Cảm phục cụ bà gần 90 tuổi ra đồng thấy khỏe hơn ở nhà
Hà Nội những ngày giữa hè, nhiều nông dân Hà Nội phải ra đồng ban đêm cấy lúa để tránh nắng nóng thì cụ bà Nguyễn Thị Lìu (88 tuổi, trú tại thôn Thường Xuyên, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên) vẫn hăng hái ra đồng.
Cụ cho biết, cuộc đời gần 90 tuổi nhưng có đến 80 năm gắn bó với cây lúa, mảnh ruộng nên mỗi vụ mùa kiểu gì cũng phải theo con cháu đi cày cấy.
Không vụ mùa nào không ra đồng
Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 khi tiết trời nắng nóng đỉnh điểm cũng là thời điểm các vùng canh tác lúa tại Hà Nội bước vào vụ mùa Hè - Thu. Để chống chọi lại cái nắng gay gắt, rất nhiều nông dân đã phải chuyển sang cấy lúa vào ban đêm hoặc lúc rạng sáng.
Ấy thế nhưng, ở xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên) nhiều năm nay người dân không còn xa lạ với trường hợp của cụ Nguyễn Thị Lìu dù đã ngót 90 tuổi nhưng không vụ mùa nào cụ không ra đồng cùng con cháu với mảnh ruộng, cây lúa.
Cụ Lìu sinh được 7 người con (một người thất lạc), 28 cháu dâu rể và 24 người chắt. Con cháu của cụ sinh sống quanh thôn Thường Xuyên và vùng lân cận đều có cuộc sống êm ấm, kinh tế ổn định. Thế nhưng, dù kinh tế con cháu khấm khá, hiện làm nhiều nghề kinh doanh, buôn bán nhưng những mảnh ruộng của gia đình được địa phương phân chia hàng năm vẫn trồng hoa màu.
Con cháu cụ Lìu cho biết, gia đình vẫn trồng lúa, làm ruộng với mong muốn để lấy gạo phục vụ cho cả nhà, phần nữa là truyền thống từ xa xưa xuất phát từ nghề nông nên nay để ruộng bỏ không thì tiếc nuối.
Khoác trên mình chiếc áo nâu sòng, khăn mỏ quạ, quần xắn đến đầu gối môi chóp chép nhai trầu, cụ Lìu vừa cấy lúa vừa nghêu ngao hát giữa cánh đồng mênh mông dưới tiết trời nắng như đổ lửa.
Cụ kể: "Ngày lên 5, lên 6 tuổi, tôi đã theo mẹ ra đồng cấy, gặt quen rồi nên suốt bao năm qua, năm nào cũng phải đi cấy, đi gặt cùng con cháu. Đấy, các cháu xem, dù gần 90 tuổi rồi nhưng tôi vẫn cấy thẳng hàng, đều tăm tắp lắm nhé".
Cụ cũng cho biết, vụ Đông-Xuân thời tiết rét mướt đến mấy cụ cũng chịu được để đi cấy cùng con cháu 3-4 ngày, từ 8h sáng đến11h trưa. Riêng vụ Hè -Thu, do thời tiết nắng nóng nên cụ và con cháu trong nhà chỉ cấy lúa từ 6-10h sáng là về.
Cụ nói: "Cứ đến 10h là các con cháu không cho tôi cấy dưới đồng nữa mà bắt về nhà. Nhưng về ngồi một mình cũng buồn nên tôi lại phụ con cháu nấu nướng bữa trưa".
Gia tài của cụ Lìu ngoài gần 100 con gà còn có mảnh vườn rau xanh mướt. Cụ kể: "Già rồi nhưng tôi vẫn có sức khỏe tốt chăm đàn gà, vườn rau xanh tốt. Vườn rau chủ yếu phục vụ gia đình, con cháu nhưng rồi cũng chẳng ăn hết nên cứ vài ngày tôi lại mang biếu xóm làng nhờ người ta ăn hộ kẻo bỏ thì phí lắm. Rồi cả đàn gà nữa, một mình tôi nuôi nhưng có bao giờ bán đâu. Con cháu đến chơi, tôi lại cho một vài con về ăn thịt".
Không đau ốm nhờ… mỗi ngày đi chơi khắp xóm
Dù tuổi cao nhưng cụ Lìu được con cháu và xóm làng nhận xét ham vui, ham tập thể dục, thích tụ tập. Theo cụ, do bản thân có những tính cách trên nên thích chơi với đám thanh niên, thích ngồi trò chuyện với những người trẻ tuổi và quan trọng nhất là được cười đùa với con cháu.
