Người phụ nữ 72 tuổi sửa chữa ô tô: "50 năm gắn bó bởi tình yêu nghề"
(Dân trí) - "Hồi trẻ chỉ hơn 40 kg, tôi vẫn chui gầm, trèo nắp capo sửa điện máy. Vì tuân thủ yêu cầu an toàn, hơn 50 năm làm nghề, rất may tôi chưa gặp một tai nạn nghề nghiệp..." bà Nguyễn Hồng Sâm (Hà Nội) kể.
"Tôi chọn nghề này là đúng đắn"
Bà Nguyễn Thị Hồng Sâm sinh năm 1949, quê ở Thanh Oai (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Tốt nghiệp phổ thông, bà chọn học Trường Cơ khí ô tô Hà Nội. Sau vài năm học, lúc tốt nghiệp chỉ còn 5 người. Năm 1967, bà Nguyễn Thị Hồng Sâm được phân công công tác tại Xí nghiệp Vận tải và xe khách tỉnh Thái Bình.
Với sự cần cù chịu khó và ham học hỏi, chỉ sau 6 tháng, bà đã được phân công làm đội trưởng đội sửa xe gồm 10 người thợ.
Bà nhớ lại: "Khi ấy nghề điện ô tô còn là gì đó rất mới lạ. Nghề điện ô tô dù trừu tượng nhưng lại rất cụ thể. Những đường dây điện, tiếng đề xe quẹt quẹt với người khác có thể tạo sự khó hiểu. Nhưng với tôi đó là cả sự thú vị tìm tòi khi hiểu bản chất của vấn đề".
Ngày ấy gia đình bà can ngăn. Người mẹ còn khuyên đi học nghề thêu vá nhưng bà Nguyễn Thị Hồng Sâm vẫn quyết tâm theo cho bằng được, dù biết sẽ vất vả.
"Nhưng đam mê nghề sửa chữa ô tô vốn được coi là "lãnh thổ" riêng của cánh mày râu, tôi chỉ còn biết là phải cố gắng học để vững nghề và kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em" - bà Nguyễn Thị Hồng Sâm kể.
Sau thời gian làm sửa chữa ô tô tại Thái Bình từ năm 1967 - 1973, bà Nguyễn Thị Hồng Sâm được điều động về Công ty Hóa chất vật liệu điện và dụng cụ cơ khí Hà Nội (TP Hà Nội) làm việc.
Vì khả năng dự đoán được "bệnh" của xe ô tô khá tốt, bà Nguyễn Thị Hồng Sâm được mọi người trong công ty gọi là "Sâm bắt mạch".
"Nhiều người thắc mắc tại sao tôi lại làm nghề mà chỉ dành cho cánh mày râu. Tôi chỉ trả lời là phụ nữ với đàn ông thì có khác gì nhau, chỉ cần yêu nghề là làm được hết" - bà Nguyễn Thị Hồng Sâm chia sẻ.
Bà nhớ lại, hồi trẻ chỉ nặng hơn 40kg nhưng vẫn chui gầm, trèo nắp capo sửa máy mà chẳng nề hà. Vì tính cẩn thận chỉnh chu nên hơn 50 năm làm nghề, mặc dù thường xuyên tiếp xúc với hóa chất, dầu mỡ nhưng chưa một lần bà bị tai nạn nghề nghiệp.
"Nhiều lúc tôi nghĩ cũng tủi thân, chị em đi học về ngồi làm công việc bàn giấy cho hợp với nữ giới. Mình thì quanh năm tóc búi cao, áo tối màu, người thì lem nhem dầu mỡ. Nhưng cứ nghĩ đến những chiến xe được sửa chữa chạy bon bon phục vụ kháng chiến, tôi lại có thêm động lực để làm việc" - bà Nguyễn Thị Hồng Sâm nói.
Niềm vui tuổi già
Năm 1993, được phân công làm vị trí khác, không còn được sửa chữa ô tô, bà xin nghỉ hưu sớm và tự mở một xưởng sửa chữa ô tô nhỏ trên phố Ngọc Lâm (Long Biên, Hà Nội). Suốt 28 năm qua, ngày nào bà cũng mở cửa hàng từ sáng sớm đến chiều muộn. Bất kể ngày hay đêm khách cứ hỏng là bà luôn sẵn lòng.
Có lần, đang chuẩn bị đồ cúng giao thừa tối 30 Tết, khách gọi bà vội xắn tay áo lên đường, về đến nhà cũng vừa hay tiếng pháo giao thừa nổ râm ran.
