1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học

Xuân Hinh Nam Thái

(Dân trí) - Gương mặt khắc khổ và đôi bàn tay thô ráp, ông Thụy (TPHCM) đã gắn bó với nghề bán bánh xèo hơn 10 năm qua. Những đồng tiền vất vả mà ông kiếm được dành để nuôi dạy 3 người con lớn khôn.

Người đàn ông bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học

Nửa cuộc đời tha hương

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 1

Ông Trần Nguyên Thụy cặm cụi bên lò bánh xèo hơn 10 năm qua để nuôi 3 con ăn học. 

Hơn chục năm nay, tại góc đường Trần Văn Kiểu (quận 6, TPHCM) có một quán bánh xèo miền Trung của đôi vợ chồng người Quảng Ngãi mưu sinh. Hai vợ chồng với vẻ ngoài khá khắc khổ nhưng tính tình chân thật, làm bánh xèo ngon nên quán khá đông khách. 

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 2

Bán bánh xèo cũng là nghề cho thu nhập chính để ông có thể trụ lại Sài Gòn hơn 10 năm qua. 

Vừa đổ bánh xèo, người đàn ông vừa giới thiệu tên là Trần Nguyên Thụy (50 tuổi). Hai vợ chồng đổ bánh xèo ở đây từ năm 2007 và quầy bánh xèo là thu nhập chính của gia đình. 

"Năm 1996, sau khi kết hôn, tôi và vợ chuyển từ Quảng Ngãi vào Cà Mau sinh sống. Vợ chồng tôi lúc đó đi buôn sỉ văn phòng phẩm và dụng cụ học sinh với mức thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng. Hồi đó, số tiền kiếm được đủ để tôi và gia đình sinh sống ổn định", ông Thụy tâm sự. 

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 3

Hai vợ chồng ông làm bánh khá sạch và ngon nên nhiều thực khách ủng hộ. 

Nhưng đến năm 2007, chỗ làm của ông Thụy bất ngờ phá sản. Ông và vợ không có nghề nghiệp ổn định nên quyết chí đưa 3 người con lên Sài Gòn lập nghiệp lại từ đầu. Ông chọn quận 6 là nơi để thuê trọ và tìm kế sinh nhai. 

"Khi mới đến TPHCM, tôi có đi khắp nơi xin việc nhưng không có chỗ nào nhận. Áp lực tiền sinh hoạt, phòng trọ, tiền cho con đi học khiến tôi nhiều lúc rơi vào khủng hoảng. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi quyết dùng hết số tiền tiết kiệm để mở xe hủ tíu gõ", ông Thụy nêu khó khăn. 

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 4

Bánh xèo được ông Thụy làm đậm chất miền Trung. 

Thời điểm đó, khu vực quận 6 còn khá ít người, nên xe hủ tiếu của ông Thụy chỉ tồn tại được 2 tháng là phải dẹp vì ế khách. Không nản lòng, ông Thụy và vợ thử sức với món bánh xèo miền Trung thì may mắn được mọi người đón nhận và tồn tại đến ngày nay.

"Do tôi và vợ đều là người miền Trung nên món bánh xèo này không còn quá xa lạ. Nhờ vậy, việc mở quán bánh xèo cũng không gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, lúc mới mở quán thì khách rất là vắng, tôi cứ sợ lịch sử lặp lại tôi sẽ phải dẹp tiệm một lần nữa. Nhưng may mắn, quán của tôi dần được nhiều người biết và đến ăn ủng hộ. Từ đó, kinh tế của gia đình ngày càng ổn định hơn", ông Thụy cho biết.

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 5

Gương mặt khắc khổ nhưng hiền lành của ông Thụy được nhiều người yêu mến. 

Khác với những quán khác, quán của vợ chồng ông Thụy chỉ có một loại bánh xèo duy nhất được làm từ bột gạo xay cùng với nhân bên trong là tép và thịt.

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 6

Bánh xèo gồm có tôm và thịt được bán với giá 8.000 đồng/cái. 

