Cần 1 tỷ đồng để đào tạo một lao động có tay nghề cao

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Để đào tạo một lao động tay nghề cao, có đủ kỹ năng đáp ứng công việc kỹ thuật cao của doanh nghiệp thì cần chi phí khoảng 1 tỷ đồng cho 1 sinh viên trong 3 năm học.

Đẩy mạnh đào tạo lao động chất lượng cao

Ngày 14/10, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học "Công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" tại TPHCM.

Chủ trì hội thảo có ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội; ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương và TS. Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn.

Cần 1 tỷ đồng để đào tạo một lao động có tay nghề cao - 1

Các lãnh đạo chủ trì hội thảo (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu khai mạc, ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết: "Mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác đào tạo nhân lực tay nghề cao ở Việt Nam, nhưng vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục".

Tính đến cuối năm 2023, cả nước vẫn còn 38 triệu lao động chưa qua đào tạo. Trình độ học vấn của lực lượng lao động qua đào tạo ở Việt Nam thấp, chủ yếu là trung học cơ sở (67%); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực. Trình độ đào tạo sơ cấp, dưới 3 tháng còn chiếm tỷ lệ cao (75%).

Theo ông Lê Huy Nam, những con số thống kê trên cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề cho người lao động.

"Nếu không có giải pháp phù hợp, quyết liệt, thực tiễn này tác động rất tiêu cực tới nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao", ông Nam đánh giá.

Cần 1 tỷ đồng để đào tạo một lao động có tay nghề cao - 2

Ông Lê Huy Nam, Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: Tùng Nguyên).

Phát biểu tại hội thảo, TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: "Chưa lúc nào thấy được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, Quốc hội và toàn xã hội đến GDNN như hiện nay".

Theo thống kê của Tổng cục GDNN, kết quả tuyển sinh trong giai đoạn 2020-2023 là 8,4 triệu người. Hiện có 45 trường được lựa chọn ưu tiên đầu tư để thành trường chất lượng cao. Giai đoạn 2019-2023, các trường này đã tuyển sinh được hơn 975.000 người, chủ yếu là ở trình độ cao đẳng và trung cấp.

Các trường cũng đang đẩy mạnh tuyển sinh theo các bộ chương trình chuyển giao từ Úc và Đức. Học viên theo học các chương trình này được cấp cả 2 bằng và bằng cấp được các nước công nhận.

Ông Bình cho biết: "Những con số trên cho thấy ngoài việc đào tạo đại trà, chúng ta đang tập trung vào đào tạo chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động".

Theo ông Bình, dù đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng hiện GDNN vẫn còn gặp trở ngại lớn nhất là nhận thức của xã hội về đào tạo nghề, chưa coi trọng kỹ năng khi phát triển sự nghiệp.

Cần 1 tỷ đồng để đào tạo một lao động có tay nghề cao - 3

TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN (Ảnh: Tùng Nguyên).

Để đẩy mạnh phát triển GDNN trong giai đoạn mới, ông Bình cho rằng giải pháp đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức cho người dân về GDNN, tầm quan trọng của kỹ năng nghề trong thị trường lao động tương lai.

Về mặt chuyên môn, ông cho biết định hướng thời gian tới của ngành vẫn là gắn chặt đào tạo với doanh nghiệp, thị trường lao động và đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại tại doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ của các trường; học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đi tắt đón đầu…

Chi phí cả tỷ đồng để đào tạo một lao động tay nghề cao

Hội thảo còn tiếp nhận nhiều ý kiến thảo luận của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và các trường Cao đẳng, đơn vị sử dụng lao động…

PGS.TS Nguyễn Tiến Đông, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lý Thái Tổ, nêu ý kiến cần có kết nối hiệu quả hơn giữa công tác đào tạo của các trường với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, đáp ứng từng kỹ năng mà doanh nghiệp cần trong chuỗi giá trị công nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2, các cơ sở GDNN tại Việt Nam hoàn toàn có thể đào tạo chất lượng cao vì lực lượng giáo viên, cơ sở vật chất… đều có thể đầu tư, mua sắm.

Tuy nhiên, ông cho rằng quan trọng nhất trong công tác đào tạo lao động chất lượng cao là mô hình. TS. Cường giới thiệu về mô hình đào tạo phối hợp đang được phát triển tại trường.

Cần 1 tỷ đồng để đào tạo một lao động có tay nghề cao - 4

TS. Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế Lilama2 (Ảnh: Tùng Nguyên).

Mô hình này bắt buộc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, đào tạo tại trường và doanh nghiệp, hình thành một đội ngũ giảng viên ngay tại doanh nghiệp.

Theo ông, để đào tạo một lao động tay nghề cao, có đủ kỹ năng đáp ứng công việc kỹ thuật cao của doanh nghiệp thì cần chi phí khoảng 1 tỷ đồng cho 1 sinh viên trong 3 năm học.

"Chúng ta đào tạo được nhưng chi phí rất cao. Làm sao con em đáp ứng được?", ông Cường nhấn mạnh.

Ông giới thiệu mô hình đào tạo nhân lực phối hợp cùng doanh nghiệp Đức mà trường đang triển khai. Doanh nghiệp đặt hàng và sẵn sàng trả chi phí đào tạo cho nhà trường nếu sinh viên đáp ứng được kỹ năng cần cho công việc của doanh nghiệp.

Hiện trường đã đào tạo và đưa được 12 em sinh viên sang Đức làm việc theo mô hình đào tạo phối hợp này.

Ông cho biết: "12 em đã đi Đức, lương rất cao, 80-90 triệu đồng/tháng và phản hồi của doanh nghiệp rất tốt".

Theo TS. Cường, một chương trình đào tạo phối hợp mà có càng nhiều doanh nghiệp tham gia thì lượng đầu tư vào đào tạo càng lớn, chi phí đào tạo mà sinh viên bỏ ra càng nhỏ mà hiệu quả đào tạo càng cao.

TS. Lê Lâm, Hiệu trưởng Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn, trình bày những khó khăn của hệ thống cơ sở GDNN khi hệ đại học được tuyển sinh không hạn chế, vét hết nguồn học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông; khó khăn của hệ thống trường tư thục...

Phát biểu kết luận, ông Lê Tấn Dũng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết hội thảo đã làm rõ được khái niệm nhân lực chất lượng cao là những lao động có tay nghề cao, đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động. Những lao động tay nghề cao không có bằng cấp cao nhưng được thị trường săn đón, trả lương cao.

Cần 1 tỷ đồng để đào tạo một lao động có tay nghề cao - 5

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng kết luận hội thảo (Ảnh: Tùng Nguyên).

Thứ trưởng Lê Tấn Dũng ghi nhận những khó khăn mà các địa phương, cơ sở GDNN phản ánh, Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát lại cơ chế chính sách để điều chỉnh cho phù hợp, từng bước tháo gỡ các khó khăn, bất cập để GDNN phát triển, đáp ứng được nhu cầu của xã hội và doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực trong thời gian tới.