Cả làng lốc cốc đóng thứ bánh ngọt lịm đón xuân

Ngô Linh

(Dân trí) - Giáp Tết Quý Mão, người dân làng An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam tất bật trộn bột nếp, đậu xanh, đường để làm bánh in truyền thống.

Bánh Tết

Bánh in là vật phẩm không thể thiếu của người dân Quảng Nam - Đà Nẵng trong dịp lễ tết. Bánh dùng để thờ cúng tổ tiên, cúng giao thừa hay dọn cùng bánh mứt mời khách dịp năm mới.

Cả làng lốc cốc đóng thứ bánh ngọt lịm đón xuân - 1

Làng bánh in truyền thống An Lạc, xã Duy Thành tất bật vào vụ Tết.

Thời điểm đầu tháng Chạp, đến thăm làng bánh in An Lạc, từ đầu làng đã nghe tiếng máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khuôn. Đặc biệt, cả làng thơm nức mùi nếp mới, đậu xanh.

Cơ sở bánh in của ông Huỳnh Tấn Ánh (64 tuổi, làng An Lạc) có quy mô lớn nhất vùng, sản xuất quanh năm với nhiều loại bánh như bánh in nếp trắng, bánh in đậu xanh, bánh dừa nướng, bánh da dẻo. Trong đó, bánh in đậu xanh cổ truyền bán rất chạy dịp Tết. Các xưởng bánh phải hoạt động hết công suất để kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Làng bánh in truyền thống xứ Quảng tất bật vụ Tết (Video: Ngô Linh).

27 năm gắn bó với nghề làm bánh in tại làng An Lạc, ông Huỳnh Tấn Ánh chia sẻ: "Vào mùa bánh Tết, cơ sở của tôi phải tăng cường sản xuất, bán ra 2-3 tạ bánh/ngày, gấp đôi so với bình thường".

Những ngày cận Tết, xưởng bánh của ông Ánh luôn nhộn nhịp với 15 nhân công (mức lương 4,5-7 triệu đồng/người/tháng). Mỗi năm, từ cơ sở sản xuất bánh truyền thống, ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ mọi chi phí.

Cả làng lốc cốc đóng thứ bánh ngọt lịm đón xuân - 2

Người thợ dùng khuôn gỗ hoặc khuôn đá với đủ loại hoa văn để in bánh thủ công, nên khi đến cơ sở làm bánh có thể nghe âm thanh đặc trưng từ tiếng gõ lách cách của khuôn in.

Tại cơ sở bánh in của gia đình ông Huỳnh Quang Trung (60 tuổi), không khí sản xuất cũng tất bật không kém, mỗi người một việc, máy chạy rầm rập.

"Khâu quan trọng nhất là nấu đường thành nước, sao để đường không quá ướt, cũng không quá khô. Nước đường không chuẩn sẽ làm mất đi độ dẻo của bánh, khi đúc bánh dễ vỡ. Loại bánh này rất được ưa chuộng dịp Tết nên những ngày này, xưởng chúng tôi bận rộn nhất", ông Trung với hơn 30 kinh nghiệm làm bánh chia sẻ.

Gian nan giữ nghề truyền thống

Sự xuất hiện của nhiều loại bánh kẹo mới, hấp dẫn khiến bánh in truyền thống dân dã, mộc mạc dần bị thu hẹp thị trường. Hiện nay, tại làng An Lạc có khoảng 20 hộ còn sản xuất, trong đó chỉ 7 hộ làm thường xuyên, còn lại làm thời vụ dịp Tết.

Cả làng lốc cốc đóng thứ bánh ngọt lịm đón xuân - 3

Những chiếc bánh được làm từ đậu xanh, bột nếp, đường, khi nướng chín mùi thơm ngọt ngào, hấp dẫn.

Ông Huỳnh Quang Trung cho hay, bánh in truyền thống được tiêu thụ mạnh nhất vào dịp Tết, để thờ cúng tổ tiên, còn ngày thường bán chậm.

"Giá nguyên liệu làm bánh tăng lên từng ngày, mà giá bánh bán ra lại không thể tăng vì dễ mất khách. Thị trường dần thu hẹp, nhưng mọi người vẫn cố gắng sản xuất để giữ nghề truyền thống, chủ yếu là những cơ sở đã hoạt động lâu năm", ông Trung nói.

Theo ông, để đáp ứng nhu cầu thị trường, các cơ sở cũng làm thêm nhiều loại bánh, đa dạng sản phẩm nhưng làng nghề vẫn không thể hưng thịnh như trước. Người làm nghề hiện nay đều đã trên 40 tuổi, giới trẻ rất ít và hầu như không có suy nghĩ nối nghiệp cha ông.

Cả làng lốc cốc đóng thứ bánh ngọt lịm đón xuân - 4

Vì khó tìm lao động, tiền thuê nhân công lại cao nên ông Nguyễn Mật đã đầu tư máy tự động để in bánh.

Nhân công lao động ngày càng ít, giá thuê người làm lại cao nên ông Nguyễn Mật (60 tuổi) đã tậu thêm một chiếc máy in bánh, phục vụ sản xuất. Ông Mật cho hay, một chiếc máy này có thể thay cho 2-3 người thợ in bánh, bánh ra đều và ít hao hụt nguyên liệu hơn.

"Chỉ có dịp Tết, hoặc ngày rằm, mồng một mới có người đặt hàng nhiều. Làm ra lời lãi không bao nhiêu, trong khi công lao động rất lớn. Tôi duy trì sản xuất chủ yếu để giữ chân bạn hàng, cũng như giữ gìn nghề truyền thống, mang hương vị Tết đến gần hơn với mọi nhà", ông Nguyễn Mật, người có gần 20 năm trong nghề tâm sự.

Cả làng lốc cốc đóng thứ bánh ngọt lịm đón xuân - 5

Cận Tết, đơn đặt hàng tăng cao. Đây là dịp để các cơ sở tranh thủ tăng thu nhập, kiếm một cái Tết "ấm".

Càng cận Tết, người làng An Lạc càng tất bật để làm ra những chiếc bánh in truyền thống. Thức bánh ấy tuy dân dã nhưng đã trở thành đặc sản của xứ Quảng, mang hương vị Tết cổ truyền đến gần hơn với người dân mọi miền, gợi nhớ không khí ngày xuân ấm cúng, sum vầy.