Hà Tĩnh:

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng

(Dân trí) - Thấy được hiệu quả của con giun quế trong chăn nuôi gia đình, chị Thái lập Facebook giới thiệu rộng rãi tới mọi người. Không ngờ, nhờ mạng xã hội mà chị Thái có nguồn thu cả trăm triệu đồng.

Ngạc nhiên với con trùn quế

Khoảng 4 năm trước, qua tìm hiểu thực tế từ một số mô hình nuôi giun quế (còn gọi là trùn quế), chị Dương Thị Thái, trú thôn 2, xã Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh bắt đầu nuôi thử.

Mục đích ban đầu của chị Thái khi nuôi giun quế là lấy làm nguồn thức ăn để tăng dinh dưỡng cho đàn gia cầm hàng trăm con của gia đình. Bắt tay vào nuôi thử nghiệm, chị Thái đã tận dụng chuồng trại trước đây chăn nuôi trâu bò làm chuồng nuôi giun quế.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 1

Bà Thái tận dụng cả hộp xốp làm nơi nuôi trùn quế.

Qua học hỏi, chị Thái nhận thấy việc nuôi giun quế không quá khó khăn, phù hợp với điều kiện của người nông dân.

Theo đó, chỉ cần 1 tuần tưới phân lên, duy trì độ ẩm, đảm bảo đủ lượng thức ăn là giun quế phát triển tốt. Ngoài ăn phân, giun quế cũng ăn đủ loại, như: giấy rác, rau quả, vỏ chuối, vỏ mít.

Đặc biệt, thức ăn của giun quế còn đến từ phân trâu bò. Đây là điều quá thuận lợi cho chị Thái, bởi nhà chị nuôi cùng lúc 3 con trâu.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 2

Giun quế tại khu nuôi của gia đình chị Thái.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 3

Lứa nuôi đầu tiên đã đem lại kết quả bất ngờ cho chị Thái. Không quá tốn kém, nhưng lượng giun quế dư để làm thức ăn cho đàn gia cầm của mình.

So với nguồn thức ăn truyền thống trước đó, từ khi có giun quế - nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng - đàn gia cầm của chị lớn rất nhanh, tăng sức đề kháng bệnh tật. Phân giun quế được bà sử dụng bón cho cây ăn quả trong vườn.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 4

Không quá tốn kém, nhưng lượng giun quế dư để làm thức ăn cho đàn gia cầm của mình. Đàn gia cầm vịt gà lớn nhanh khiến chị Thái bất ngờ.

"Gia đình tôi hết sức ngạc nhiên. Không chỉ tận dụng tối đa chuồng trại trong nhà, giun quế còn giúp gia cầm lớn nhanh, cây cối được bón phân tươi tốt. Thậm chí tôi còn san sẻ phân giun cho hàng xóm trồng cây"- chị Thái nói.

Đắt hàng nhờ Facebook

Từ hiệu quả thiết thực của con giun quế trong chăn nuôi gia đình, cách đây 2 năm, chị Thái đã nhờ con lập Facebook để chia sẻ thành công bước đầu của mình.

Những chia sẻ chân thật của chị khiến nhiều người, đặc biệt là nông dân trong vùng rất thích thú, quan tâm. Nhiều người còn đến tận nhà nhờ chị Thái tư vấn cách nuôi.

Từ những chia sẻ ban đầu, trang Facebook "Giun quế giống Hà Tĩnh - Quảng Bình" đã dần trở nên gần gũi với nhiều người. Trong số này có đến hơn 500 bạn hàng quen thuộc thường xuyên thu mua giun quế làm thức ăn cho gia cầm và làm giống. 

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 5

Trang Facebook của chị Thái quảng bá cả con nuôi giun quế, lẫn nhận tư vấn xây dựng chuồng nuôi, kỹ thuật chăm sóc.

Vừa cân hàng cho khách, chị Thái vừa phấn khởi cho biết: “Từ khi con trai lập cho trang Facebook bán qua mạng, khách hàng “mách nước” nhau nên mạng lưới thị trường ngày càng phát triển. Khách mua giun quế giống nườm nượp".

Chị Thái nói, khách hàng không chỉ bó hẹp trong huyện, trong tỉnh, mà còn đến từ các tỉnh: Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An. Có những lúc, chị phải từ chối đơn hàng vì chưa kịp sản xuất giun quế giống.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 6

Theo chị Thái, mới đây, một công ty kinh doanh thức ăn gia súc ở Nghệ An biết đến cơ sở cung cấp giun quế của chị đã vào tận nơi đặt hàng cung ứng hàng trăm tấn mỗi tháng. Tuy nhiên, do thiếu nhân lực, quy mô chưa đáp ứng được đơn hàng số lượng lớn nên chị đành phải từ chối.

“Mỗi tháng, gia đình cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn giun quế giống. Với giá 150.000 đồng/yến, gia đình thu về khoảng 15 triệu đồng”, chị Thái cho biết thêm.

Để cung cấp con giống ra thị trường, ngoài tận dụng chuồng trại chăn nuôi trâu bò trước đây làm chuồng nuôi trùn quế, chị Thái đã mở rộng thêm chuồng trại có diện tích 50 m2 ngay trong vườn.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 7

Khách hàng liên tục gọi đặt hàng cho chị Thái.

Không chỉ bán con giống, chị Thái còn sử dụng giun quế làm nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng cho đàn gia cầm (gà, vịt, ngan) hơn 150 con. Phân giun quế được chị sử dụng bón cho cây ăn quả trong vườn. Nhiều lúc, sử dụng không hết, chị còn bán cho hàng xóm với giá 400.000 đồng/tạ.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 8

Một thùng xốp đựng trùn quế chuẩn bị được gia đình chị Thái xuất bán cho khách hàng ở tận Quảng Trị. 

Với mô hình nuôi giun quế kết hợp chăn nuôi và trồng trọt, 4 năm nay, năm nào, gia đình chị Thái cũng thu trên 100 triệu đồng.

Đặc biệt, khoảng 2 năm lại đây, từ khi kênh Facebook “Giun quế giống Hà Tĩnh - Quảng Bình” được thành lập, thu nhập của gia đình tăng lên gấp bội nhờ bán giun quế giống.

Bán giun quế trên Facebook, chị nông dân kiếm trăm triệu đồng - 9

Hai năm nay, nhờ xuất bán trùn quế mà gia đình chị Thái năm nào cũng có nguồn thu trên 100 triệu đồng.

Bà Trương Thị Doanh - Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Minh - cho biết: “Đây là mô hình điểm của Hội phụ nữ. Thời gian qua, mô hình này không chỉ phát huy hiệu quả kinh tế mà còn hạn chế được lượng chất thải chăn nuôi ra môi trường".

Theo bà Doanh, phân giun được sử dụng trong trồng trọt, lấy giun làm thức ăn trong chăn nuôi là biện pháp hiệu quả tạo ra sản phẩm sạch cho cộng đồng.

"Chúng tôi đang khuyến khích hội viên nhân rộng mô hình để phát triển trồng trọt, chăn nuôi của địa phương”, bà Doanh nhấn mạnh.

Hà Phương