1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Phú Yên:

Cam kết chưa được hỗ trợ, lao động trở về từ vùng dịch nhận chế độ ngay

Trung Thi

(Dân trí) - Người lao động trở về từ vùng dịch chỉ cần cam kết "chưa từng được hỗ trợ" sẽ được tỉnh Phú Yên xem xét, giải quyết chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68; thay vì phải có xác nhận của địa phương nơi tạm trú .

Về quê, làm sao xin xác nhận tại... TPHCM?

Anh Trần Văn Trường (ở huyện Tuy An, Phú Yên) mưu sinh bằng nghề bán vé số ở TPHCM. Dịch Covid-19 bùng phát ở thành phố nơi đang bám víu mưu sinh, anh Trường phải nghỉ bán.

Thấy tình hình dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, anh Trường đã tự chạy xe lăn về Phú Yên khi chưa được nhận hỗ trợ.

Trở về quê nhà, Trường làm đơn theo mẫu quy định để được hỗ trợ theo Nghị quyết 68, nhưng thiếu xác nhận của địa phương nơi tạm trú nên đến nay trường hợp của Trường chưa được giải quyết.

Cam kết chưa được hỗ trợ, lao động trở về từ vùng dịch nhận chế độ ngay - 1

Nhiều lao động mưu sinh ở các tỉnh phía Nam về Phú Yên nhưng chưa được nhận hỗ trợ.

"Tôi làm đơn đưa lên xã, nhưng xã bảo phải có xác nhận của nơi tạm trú ở TPHCM thì mới giải quyết được. Do giãn cách, thư từ đi lại khó khăn. Ở TPHCM, tôi cũng không có người quen nên không có ai ký xác nhận thay. Về đây đời sống tôi gặp nhiều khó khăn, rất mong được quan tâm, hỗ trợ" - anh Trường trình bày.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, từ tháng 7 đến nay, tỉnh này đã tổ chức đón hơn 11.000 người từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương, trong số này có nhiều người lao động (NLĐ) chưa từng được hỗ trợ theo quy định của Nghị quyết 68, Quyết định 23 của Chính phủ.

Cam kết chưa được hỗ trợ, lao động trở về từ vùng dịch nhận chế độ ngay - 2

Tính đến nay Phú Yên đã tổ chức đón hơn 11.000 công dân từ các tỉnh phía Nam về với địa phương, trong đó có rất nhiều người là lao động tự do.

Để tiền hỗ trợ được đến đúng người, đúng thời điểm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên đã trình UBND tỉnh phê duyệt phương án hỗ trợ NLĐ trở về từ các tỉnh phía Nam, khi người dân có giấy cam kết "chưa từng được hỗ trợ".

Ông Võ Văn Binh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết, Sở đã lấy ý kiến của các địa phương và các ngành về dự thảo thay thế biểu mẫu "Đề nghị hỗ trợ" của NLĐ và đã được trình lên UBND xem xét phê duyệt. Hiện chờ UBND tỉnh ký quyết định thống nhất thay thế biểu mẫu thì sẽ triển khai thực hiện.

"Theo biểu mẫu cũ, NLĐ trở về từ phía Nam muốn được hỗ trợ phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi tạm trú là chưa nhận hỗ trợ mới được xem xét giải quyết. Tuy nhiên, thực tế việc này là rất khó cho NLĐ, nên chúng tôi quyết định chỉ cần NLĐ viết giấy cam kết là "chưa từng được hỗ trợ" thì sẽ cấp tiền theo quy định" - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên giải thích.

Cũng theo ông Võ Văn Binh, giấy cam kết ràng buộc NLĐ chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cấp chính quyền địa phương về việc "chưa từng được hỗ trợ", nếu sai sẽ xử lý theo quy định.

Gần 43.000 đối tượng nhận tiền từ gói 26.000 tỷ 

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên, đến nay, tỉnh này đã có 11/12 nhóm đối tượng trong Nghị quyết 68-NQ/CP với gần 43.000 đối tượng được thụ hưởng số tiền hỗ trợ hơn 32,9 tỷ đồng. Riêng nhóm đối tượng hỗ trợ đào tạo nghề chưa có hồ sơ phát sinh.

Cam kết chưa được hỗ trợ, lao động trở về từ vùng dịch nhận chế độ ngay - 3

Người lao động ở xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa, Phú Yên) được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68.

Ngoài ra, tỉnh Phú Yên còn có hơn 11.300 người thuộc diện F0, F1 được hỗ trợ tiền ăn trong quá trình điều trị, cách ly tại cơ sở y tế.

Đối với nhóm lao động tự do, đến nay UBND tỉnh Phú Yên đã ra quyết định hỗ trợ cho hơn 5.500 đối tượng. Dự kiến số tiền chi cho nhóm đối tượng này là hơn 7,8 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Binh - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Phú Yên cho biết: Theo quyết định 1088/QĐ-UBND quy định về đối tượng lao động tự do được nhận hỗ trợ đợt này có 8 nhóm, gồm: Người làm thuê trong các hộ kinh doanh bị dừng hoạt động theo yêu cầu của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (trừ các thành viên trong hộ kinh doanh);

Người hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; Thu gom rác, phế liệu; Lái xe mô tô 2 bánh chở khách (xe ôm); xe ba gác, xe lôi chở hàng; Bốc vác, đánh giày không có địa điểm cố định; Người bán lẻ vé số; Thợ nề, thợ sơn trong khu vực phong tỏa.