1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Các cuộc ngừng việc, đình công trong toàn quốc giảm 35 %

(Dân trí) - “Năm qua, cả nước xảy ra 214 cuộc ngừng việc, đình công trên địa bàn 36 tỉnh và thành phố, giảm 115 cuộc (khoảng 35%) so với năm 2017. Năm 2019, Tổng LĐLĐ VN phấn đấu giảm ít nhất 10 % số cuộc ngừng việc, đình công so với năm 2018”.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, trao đổi với PV Dân trí về tình hình ngừng việc, đình công của công nhân thời gian qua và các nỗ lực của các cấp công đoàn trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong môi trường làm việc.

Thống kê của Tổng LĐLĐ VN, các cuộc ngừng việc tập thể và đình công xảy ra trong năm 2018 chủ yếu tập trung tại một số địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Tại miền Bắc, các cuộc ngừng việc, đình công chủ yếu xảy ra ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ. Khu vực Miền Trung, các cuộc ngừng việc, đình công chủ yếu xảy ra ở thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, nói về nguyên nhân các vụ ngừng việc, đình công giảm

Điểm nổi bật nhất trong năm 2018 là số lượng các cuộc ngừng việc, đình công đều giảm tại 3 vùng so với năm 2017. Theo đó, khu vực miền nam giảm 84 cuộc (khoảng 39,81%) so với năm 2017, miền Bắc giảm 29 cuộc, tương đương 27,88% so với năm 2017, miền Trung giảm 2 cuộc, (14,28%) so với năm 2017.

Nguyên nhân của việc giảm số lượng các cuộc ngừng việc, đình công, ông Ngọc Duy Hiểu cho biết: “Trước hết là do công tác quản lý Nhà nước đã có những đổi mới, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đối với người lao động và tổ chức công đoàn. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã ý thức được trách nhiệm xã hội trong việc chăm lo đời sống người lao động. Doanh nghiệp đã thực hiện tốt hơn các quyền lợi cho người lao động theo luật định”.

Ngoài ra, một nguyên nhân quan trọng được đánh giá là nỗ lực của các cấp công đoàn.

“Tổ chức công đoàn ngày càng thực hiện ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động tại cơ sở. Ngay khi người lao động có những vướng mắc, tổ chức công đoàn đã tìm hiểu, ghi nhận và đề xuất với doanh nghiệp để cùng giải quyết. Đồng thời, công đoàn các cấp, đặc biệt là Tổng LĐLĐ VN đã tổ chức các hội nghị định hướng, tập huấn các cách thức để giảm bớt các cuộc ngừng việc, đình công. Khi có các vụ việc, bức xúc còn manh nha, tổ chức công đoàn đã phối hợp với giới chủ để cùng giải quyết, tạo mối quan hệ lao động hài hoà” - ông Ngọc Duy Hiểu cho biết.

Để làm được điều này, các cấp công đoàn đã chủ động tăng cường nâng cao nhận thức của người lao động, qua đó giúp người lao động hiểu hơn về quyền, trách nhiệm của mình trong quan hệ lao động. Qua đó, người lao động có thể hạn chế những mâu thuẫn, xung đột không đáng có trong môi trường làm việc.

Năm 2019, Tổng LĐLĐ VN phấn đấu giảm ít nhất 10 % số cuộc ngừng việc, đình công trong toàn quốc so với năm 2018.

“Để thực hiện mục tiêu này, công đoàn sẽ chú trọng nâng cao chất lượng trong công tác xây dựng thỏa ước lao động tập thể, chủ động lựa chọn nội dung liên quan đến kiến nghị, bức xúc của người lao động về tiền lương, phụ cấp lương, bữa ăn ca, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi...” - Vị Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN nhấn mạnh.

Đồng thời, tổ chức công đoàn chủ động nâng cao vị trí của công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trong thương lượng, nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho người lao động.

Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ VN sẽ tích cực hơn trong việc nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động năm 2012, tập trung vào các nội dung liên quan đến tranh chấp lao động và đình công để khắc phục những quy định về giải quyết tranh chấp lao động và đình công còn quá phức tạp, thời gian kéo dài, chưa phù hợp với thực tiễn...

Nguyên nhân các vụ ngừng việc, đình công năm 2018

Thống kê của Tổng LĐLĐ VN cho thấy, hơn 67 % cuộc có liên quan tới vấn đề tiền lương, thưởng, như: Doanh nghiệp nợ lương, việc trả lương không đúng hạn, tiền lương làm thêm giờ không đúng, việc thưởng Tết không bình đẳng...

Một trong các nguyên nhân nữa xuất phát từ việc doanh nghiệp thay đổi định mức sản phẩm; thay đổi cách tính lương; thay đổi thang lương, bảng lương nhằm giảm tiền lương, thu nhập của người lao động.

Ngoài ra, nguyên nhân ngừng việc, đình công còn do doanh nghiệp yêu cầu người lao động làm thêm giờ quá quy định, tăng ca liên tục, điều kiện an toàn vệ sinh lao động không đảm bảo, chất lượng bữa ăn giữa ca thấp, doanh nghiệp trốn tránh đóng BHXH, BHYT cho người lao động...

Hoàng Mạnh