Cụ chia sẻ: "Nếu hàng ngày không có việc gì ở nhà tôi thấy cuồng tay cuồng chân lắm nên tôi thường đi đến các gia đình trong làng để chơi, trò chuyện. Nhưng tôi không thích chơi, bầu bạn với những người già mấy đâu, càng thanh niên, càng trẻ tôi càng thích nói chuyện bởi họ hay cười đùa nên mình cũng cảm thấy vui lây".
Hết mùa cấy, cụ Lìu lại quay về nhà với công việc thường nhật là đan lưới mắt cáo thuê cho một cơ sở gần nhà. Vừa kể chuyện, tay cụ vừa thoăn thoắt đan lưới, đến mức mỗi lần cắt chỉ cụ không cần nhìn nhưng chưa bao giờ bị đứt tay.
"Mỗi ngày đan lưới thuê thế này tôi cũng kiếm được khoảng 40.000 đồng đấy nhé, lương hàng tháng của tôi ở đó chứ đâu. Người già như tôi thì cần gì tiêu đến tiền đâu, con cháu cũng biếu nhiều nhưng không tiêu bởi tất cả đồ ăn thức uống, đồ dùng sinh hoạt… con cháu đề chu cấp đầy đủ cả. Mỗi năm tôi cũng tiết kiệm được cả chục triệu đấy, rồi mỗi dịp Tết đến số tiền đó lại dành mừng tuổi đàn cháu chắt", cụ nhoẻn miệng cười.
Suốt bao năm trời, sức khỏe cụ Lìu vẫn dẻo dai, rắn rỏi được con cháu ví như thanh niên. Thậm chí, những người con dâu, con rể của cụ cũng bị nhiều bệnh về xương khớp nhưng riêng cụ cả chục năm qua không phải dùng đến bất cứ một viên thuốc nào. Cụ nói, năm 2019 cụ phải cắt một quả thận do ảnh hưởng của tuổi già, nhưng hiện tại một quả thận còn lại vẫn làm việc tốt, sức khỏe vẫn như cách đây hàng chục năm.
"Con cháu khuyên bảo tôi ăn bồi bổ thêm nhiều thức ăn, đồ uống nhưng tôi chỉ ăn thịt, đặc biệt thịt mỡ là thích nhất. Mỗi ngày tôi chỉ ăn đúng 3 bát cơm vào 3 bữa, mỗi bữa ăn 3 miếng thịt mỡ và thêm bát canh thế là xong, sức khỏe tôi tốt thì cần gì ăn bồi bổ sơn hào hải vị cho tốn tiền mà chắc gì đã có lợi cho sức khỏe", cụ Lìu kể.
Ngoài chăm sóc đàn gà, vườn rau và đan lưới, hàng ngày cụ Lìu vẫn giúp con cháu việc đưa/đón 2 chắt nội đi học. Bên cạnh đó, thời gian rảnh cụ vẫn dạy con cháu điều hay lẽ phải cũng như kể những chuyện về thời xưa, thời còn khó khăn khổ cực.
Cụ nói, giờ cuộc sống như thế này là sướng lắm bởi thời cụ còn trẻ cuộc sống khổ cực lắm. Chính vì lẽ đó mà năm 1959, khi cụ sinh đôi 2 người con tại trạm xá Tía (huyện Thường Tín) gặp một gia đình cũng đi sinh nhưng không giữ được con nên cụ vừa thương tình đã cho bớt một cô con gái. Cụ nói, giờ chắc con gái cũng đã thành ông, thành bà và đặc điểm duy nhất là có một cái bớt ở trán.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Liên (59 tuổi, con dâu cụ Lìu) cho biết: "Mẹ chồng chính là tấm gương lao động để bà và các con cháu học theo. Mẹ tôi tuổi cũng đã cao tuổi nên mọi người chẳng muốn cho cụ làm những việc nặng. Người hiểu chuyện không sao, chỉ sợ người không hiểu lại nghĩ con cháu bắt cụ làm. Nhưng điều quan trọng hơn cả là những việc cụ làm khiến cụ khỏe mạnh, vui tươi và sống thọ với con cháu là chúng tôi hạnh phúc lắm rồi".
Theo Lê Bảo
Báo Gia đình xã hội