"Các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi được sản xuất kinh doanh"

Thế Kha

(Dân trí) - "Đến nay các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi được sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội"- Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định.

Tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và phát triển bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 27/5, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả người dân, người lao động và các doanh nghiệp. Đảng và Nhà nước luôn luôn quan tâm đến vấn đề an sinh xã hội. Chính phủ đã ban hành rất nhiều chính sách quan trọng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và người lao động vượt qua đại dịch.

Các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi được sản xuất kinh doanh - 1

Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh (trái) trao đổi tại tọa đàm. Ngồi cạnh ông là TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Ví dụ như Nghị quyết 42 hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, trong đó có cả người nghèo, người lao động, người có công. Nghị quyết 68 với 12 nhóm chính sách được ban hành nhằm hỗ trợ người lao động bị mất việc làm, người lao động bị ngừng việc, người lao động bị thất nghiệp, trong đó có người lao động tự do, hỗ trợ cả doanh nghiệp…

"Tổng tất cả những chính sách này, chúng ta đã hỗ trợ cho hơn 50 triệu lượt người lao động và người dân, với tổng mức kinh phí 81 nghìn tỷ đồng. Khảo sát vừa cho thấy các địa phương đã triển khai rất quyết liệt các nghị quyết. Hầu hết các đối tượng đã được hỗ trợ, giúp họ vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, giúp người lao động có an sinh tốt hơn, người sử dụng lao động có điều kiện vượt qua khó khăn" - ông Lê Văn Thanh cho hay.

Giữ chân người lao động, phục hồi được sản xuất kinh doanh

Trải qua 2 năm phòng chống dịch, nhiều doanh nghiệp bị phá sản hoặc dừng hoạt động, dẫn đến một loạt người lao động mất việc làm. Các chính sách cho vay vốn trả lương, phục hồi sản xuất đã giúp cho người lao động có công ăn việc làm trở lại. Nhờ có an sinh xã hội đã giúp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi kinh tế xã hội.

Qua triển khai và rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 42, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, việc triển khai đã giảm rất nhiều các điều kiện, thủ tục hành chính. Đến nay, 3.600 doanh nghiệp, người sử dụng lao động đã được vay và 1,2 triệu người lao động được hỗ trợ, với kinh phí khoảng 4.800 tỷ đồng.

"Nhờ có hỗ trợ, các doanh nghiệp có nguồn kinh phí để hỗ trợ trả lương cho người lao động. Việc này trước hết là giúp cho doanh nghiệp và giúp người sử dụng lao động giữ được chân người lao động. Thời gian vừa qua, số người lao động ngừng việc, thất nghiệp giảm đi là nhờ có chính sách này. Đến nay các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi được sản xuất kinh doanh, đáp ứng được yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế xã hội"- ông Thanh nêu thực tế.

Trao đổi về những đánh giá này, TS. Nguyễn Sĩ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt vấn đề: "Các chính sách an sinh xã hội rất tốt đẹp nhưng nhiều ý kiến vẫn nghi ngại chuyện "lên tivi mà nhận" và một số cũng cho rằng không phải dễ dàng để nhận được hỗ trợ này. Vậy bức tranh thực tế như thế nào? Những ý kiến bình luận như vậy phải chăng chỉ của một vài người và không phản ánh được hết thành quả mà chúng ta đã làm được?".

Giải đáp băn khoăn đó, Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định, qua khảo sát thực tế, trực tiếp tại các địa phương cho thấy hầu hết các đối tượng đã nhận được hỗ trợ. "Có thể còn một số ít chưa nhận được, chúng tôi đang yêu cầu các địa phương rà soát lại"- ông Thanh thẳng thắn.

Theo ông, trong 12 chính sách thì chính sách thứ 12 là áp dụng với lao động tự do được giao cho địa phương, căn cứ vào khả năng cân đối và đặc thù của mình, từng địa phương ban hành chính sách cụ thể. Chính vì thế, một số địa phương ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hoặc nguồn kinh phí hạn chế do đã dùng vào phòng chống dịch, hoặc nguồn kinh phí dự trữ hết nên không ban hành chính sách hỗ trợ lao động tự do… Thứ trưởng Thanh nhận định, đây là "câu chuyện thực tế".

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, nếu kinh phí thiếu thì các địa phương cần lập dự toán để đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ; có thể bổ sung nguồn kinh phí cho địa phương, làm sao để tất cả người dân đều có thể nhận được hỗ trợ.

Nghe nội dung trao đổi lại từ lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, TS. Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá: "Tôi cho rằng phản ứng đó rất phù hợp. Việc đi xuống địa phương như vậy rất là sâu sát".

Các doanh nghiệp cơ bản đã phục hồi được sản xuất kinh doanh - 2

Sản xuất linh kiện điện tử tại Khu Công nghiệp Bình Xuyên, Vĩnh Phúc (Ảnh: TTXVN).

Ổn định thị trường lao động thời gian tới

Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin thêm, ngày 28/3/2022 vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 08 quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.

"Thủ tục để được hỗ trợ hết sức đơn giản, chỉ cần người lao động viết đơn, có giấy xác nhận của chủ nhà trọ, gửi cho doanh nghiệp để lập danh sách gửi bảo hiểm xã hội xác nhận, sau đó trình cho UBND cấp huyện thẩm định, rồi tỉnh phê duyệt là chi tiền được ngay"- ông Thanh nói.

Qua kiểm tra thực tế, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH nhận định, về cơ bản các địa phương đã ban hành hết các kế hoạch để triển khai. Dự kiến sẽ có khoảng 3,4 triệu lao động được hỗ trợ với tổng kinh phí 6.600 tỷ đồng.

"Chúng tôi đang yêu cầu các địa phương thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để làm sao trong tháng 5, tháng 6/2022 người lao động cơ bản nhận được số tiền này. Thời gian thực hiện đến 15/8 sẽ kết thúc, hoàn thành chính sách này"- ông Thanh thông tin.

Về lâu dài, theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cần quan tâm đến việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Trong Chương trình phục hồi phát triển kinh tế, Chính phủ đã dành khoảng 40.000 tỷ đồng, giao cho Bộ Xây dựng chủ trì để xây dựng nhà ở cho người lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng giao cho công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp, huy động nguồn vốn xã hội, doanh nghiệp để xây dựng nhà ở cho người lao động, giúp người lao động yên tâm làm việc với doanh nghiệp lâu dài hơn, cũng như giúp ổn định thị trường lao động trong thời gian tới.