Cách mạng công nghiệp 4.0: Ứng viên có nhiều sáng kiến vẫn "cao giá”

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, VN sẽ là một trong những nước có tỉ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng bởi tự động hóa cao. Do công nghệ thay đổi, nhiều lao động trong ngành dệt may - da giày, điện tử có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Đứng từ góc độ quản trị nhân sự, bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc Điều hành, Công ty tuyển dụng Nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search thuộc tập đoàn Navigos Group Việt Nam - đã chia sẻ những nhận định riêng về cơ hội, thách thức trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Thưa bà, qua lăng kính tuyển dụng, nhu cầu của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất công nghiệp đã bị ảnh hưởng nhiều từ công nghiệp 4.0?

Chúng tôi đang tìm kiếm những dữ liệu trước khi có thể khẳng định về sự thay đổi rõ rệt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến ngành công nghiệp sản xuất tại Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Ứng viên có nhiều sáng kiến vẫn "cao giá” - 1

Bà Nguyễn Phương Mai

Tuy nhiên trong hiện tại, một số dấu hiệu “tích cực” đang dần rõ nét, như: Các nhà máy đã bắt đầu ứng dụng mô hình tự động hóa hoặc bán tự động hóa, tăng cường sử dụng các hệ thống quản lý sản xuất hoàn toàn bằng máy tính, hoặc các phần mềm quản lý sản xuất thông minh.

Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ giúp nhà tuyển dụng dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng được ứng viên tiềm năng lớn, thậm chí tiếp cận được những ứng viên tài năng đến từ nước khác.

Đối với cấp quản lý, những doanh nghiệp lớn có xu hướng tuyển nhiều nhân lực cho một vị trí so với những doanh nghiệp thông thường. Doanh nghiệp có thêm nhiều quyền lợi đặc biệt để thu hút nhân lực cấp trung và cấp cao: Chính sách trả phụ cấp trên bằng cấp, phụ cấp trên số năm kinh nghiêm, phụ cấp theo độ tuổi, lộ trình thăng tiến rõ ràng…

Gần đây, các nhà tuyển dụng cũng bắt đầu quan tâm và ưu tiên những ứng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghiệp hiện đại, kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý.

Vậy với tốc độ phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài tác động trong ngành dệt may và điện tử, bà có dự đoán gì về sự thay đổi trong yêu cầu tuyển dụng nhân sự ở một số ngành khác?

Dưới sự tác động của công nghiệp 4.0, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp trong một số ngành nghề sẽ dần có sự thay đổi.

Đơn cử trong lĩnh vực ngân hàng. Đây là một trong những ngành đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bởi xu hướng tăng cường tuyển dụng nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị mạng, phát triển phần mềm quản lý lớn.

Ngay cả những vị trí khác như sales marketing cũng yêu cầu có kiến thức công nghệ hiện đại, e - commerce.

Tuy nhiên cũng cần khẳng định, một số ngành nghề vẫn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ công nghiệp 4.0, máy móc không thể thay thế được, như: Mỹ thuật, giáo dục, y học, thiết kế vi mạch điện tử… Những ngành này sẽ có nhu cầu đào tạo cao hơn trong tương lai.

Đứng từ góc độ tư vấn, bà sẽ chia sẻ điều gì với những ứng viên chuẩn bị nắm bắt các cơ hội việc làm trước cơn lốc của cách mạng công nghiệp 4.0?

Trong tương lai, máy móc sẽ thay thế một phần người lao động dẫn đến tình trạng dư thừa nhân lực. Việc cạnh tranh trong tìm kiếm việc làm gay gắt hơn, những ứng viên có các kỹ năng bắt kịp xu hướng công nghiệp hiện đại sẽ được trả mức lương cao hơn.

Đối với nhóm quản lý, bên cạnh kiến thức chuyên môn cao, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu phải có kiến thức về công nghiệp hiện đại, e-commerce, kỹ năng sử dụng phần mềm quản lý…

Các ứng viên muốn thử sức trước làn sóng công nghiệp 4.0 cần trang bị thêm kiến thức về công nghệ thông tin, kỹ năng sử dụng các phần mềm quản lý hệ thống, trau dồi các kiến thức chuyên môn trong ngành sản xuất.

Ứng viên biết quan sát và có nhiều sáng kiến nâng cao phương pháp sản xuất sẽ là người trụ lại ổn định trong bối cảnh kỷ nguyên 4.0.

Còn đối với các ứng viên có ít kinh nghiệm nhưng đam mê ngành công nghiệp sản xuất, nên cân nhắc lựa chọn những nghề, như: Kiểm định chất lượng, gia công thêu dệt, sản xuất thủ công mỹ nghệ. Do đặc thù các công việc này liên quan đến sự tinh tế, óc thẩm mỹ và tính cảm quan. Máy móc trong tương lai khó có thể thay thế được những yếu tố này.

Chuyển hết sang công nghiệp 4.0, không đơn giản

“Máy móc có khả năng thay thế con người ở những công đoạn mang tính lặp đi lặp lại, nhưng chưa thể có chỗ đứng ở những công việc cần sự tỉ mỉ và tinh tế, như: Kiểm định chất lượng, phân tích số lượng, thiết kế. Bên cạnh đó, bài toán kinh tế vẫn được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Việc gỡ bỏ hoàn toàn dây chuyền sản thuộc cách mạng công nghiệp 2.0, công nghiệp 3.0 để chạy theo cuộc cách mạng 4.0 là điều mà các doanh nghiệp sản xuất vẫn chưa tính tới vì yếu tố lợi nhuận và chi phí” - bà Nguyễn Phương Mai nói.

Xin cảm ơn bà

Hằng Mai thực hiện