. 47 học viên vi phạm hợp đồng (chủ yếu không đạt kết quả theo yêu cầu của đề án).

Đến nay, Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (thuộc Sở Nội Vụ Đà Nẵng) đã nộp đơn khởi kiện ra tòa 32 học viên (8 đang trong quá trình xét xử tại TAND các cấp; 10 đã chuyển sang giai đoạn thi hành án; 3 đã bồi hoàn xong sau phiên xét xử sơ thẩm; 11 rút đơn khởi kiện do học viên hoàn thành việc bồi hoàn trước khi vụ án đưa ra xét xử).

Thực tế cho thấy, bấy lâu nay người ta cứ chê trách địa phương này, địa phương kia hay cơ quan này, cơ quan nọ không sử dụng nhân tài, không tạo điều kiện cho nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhưng, Đà Nẵng đã đầu tư từ A đến Z mà khá nhiều học viên trong đề án vẫn phá vỡ hợp đồng, thế mới thấy chuyện gì cũng có 2 mặt của nó.

Cũng từ thực tiễn này, chúng ta nhận ra một nghịch lý đang tồn tại trong xã hội đó là: Để tạo ra một quan chức, một giáo sư/tiến sĩ rất dễ ở Việt Nam, nhưng tạo ra được một con người có trách nhiệm với xã hội, với đất nước là rất khó! Thật sự những người như vậy còn lại rất ít và họ sống bằng cái tâm và đang phải vật lộn với cuộc sống kim tiền hàng ngày, cho đến khi họ buông bỏ vì kiệt sức.

Có thể, có những học viên đã có tư tưởng “qua cầu rút ván” và chúng ta có quyền trách học viên, trách là đúng. Nhưng, có lẽ Đà Nẵng cũng nên xem lại mình. Những học viên thực hiện đúng đề án, gắn bó thì thành phố đã làm gì để họ cống hiến? Tại sao lại “chảy máu” nguồn lực nhân tài sau khi đã thu hút, đào tạo? Để một người toàn tâm toàn ý cho công việc thì đừng để họ phải gánh nặng nỗi lo “cơm áo gạo tiền” hàng ngày.

Và, một khi những nhân tài quyết tâm rời bỏ, mà chính quyền cứ bắt họ làm đúng hợp đồng thì họ cũng làm cho xong hợp đồng rồi ra đi. Như vậy cũng có nghĩa, kế hoạch “chiêu hiền đãi sĩ” của Đà Nẵng liệu có bị phá hủy, đề án “thu hút, đào tạo” nhân tài liệu có trở thành “ngân hàng chính sách”, tức là thành phố cho học viên vay tiền để đi học, sau đó nhân tài về trả nợ và kết thúc?

Qua đây ta thấy, nhân tài là những người có tài năng thực sự và thể hiện được trong công việc và cuộc sống hàng ngày, chứ không phải đơn thuần là những học viên tốt nghiệp “Đề án đào tạo nhân lực chất lượng cao”. Nghĩa là, đào tạo nhân tài kiểu “nuôi gà nòi” như Đà Nẵng đã bộc lộ rõ bất cập, rất khó phát triển.

Thay vào đó, hãy cứ tạo môi trường tốt tự nhiên sẽ có người tài tìm đến vì cơ chế chính là “cái máy đãi vàng”.

Theo Doanh nhân Sài gòn