"Tôi có 1 trai và 2 con gái. Không ai theo nghề. Chồng tôi theo nghiệp đèn sách, bàn giấy. Không ít lần con cái họp lại vì muốn tôi nghỉ việc. Tôi cứ nói với chúng là sẽ nghỉ, nhưng mà nghỉ thì buồn lắm" - bà Nguyễn Thị Hồng Sâm chia sẻ.
Theo bà Sâm, những năm gần đây khách hàng ít dần đi vì nhiều cửa hàng sửa chữa xuất hiện. Cùng với đó là các dòng xe chất lượng tốt nên tỷ lệ hỏng vặt ít. Tuy nhiên với lượng khách quen nhiều nên thu nhập của bà mỗi tháng cũng được 5 - 7 triệu đồng.
Ở cái tuổi này, nhiều người chọn an nhàn bên con cháu nhưng với bà, được đi làm là niềm vui và sức khỏe. Tiệm sửa xe không chỉ là kế sinh nhai mà đối với bà đó còn là tâm huyết cả cuộc đời. Không chỉ sửa chữa, nhiều người sở xa gọi điện đến nhờ bà tư vấn về cách sử dụng xe sao cho nhốt nhất bà luôn nhiệt tình chia sẻ.
"Chẳng mấy khi tôi đóng cửa hàng, hôm nào không xuống là buồn hết cả chân tay. Tôi còn chẳng dám đi du lịch vì sợ khách đến thì nhỡ việc của người ta. Năm nay 72 rồi nhưng cứ làm thôi bao giờ không đủ sức cầm nổi cái cờ lê thì nghỉ" - bà tâm sự.
Mái tóc bạc phơ, tuổi đã cao sức cũng giảm dần, mấy năm nay bà ít sửa xe mà chỉ chuyên bán và sửa ắc quy cho khách. Nếu chẳng may có ai đó hỏng xe dọc đường hay lúc đêm khuya bà mới sửa giúp.
Tất cả các khách hàng từng tới tiệm sửa xe, dù thay dầu, chỉnh điện hay thay ắc quy, bà Sâm đều xin số điện thoại của họ để chăm sóc khách hàng. Chính cách làm việc tận tâm đó mà bà Sâm được rất nhiều người yêu mến, quý trọng.
"Tôi thấy phận con gái thời xưa hay bây giờ đều có thể học và làm được những nghề này, cứ quyết tâm, yêu nghề là làm được. Tôi không ít lần nghe hàng xóm xì xào vì là phụ nữ nhưng làm công việc của nam giới. Tôi chứng minh được cho mọi người thấy là tôi có thể làm tốt nhờ vào lượng khách vẫn ghé qua hàng ngày" - bà nói.
Chuyên sửa chữa hệ thống điện ô tô đa hơn 50 năm, bà cho rằng, công nghệ ngày một phát triển, nhiều loại ô tô mới, hiện đại ra đời khiến cho người sửa phải không ngừng học hỏi để đáp ứng được yêu cầu.
"Ngày trước chỉ có xe số sàn, hệ thống điện và những bộ phận khác tách rời dễ sửa chữa hơn. Xe bây giờ đa số là số tự động và nhiều tính năng tiện ích, hệ thống điện phức tạp và khó sửa chữa hơn nhiều" - bà Sâm chia sẻ.
Không chỉ sửa chữa điện ô tô, những đồ điện như quạt, bóng đèn bà đều nhận sửa. Nghề điện gắn bó với bà như là một cái duyên. Không những thế, nghề còn khiến bà thỏa mãn mong ước giản dị kiếm tiền nuôi gia đình.
Nhìn người phụ nữ 72 tuổi này, người ta vẫn thấy được sự cá tính, niềm đam mê và cả niềm kiêu hãnh của một người có tri thức. Bên cạnh đó là tự tin khi biết bản thân chọn đúng con đường, khi được kiếm tiền bằng sức lao động chân chính.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Văn Hùng, trú tại Long Biên (Hà Nội) kể lại lần đầu tiên gặp bà Sâm: "8 năm trước tôi đi làm về lúc 2h đêm, đến giữa cầu Chương Dương thì xe chết máy, mưa tầm tã. Đang loay hoay thì có một người đàn ông đi qua cho số điện thoại bà Sâm. Tôi gọi giữa đêm mà chỉ 30 phút sau bà đã có mặt và hì hục sửa mất hơn 1 tiếng đồng hồ, xe của tôi đã khởi động được".
Theo anh Nguyễn Văn Hùng, bà Sâm sửa xe rất nhiệt tình, cẩn thận hơn nữa giá cả phải chăng nên từ đêm mưa gió ấy, cứ xe hỏng là anh nhớ đến bà.