Hơn 300.000 công nhân trước nguy cơ mất việc vì quy định phòng cháy

Thanh Tùng

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, nếu thực hiện quy định phòng cháy chữa cháy mới, nguy cơ hơn 300.000 công nhân mất việc.

Sáng 31/3, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp năm 2023 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tại hội nghị, các khó khăn, vướng mắc được nhiều doanh nghiệp đưa ra, như: Giá vật liệu tăng cao, thuế đất đai, giải phóng mặt bằng, các chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp, tiếp cận vốn ngân hàng, tuyển dụng lao động, kết nối thị trường tiêu thụ…

Hơn 300.000 công nhân trước nguy cơ mất việc vì quy định phòng cháy - 1

Toàn cảnh hội nghị.

Đặc biệt, một vấn đề làm "nóng" nghị trường, đó là tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn về quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn mới trong PCCC.

Theo ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, tình hình lạm phát nên ngành dệt may và giày da đang gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các nhà máy, công xưởng dệt may trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng nhiều năm, chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn về PCCC theo quy định hiện hành. 

Hơn 300.000 công nhân trước nguy cơ mất việc vì quy định phòng cháy - 2

Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa nêu ý kiến (Ảnh: L.H.).

"Hai năm Covid-19, những doanh nghiệp ngồi tại hội nghị hôm nay là còn may mắn. Tuy nhiên, khi áp dụng quy định mới về PCCC, chưa có doanh nghiệp nào thực hiện được cả. Nếu tiếp tục áp dụng thì nguy cơ 400 doanh nghiệp dệt may và da giày dừng hoạt động và hơn 300.000 lao động mất việc. 

Công an thì làm đúng luật, nhưng nếu làm đúng luật như hiện nay thì các doanh nghiệp sẽ không đủ tiêu chuẩn hoạt động theo quy định mới về PCCC. Chúng tôi đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa kiến nghị giãn thời gian ra 2-3 năm để các doanh nghiệp khắc phục, sửa chữa, hoàn thiện", ông Lâm kiến nghị.

Chung ý kiến với ông Lâm, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lo lắng trước những khó khăn về quy định PCCC mới như hiện nay. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn do phải đầu tư, cải tạo, phá bỏ nhiều công trình, gây tốn kém chi phí...

Hơn 300.000 công nhân trước nguy cơ mất việc vì quy định phòng cháy - 3

Đại tá Lê Như Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa giải đáp các thắc mắc cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh xem xét, kiến nghị với Chính phủ có phương án tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần sớm ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn cụ thể, quy định tiêu chuẩn, chất lượng ngay từ khâu thiết kế, phê duyệt, đến nghiệm thu để các doanh nghiệp có cơ sở thực hiện.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, Đại tá Lê Như Lập - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, thời gian qua, vấn đề PCCC được người dân và chính quyền địa phương quan tâm. Đây là một tín hiệu đáng mừng để công tác PCCC đạt hiệu quả cao. Đại tá Lập cũng thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn mà chính quyền, doanh nghiệp và người dân đã trải qua.  

Đại tá Lê Như Lập cho rằng, về Luật PCCC cũng như các quy định liên quan mới đã có rất nhiều hướng dẫn trên trang thông tin điện tử của Công an tỉnh Thanh Hóa, Bộ Công an. Hiện nay các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến PCCC. Đối với những doanh nghiệp hoàn thiện PCCC, sẽ sớm thẩm định, nghiệm thu. Các ý kiến về nới thời gian hoàn thiện, thay đổi quy chuẩn PCCC không thuộc thẩm quyền của công an. 

Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tổng hợp các vướng mắc về công tác PCCC, báo cáo UBND tỉnh để đưa ra giải pháp. Đồng thời, sẽ tham gia ý kiến sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật theo hướng tháo gỡ cho các doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Hơn 300.000 công nhân trước nguy cơ mất việc vì quy định phòng cháy - 4

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị (Ảnh: L.H.).

Liên quan đến vấn đề này, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn như hiện nay thì cần chia sẻ để tháo gỡ kịp thời.  

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh, chỉ những cơ sở vi phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng mới dừng hoạt động, còn lại các doanh nghiệp chưa đầy đủ thì phải có lộ trình khắc phục, ký cam kết và đảm bảo không xảy ra cháy nổ. Vì nếu theo quy định mới như hiện thì đến 99% đơn vị, doanh nghiệp không đáp ứng được.

Ông Đỗ Minh Tuấn cũng đề nghị Công an tỉnh Thanh Hóa có hướng dẫn cụ thể về các quy định PCCC, để triển khai cho các doanh nghiệp trong thời gian tới.