Các làng khô cá chạy đua chuẩn bị hàng Tết

Nguyễn Hành

(Dân trí) - Từ lâu các loại cá khô trở thành những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết với nhiều gia đình ở miền Tây. Các làng khô ở Kiên Giang, Đồng Tháp đang tất bật chuẩn bị hàng trăm tấn cá ra thị trường.

Chị Lê Thị Kim Thoa - Giám đốc hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, ở xã Đông Phong, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang cho biết, doanh nghiệp đang chạy đua hoàn thành một số đơn hàng tôm khô, cá lóc để kịp giao cho khách ở TPHCM.

Hàng năm, HTX cung ứng ra thị trường trên dưới 8 tấn tôm khô. Các loại khô cá lóc, sặc bổi, dao động từ 7-8 tấn. Năm nay do ảnh hưởng kinh tế nên lượng khô tiêu thụ dịp Tết giảm khoảng 5-10%, chị Thoa cho biết.

Các làng khô cá chạy đua chuẩn bị hàng Tết - 1

Khô cá lóc xẻ được nhiều người ưa thích.

Còn tại làng khô xã Khánh An, huyện An Phú, tỉnh An Giang, chủ cơ sở khô Anh Dũng cho biết, mùa Tết năm nay đơn hàng giảm từ 4-5%. Nguyên nhân được anh Dũng dự đoán có thể do ảnh hưởng kinh tế chung. Hiện tại, cơ sở này mỗi ngày làm từ 200-300kg khô.

Bí thư, Chủ tịch UBND xã Khánh An Dương Thanh Phong cho biết, trên địa bàn xã có 15 cơ sở làm khô, chủ yếu là khô cá lóc, sặc bổi, bình quân hàng năm xuất ra thị trường từ 450-500 tấn khô. Các cơ sở làm khô này đang giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động có thu nhập ổn định.

Các làng khô cá chạy đua chuẩn bị hàng Tết - 2

Khô lóc sau khi làm sạch, ướp gia vị được mang ra nắng phơi, 2-3 ngày nếu trời nắng gắt là có thể xuất bán.

Các cơ sở chế biến tại làng khô Phú Thọ, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp cũng đang tất bật với nghề truyền thống của gia đình. Tại đây, các cơ sở chủ yếu làm khô cá nước ngọt, như cá lóc, cá sặc rằn, cá chạch...

Theo các hộ chế biến ở làng khô Phú Thọ, Khánh An, giá cá nguyên liệu năm nay tương đối ổn định. Cá lóc loại 7 con/kg ở mức 35.000 - 40.000 đồng, 45.000 - 50.000 đồng/kg loại 5 - 6 con. Bình quân, cứ 2-2,5kg cá tươi sẽ cho ra 1kg khô. Mỗi ký khô được chủ cơ sở bán với giá từ 180.000 - 220.000 đồng/kg, tùy loại.  

Các làng khô cá chạy đua chuẩn bị hàng Tết - 3

Còn tại làng khô Phú Thọ, hiện có 197 cơ sở sản xuất, mỗi năm xuất bán trên 608 tấn khô, chủ yếu là khô cá lóc, sặc bổi,...

Đối với cá sặc bổi, loại 9-12 con/kg giá nguyên liệu dao động từ 85.000-90.000 đồng/kg. Giá bán mỗi ký dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg, tùy loại.

Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hằng - chủ cơ sở sản xuất khô Như Hằng, xã Phú Thọ, thường ngày cơ sở sản xuất khoảng 200kg cá. Tháng cao điểm Tết Nguyên đán, cơ sở có thể tăng lên mức 400 - 500kg cá/ngày. Ngoài máy móc hỗ trợ, cơ sở của chị Hằng cần 8-10 lao động làm liên tục.

Các làng khô cá chạy đua chuẩn bị hàng Tết - 4

Khô cá bổi (cá sặc rằn) ngoài nguồn nguyên liệu thu mua tại các tỉnh ĐBSCL, một số cơ sở ở Khánh An còn nhập các từ Thái Lan, Campuchia để làm khô.

Lãnh đạo phòng NN&PTNT huyện Tam Nông cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, địa phương có 197 hộ tham gia làm nghề cá khô, chủ yếu sản xuất khô cá lóc, cá sặc rằn. Tổng sản lượng khô cá lóc, cá sặc rằn bình quân đạt hơn 600 tấn/năm. Riêng dịp Tết, sản lượng hàng tăng khoảng 20% so với ngày thường, giải quyết việc làm cho hơn 200 người.

Ông Lưu Văn Tiến - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp thông tin, năm 2019, làng khô Phú Thọ được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Đến năm 2021, nơi đây được UBND tỉnh quyết định công nhận là nghề truyền thống.