"Căn bệnh thời đại", lương hậu hĩnh cộng dồn áp lực
(Dân trí) - Căng thẳng trong công việc là căn bệnh "thời đại", ngày càng nhiều người phải đối mặt. Đôi khi, sở hữu nghề nghiệp mang lại mức lương hậu hĩnh nhưng người lao động dồn nén vô vàn áp lực.
Lao động cường độ cao dễ bị căng thẳng
Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Anh Thơ cho hay, cuộc sống và môi trường làm việc hiện đại ngày nay với hàng loạt các vấn đề về môi trường, khí hậu, sức khỏe, an toàn thực phẩm… và đặc biệt là áp lực công việc, dẫn đến con người dễ bị stress (căng thẳng), rối loạn lo âu.
Thống kê của Bộ Y tế năm 2017 chỉ ra, khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng.
Ông Thơ dẫn chứng, các nghiên cứu đã báo cáo cho thấy tỷ lệ công nhân bị stress trong ngành da giày là 20,7%; ngành may mặc đã lên đến 71%; tỷ lệ với điều dưỡng viên và nhân viên y tế dao động 18,5% - 56,9%.
Theo ông Thơ, căng thẳng là căn bệnh "thời đại", mà ngày càng nhiều người phải đối mặt, nhất là những người lao động làm việc với cường độ cao. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra hậu quả của căng thẳng nghề nghiệp kéo dài liên tục làm ảnh hưởng đến tâm lý và sức khỏe tâm thần của con người.
"Nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần là do họ phải làm việc quá giờ , công việc nặng nhọc, mức lương không thỏa đáng, căng thẳng tâm lý, công việc có nguy cơ bị tai nạn...", ông Thơ nói.
Các yếu tố được coi là nguy cơ đối với sức khỏe tâm thần gồm công việc đơn điệu hoặc lặp đi lặp lại, công việc phải quan sát hoặc lựa chọn chính xác, môi trường làm việc không thuận lợi, làm việc quá giờ, lương không thỏa đáng…
Một khảo sát của Viện sức khỏe nghề nghiệp đối với nhân viên trong ngành công nghệ thông tin cho thấy, có 38,5% lao động bị stress nghề nghiệp. Năm 2022, Phân viện khoa học An toàn, Vệ sinh lao động và Bảo vệ Môi trường Miền Nam đã tiến hành khảo sát đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần của 200 nữ công nhân thuộc lĩnh vực dệt may.
Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy, có 28% người có biểu hiện stress nghề nghiệp mức độ trung bình và 18,5% người có biểu hiện trầm cảm ở các mức độ khác nhau.
Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cho rằng, mỗi ngành mỗi nghề đều có đặc thù riêng mà khi lựa chọn, mọi người cảm thấy bản thân được vui vẻ lúc làm việc, có thu nhập hợp lý; đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của mình.
"Nhưng đương nhiên là không phải tất cả các công việc trên thế giới này đều được trả lương cao và thoải mái khi làm việc. Thậm chí có tìm được nghề nghiệp mang về mức lương hậu hĩnh thì cũng phải đối mặt với nguy hiểm, vất vả cùng vô số áp lực mà chỉ những người trong nghề mới hiểu được", ông Thơ nhấn mạnh.
Khống chế trạng thái căng thẳng
Để phòng tránh tình trạng căng thẳng nơi làm việc, ông Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, doanh nghiệp cần loại bỏ các nguy cơ gây tai nạn hoặc kiểm soát rủi ro tại nơi làm việc.
Người sử dụng lao động phải xây dựng quy trình làm việc an toàn cho từng nhiệm vụ, thiết bị hoặc công cụ mà nhân viên của họ được yêu cầu thực hiện, sử dụng như một phần công việc của họ và điều đó có thể khiến họ gặp rủi ro không kiểm soát được.
Theo ông Trình, một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng là do thiếu kiểm soát công việc. Chính vì vậy, người lao động hãy sắp xếp công việc theo thứ tự ưu tiên, tập trung hoàn thành các công việc có ưu tiên cao trước. Bên cạnh đó, cần đề đạt với cán bộ quản lý khi khối lượng công việc lớn, vượt quá sức chịu đựng, hay khi công việc không phù hợp.
Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng Chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động cho rằng, người lao động cần không ngừng trau dồi và nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết trong công việc, đời sống. Như vậy, sẽ giúp ích trong quá trình hoàn thiện bản thân cũng như tạo thêm nhiều cơ hội để phát triển hay tìm kiếm các công việc mới nếu cần thiết.
Bên cạnh đó, cần dành thời gian cho bản thân sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Mục đích của đi làm vẫn là để bản thân có chất lượng cuộc sống tốt hơn, vì thế đừng quên dành cho những phần thưởng xứng đáng cho sự cố gắng của bản thân trong suốt thời gian qua.
"Xem xét thay đổi công việc nếu thực sự cần thiết. Sức khỏe và tinh thần, sự hạnh phúc của bản thân mới là điều quan trọng nhất và nếu công việc đó chỉ "vắt kiệt" sức lực của bạn thì đừng nên cố chấp níu kéo. Vẫn luôn có vô vàn các cơ hội tuyệt vời đang đón chờ bạn", ông Long đưa ra lời khuyên.