Cà Mau: Nghề vác cừ tràm thuê ở miệt vùng U Minh Hạ
(Dân trí) - Vùng U Minh Hạ (Cà Mau) là nơi nổi tiếng có cây tràm. Từ loại cây này đã hình thành những điểm tập kết cừ tràm, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân nông thôn.
Cây tràm được xem là “đặc sản” ở U Minh Hạ (Cà Mau). Loại cây này từ nhiều năm qua là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Trong đó, địa bàn xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) đã “mọc” lên những điểm tập kết cừ tràm dọc theo tuyến lộ từ TP Cà Mau về huyện U Minh.
Do các điểm tập kết đã được hình thành khá lâu nên người dân địa phương hay gọi là chợ cừ tràm U Minh Hạ.
Theo người dân địa phương, cây tràm được xem là một loại vật liệu quan trọng, sử dụng có chất lượng trong các công trình xây dựng, thường dùng để đóng cừ làm móng nhà,... nên gọi là cừ tràm, vì thế rất được ưa chuộng.
Có ít nhất 20 điểm tập kết cừ tràm ở vùng này, hoạt động khá nhộn nhịp. Mỗi ngày có nhiều tàu, xe... của các thương lái đến thu mua cừ tràm, sau đó tiêu thụ ở nhiều nơi, chủ yếu vùng ĐBSCL.
Từ các điểm tập kết này đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở vùng nông thôn, chủ yếu là đàn ông, thanh niên vì cần sức khỏe.
Ông Phan Văn Nguyện (48 tuổi, ngụ xã Nguyễn Phích) là một trong số lao động làm ở đây được khoảng 3 năm. Ông cho biết, vì cuộc sống khó khăn do nuôi tôm không đạt hiệu quả nên ông đi vác cừ tràm thuê để lo gia đình.
“Tính ra mỗi một ngày có nhiều thương lái đến mua tràm thì tôi cùng anh em khác làm thuê ở đây có thể kiếm được khoảng 300.000 đồng”, ông Nguyện cho hay.
Thông thường, chủ của các điểm tập kết cho người vào vườn tràm của dân hoặc công ty lâm nghiệp để thu mua, sau đó chặt tràm rồi vận chuyển ra điểm tập kết.
Tiếp đó, có người lo việc đưa tràm lên bờ, phân loại kích cỡ rồi đưa lên xe, xuống tàu của thương lái đến mua. Giá tràm thì tùy loại cây, giao động từ 28.000 - 35.000 đồng/cây.
Số lao động ở mỗi điểm tập kết thường không cố định vì có thể làm ở điểm này, rồi sang điểm khác. Tuy nhiên, trung bình mỗi điểm có từ 5 đến 6 người làm thuê.
Anh Nguyễn Văn Nam (một người làm thuê ở điểm tập kết) chia sẻ, khi đi làm thường chuẩn bị sẵn cơm ở nhà để mang theo ăn. Sau giờ nghỉ trưa thì ăn cơm tại chỗ, nghỉ ngơi, sau đó làm đến chiều thì về nhà. Qua đó, anh em làm thuê cũng tiết kiệm được tiền công để lo cho gia đình.
Một lãnh đạo xã Nguyễn Phích cho biết, toàn xã có diện tích tràm cũng khá lớn. Do đó, các điểm tập kết cừ tràm hình thành đã góp phần giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân ở địa phương.