Cái giá nào cho tuổi trẻ ở cuộc cách mạng 4.0?

Với chỉ 100.000 -200.000 đồng mỗi ngày kiếm được, đôi khi đã thay đổi tất cả vận mệnh của một con người.

Trưa hôm qua, mình có một buổi ăn trưa với hai người bạn cũ đi du học về. Câu chuyện lan man một hồi lại nói về giới trẻ. Và câu chuyện ấy vô hình trung lại gắn chặt với cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra hàng ngày xung quanh mình.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Ngày mà Uber hay Grab xuất hiện tại VN, một viễn cảnh tươi đẹp về sự tiện lợi cho người tiêu dùng đã xuất hiện. Và quả thật là như thế. Khi ngày xưa khi cần gọi một chiếc xe ôm (đôi khi là cả taxi) cũng phải ngã giá một hồi mới có thể đi. Còn bây giờ, chỉ cần bật ứng dụng lên là biết ngay giá tiền chính xác mình phải trả cho đoạn đường mình đi, chưa kể là xe đón ngay tại chỗ mình mong muốn (hầu hết là như vậy) thay vì cuốc bộ ra ngã tư hay đầu con hẻm vào nhà…

Nhưng ở đây là một góc nhìn khác của mình…

Thời gian gần đây khi Uber và Grab phát triển mạnh mảng bike thì hầu hết chuyến đi mình đi đa phần là sinh viên mới tốt nghiệp ra trường hoặc đã tốt nghiệp vài năm rồi nhưng công việc làm chuyên môn không có định. Các bạn chọn giải pháp chạy Uberbike hay Grabbike để trang trải những khoản chi phí thường nhật trong ngày hoặc trong tháng (tiền thuê nhà, điện thoại, ăn uống…), trước khi có công việc mới phù hợp với chuyên môn ngành học. Mỗi ngày đôi khi chỉ cần kiếm 100.000-200.000 đồng đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Môi trường Uberbike hay Grabbike lại là môi trường rất giống kiểu freelancer. Các bạn có thể chạy vào lúc nào cũng được, hôm nào mệt có thể nghỉ, buổi nào có việc cũng có thể tắt ứng dụng. Thậm chí, tối khuya có thể tụ tập bạn bè trong hội bike uống vài chai bia, dăm ly rượu và nói chuyện về cuộc mưu sinh.

Để rồi đến một lúc các bạn đã quá quen thuộc với môi trường tự do tự tại như thế. Có thể đi làm thâu đêm suốt sáng, nhưng cũng có thể ngủ vùi bất tận ngày đêm. Và dần dần cuộc mưu sinh ấy khiến cho những kiến thức chuyên ngành rơi rụng dần…

Ngày qua ngày. Tháng qua tháng. Năm qua năm…

Một lứa sinh viên mới ra trường chưa có việc làm chọn Uberbike hoặc Grabbike làm nghề mưu sinh. Những cựu sinh viên vì không muốn gắn bó với công việc ăn mặc chỉn chu 8 tiếng hay 10 tiếng một ngày nơi công sở, cũng vẫn xem Uberbike hay Grabbike là phao cứu sinh giữa một thành phố cạnh tranh khốc liệt từng vị trí làm việc…

Từ những người trẻ với ước mơ và hoài bão trở thành những chuyên gia đầu ngành, những nhà kinh doanh, những kỹ sư… họ chỉ sau vài năm bỗng chốc trở thành những lao động chân tay. 4 hay 5 năm học đại học hay cao đẳng kia không còn nhiều giá trị với công việc mà họ đang làm. Niềm hy vọng của người thân về một tương lai tươi sáng khi nhìn thấy con em mình vác ba lô lên thành phố đi học, giờ đã trở thành một hoài niệm cũ kỹ…

Cái giá nào cho tuổi trẻ ở cuộc cách mạng 4.0? - 2

Và rồi đến một lúc, xã hội sẽ phải đón nhận những người từng là những người trẻ đầy tri thức nhưng giờ là những người lao động thủ công. Họ, với một tương lai vô định trong một độ tuổi - lẽ ra là đẹp nhất của một người trưởng thành…

Cứ mỗi lần đi qua những góc ngã tư của thành phố, nhìn những gương mặt trẻ đầy nhiệt huyết khoác lên mình chiếc áo xanh màu đọt chuối của Grabbike hay màu xanh dương của Uberbike. Bạn có bao giờ tự hỏi những câu hỏi giống như mình?

Sẽ có bao nhiêu người trẻ trong những người trẻ ấy, đủ dũng cảm để vứt bỏ sự tạm bợ của cái nghề mưu sinh hàng ngày kia, để quay lại với công việc chuyên môn mà mình đã học trong suốt những năm tháng đại học…?

Để có thể thấy lại mình trong một ước mơ mình từng có.

Hoặc là sẽ không bao giờ. Vì cuộc mưu sinh đang ngày càng nghiệt ngã.

Với chỉ 100.000-200.000 đồng mỗi ngày kiếm được, đôi khi đã thay đổi tất cả vận mệnh của một con người!

Theo Báo Người lao động