Giật mình về số người tự tử do trầm cảm, căng thẳng trong công việc

Lê Hoa

(Dân trí) - Khoảng 40.000 người Việt Nam đã tự tử trong một năm là do trầm cảm. Con số này cao gấp bốn lần so với số người chết vì tai nạn giao thông.

Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng Khoa tâm sinh lý, Viện sức khỏe nghề nghiệp, Bộ Y tế tại hội thảo "Các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc" sáng 26/4.

Cái kết đau lòng... từ trầm cảm, căng thẳng

Bà Hà cho rằng, trầm cảm do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó cũng có yếu tố của công việc căng thẳng.

Bệnh nghề nghiệp chia làm hai loại, trong đó có những bệnh nằm trong danh mục được bảo hiểm. Còn những bệnh không nằm trong danh mục này vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu. Các nghiên cứu hiện tập trung vào thực trạng căng thẳng trong công việc.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năm 2010, cơ quan này đưa ra 194 bệnh nghề nghiệp, trong đó có những bệnh liên quan đến căng thẳng tại nơi làm việc. Bà Hà cho rằng, căng thẳng liên quan đến công việc là những phản ứng có hại đối với con người do sự mất cân bằng hay không phù hợp với yêu cầu của công việc.

Giật mình về số người tự tử do trầm cảm, căng thẳng trong công việc - 1

Bà Nguyễn Thu Hà, Trưởng khoa Tâm sinh lý lao động, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế.

Thực tế, Trưởng Khoa tâm sinh lý cho rằng, việc hỗ trợ tâm lý cho người lao động tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm nhiều. Chính vì vậy, cần có những giải pháp hỗ trợ về tâm lý kịp thời cho người lao động tại đây.

Không chỉ quá tải trong công việc mới tạo ra sự căng thẳng mà chính việc dưới tải cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Bà Hà lấy ví dụ về nghề kiểm sát viên không lưu phải làm việc rất căng thẳng khi điều hành máy bay cất, hạ cánh. Họ phải làm việc với màn hình máy tính cùng nhiều chi tiết nhỏ và phải chịu trách nhiệm lớn về sự an toàn bay, tính mạng của con người. Đó là một dạng áp lực. Mặt khác, với những công việc được cho nhàn hạ thì nhiều người làm công việc đơn điệu, nhàm chán cũng đối mặt với những căng thẳng nhất định.

Qua thực tế, Trưởng Khoa tâm sinh lý cho rằng, căng thẳng trong công việc gây rối loạn về sức khỏe, tinh thần, dẫn đến lo âu, trầm cảm. Bên cạnh đó, người lao động còn thể gặp vấn đề về tim mạch, huyết áp, tiêu hóa…

"Quen thuộc" với sự căng thẳng

Ông Nguyễn Khánh Long, Trưởng phòng chính sách bảo hộ lao động, Cục An toàn lao động cho biết, những biến đổi khó lường, tăng trưởng giảm sút, tình trạng mất việc làm, thu nhập thấp hoặc điều kiện lao động ở nhiều nơi không đảm bảo, áp lực công việc lớn... đều gây ra những vấn đề đáng quan tâm đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt là vấn đề căng thẳng tại nơi làm việc.

Trong ấn phẩm mới đây của ILO, nhóm an toàn và sức khỏe lao động đã nghiên cứu căng thẳng tại nơi làm việc trên toàn thế giới bao gồm châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ, Úc và châu Âu và đi đến kết luận rằng vấn đề này có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm trực tiếp và gián tiếp đến xã hội. Con số đó chưa thể tính hết những cái giá mà con người phải trả khi chịu đựng đau khổ, buồn bã và thậm chí là tự sát.

Về nguyên nhân dẫn đến căng thẳng nơi làm việc, ông Long cho rằng, thống kê chỉ ra một số ngành nghề có số lượng người lao động bị stress cao nhất thường là sản xuất vật liệu xây dựng, ngân hàng, hóa dược, chăm sóc sức khỏe… Các công việc càng có tính chất quan trọng, chiếm nhu cầu cao trong đời sống thì người làm việc càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh bởi khối lượng công việc quá tải diễn ra hằng ngày.

Giật mình về số người tự tử do trầm cảm, căng thẳng trong công việc - 2

Toàn cảnh hội nghị.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động trong các ngành sản xuất thâm dụng nhiều lao động như dệt, may, da giày, chế biến thủy sản, lắp ráp điện tử do thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, nguy cơ mất việc làm và thu nhập, vấn đề làm thêm giờ cục bộ, việc chăm sóc gia đình, con cái … cũng gặp vấn đề về tâm lý.

Theo vị này, thời gian làm việc tiêu chuẩn là 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên vẫn có vô vàn các công việc không thể hoàn thành đúng theo khuôn khổ, các công việc có tính chất không cố định khiến người lao động phải tốn thời gian, sức lực hơn. Chẳng hạn như bác sĩ, y tá có thể phải làm việc đến 16 tiếng/ngày; hay người làm tiếp thị phải đi tiếp khách bất cứ lúc nào; người làm báo chí cần phải làm việc ngay giữa đêm nếu có tin mới.

GS.TS. Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam nhận định: "Căng thẳng thường xuyên hiện diện trong cuộc sống của con người hiện đại nên có nguy cơ nó sẽ trở nên quen thuộc và vô hình. Nhiều người quên mất cảm giác khi hệ thần kinh cân bằng. Lo lắng và căng thẳng gia tăng trong công việc gây ra các phản ứng sinh lý, căng thẳng về cảm xúc, xuất hiện những suy nghĩ ám ảnh, hoảng loạn khiến giảm hiệu suất công việc. Người lao động dễ nóng giận vô cớ hay những hành vi thiếu chuẩn mực, lâu dài sẽ mắc các bệnh mạn tính và điển hình là tâm thần".

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, hiện nay, nhận thức của người lao động, doanh nghiệp và công đoàn về căng thẳng tại nơi làm việc là chưa đủ tầm, chưa đúng mức. Thực tế cho thấy, nơi nào có nhận thức tốt, có nhiều giải pháp phù hợp thì người lao động ít bị căng thẳng.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị, trong thời gian tới, công đoàn cần có văn bản tham gia giảm tình trạng căng thẳng tại nơi làm việc cũng như cần có nhận thức đúng về vấn đề này. Bên cạnh đó, công đoàn cần quan tâm xây dựng chính sách pháp luật; trong thương lượng thỏa ước phải lưu ý điều khoản này. Công đoàn cũng cần làm tốt công tác giám sát; trong hoạt động công đoàn phải tạo ra môi trường giảm bớt căng thẳng cho người lao động.