"Giá của một chiếc bánh xèo là 8.000 đồng, mỗi ngày quán bánh xèo của tôi bán khoảng 500 phần bánh tương đương với 10kg bột gạo, 5kg tép, 5kg thịt", ông Thụy giới thiệu.

"Nếu như lúc trước, tôi còn khỏe thì tôi bán từ 15h - 1h sáng hôm sau mới dọn. Nhưng những năm gần đây, do tình hình sức khỏe không được tốt nên tôi chỉ bán từ 15h - 21h là dọn về nghỉ ngơi. Không còn sức để có thể cố bán tiếp được nữa", ông Thụy chia sẻ.

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 7

Bánh xèo đổ xong được hong cho ráo dầu trước khi phục vụ khách. 

Từ lúc bắt đầu bán đến lúc dọn hàng, vợ chồng ông Thụy không khi nào ngơi tay để có thể phục vụ kịp cho khách. Từ lúc mở bán đến lúc dọn hàng, ông Thụy phải đứng đổ bánh liên tục gần 8 tiếng đồng hồ. 

Ông Thụy cũng cho biết, từ khi mở bán bánh xèo, nhiều người Quảng cũng đến ăn. Nhờ vậy, ông được nghe tiếng Quảng nên đỡ nhớ nhà hơn. Dù đã xa quê gần 30 năm nhưng hình ảnh quê hương lúc nào cũng ghi đậm trong trái tim ông. 

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 8

Thường xuyên phải tiếp xúc với lửa nên nhìn ông Thụy già hơn tuổi rất nhiều. 

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 9

Mỗi ngày, ông dậy từ 4h sáng để lo công việc. 

"Vất vả tôi chịu hết, chỉ mong con học thành tài"

Đối với vợ chồng ông Thụy, 3 người con nhỏ chính là nguồn động lực giúp vợ chồng ông vượt qua tất cả khó khăn. Những ngày mưa gió, vợ chồng ông cũng dọn hàng bán để mong có thêm chi phí cho các con ăn học. 

"Từ 4h sáng tôi đã dậy đi chợ, sơ chế rau, nguyên liệu để chuẩn bị cho một ngày bán. Quán bánh xèo này chính là "gia sản" của tôi. Nhờ nó tôi có thể có tiền lo cho các con ăn học thành tài. Để sau này, các con của tôi sẽ có một tương lai tốt hơn, cuộc sống sẽ tốt hơn. Vất vả bao nhiêu tôi chịu hết", ông Thụy tâm sự.

Không phụ lòng của ông Thụy, 3 người con của ông đều chăm ngoan học giỏi. Người con lớn đã ra trường và được nhận vào làm tại một cơ quan nhà nước ở TPHCM. Hai người con kế tiếp đang theo học tại một trường đại học lớn tại TPHCM. 

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 10

Ông chấp nhận mọi khó khăn vất vả để nuôi các con ăn học. 

Ông Thụy cho biết thêm, tuy mỗi ngày quán lúc nào cũng đông khách nhưng tiền lời cũng không đáng là bao. Vì mỗi cái bánh vợ chồng anh chỉ bán với giá 8.000 đồng sau khi trừ hết chi phí thì cũng chỉ lời được vài ngàn đồng.

"Hiện tại, dù sức khỏe tôi cũng không được tốt như trước nhưng tôi quyết không bỏ nghề này. Vì nếu bỏ nghề, thì tôi lấy đâu ra tiền lo cho các con. Giờ có nộp hồ sơ xin việc thì người ta cũng không nhận vì quá tuổi nên chỉ còn nghề đổ bánh xèo này để tôi nương tựa", ông Thụy tâm sự.

Bươn chải đủ nghề, người đàn ông chọn bán bánh xèo nuôi 3 con ăn học - 11

Nhờ lò bánh xèo, các con ông đều được học hành, một người con đã có công việc ổn định. 

Để kiếm thêm thu nhập, vợ chồng anh Thụy còn nấu thêm những món ăn khác như: Trứng vịt lộn, bò nướng lá lốt,… để thực khách có nhiều lựa chọn. Hiện tại, ông chỉ mong muốn các con sẽ học hành thành tài và sau đó tìm được một công việc để ổn định cuộc sống.