Bốn lý do khó xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) xảy ra phổ biến, Bộ luật Hình sự đã có quy định tội danh này nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa xử lý hình sự được vụ việc nào.
Theo số liệu thống kê từ năm 2020 đến nay, Công an TPHCM tiếp nhận 66 vụ việc, tin báo, kiến nghị khởi tố có liên quan đến đơn vị sử dụng người lao động trốn đóng BHXH do Cơ quan BHXH chuyển qua.
Kết quả, Cơ quan điều tra 2 cấp Công an Thành phố đã ra quyết định không khởi tố 15 vụ; ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm 14 vụ, trả hồ sơ cho cơ quan BHXH 32 vụ, thông báo gửi cơ quan BHXH về việc không có căn cứ để xử lý 4 vụ, hiện đang tiếp tục xác minh làm rõ 1 vụ.
Theo Thượng tá Ngô Thuận Lăng, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TPHCM, cơ quan điều tra tiếp nhận nhiều vụ nhưng chưa khởi tố được vì có nhiều khó khăn, vướng mắc pháp lý.
Chưa có quy định xử phạt hành chính hành vi trốn đóng BHXH
Thứ nhất, căn cứ quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội "Trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động" thì bắt buộc người vi phạm phải bị xử lý hành chính về hành vi này mới có đủ căn cứ xử lý hình sự.
Tuy nhiên, các hồ sơ kiến nghị khởi tố của cơ quan BHXH chuyển đến thì doanh nghiệp chỉ bị xử lý vi phạm hành chính về các hành vi như chậm đóng, đóng không đúng mức quy định… chứ không phải là trốn đóng.
Bên cạnh đó, những hồ sơ cơ quan BHXH chuyển giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra chưa đảm bảo; chứng từ tài liệu là bản photo, không có giá trị pháp lý; Không cung cấp được chứng từ tài liệu thể hiện đã tống đạt Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp vẫn cố tình trốn tránh, các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm…
Khó xác định được tội danh trốn đóng BHXH
Thứ hai, căn cứ Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP ngày 15/8/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có xác định trốn đóng bảo hiểm quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Thượng tá Ngô Thuận Lăng cho rằng: "Qua trao đổi với Cơ quan BHXH cho biết quá trình kiểm tra, xử lý, Cơ quan BHXH chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHTN, BHYT và đóng không đúng mức đóng BHXH, BHTN, BHYT quy định… mà không đủ cơ sở để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng".
Theo Thượng tá Ngô Thuận Lăng, nguyên nhân là do không chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHTN, BHYT cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP.
Cung cấp thông tin điều tra còn chậm
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan bảo hiểm diễn ra đã lâu (có hồ sơ trước thời điểm năm 2017). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã không còn hoạt động hoặc đã chuyển sang địa phương khác.
Trong nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm lợi dụng kẻ hở của pháp luật để thay đổi pháp nhân hoặc tuyên bố phá sản để tránh né các nghĩa vụ phải thực hiện đối với người lao động, gây ra rất nhiều khó khăn cho quá trình điều tra, xác minh.
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, cơ quan điều tra cần phải thu thập toàn bộ hồ sơ thanh tra, các quy định liên quan đến BHXH cũng như Bản kết luận của Hội đồng giám định chuyên môn… Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra của các cơ quan này còn chậm, làm ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ giải quyết vụ việc.
Khó xác định số tiền trốn đóng, thời gian điều tra kéo dài
Thứ tư, về cách tính của Cơ quan BHXH là cộng chung số tiền trốn đóng, chậm đóng, lãi chậm đóng của các doanh nghiệp trước khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền phát sinh sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính dẫn đến khó khăn trong việc xác định được số tiền trốn đóng bảo hiểm theo Điều 216.
Đồng thời, quá trình giải quyết các kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cần tiến hành làm việc, xác minh với nhiều người, bao gồm đại diện pháp nhân, người lao động; các tài liệu như bảng lương, hồ sơ, chứng từ… cần đối chiếu nhiều hồ sơ. Do đó, thời gian giải quyết các kiến nghị khởi tố thường kéo dài.
3 đề xuất của Công an TPHCM
Theo Thượng tá Ngô Thuận Lăng, để nâng cao hiệu quả công tác phối hợp xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN, Công an Thành phố đề xuất thực hiện 3 nhóm vấn đề.
Thứ nhất, đối với cơ quan quản lý nhà nước, đề nghị sớm có hướng dẫn cụ thể về hành vi gian dối và thủ đoạn khác để cấu thành hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN để có cơ sở xử lý vi phạm hành vi này, sau đó có cơ sở xử lý hình sự khi tái phạm.
Thứ hai, đối với cơ quan BHXH, Công an Thành phố đề nghị trong quá trình xử lý vi phạm hành chính cần thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục xử lý vi phạm hành chính như: lập biên bản giao Quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người vi phạm, có tài liệu thể hiện việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm; khẩn trương cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Cơ quan điều tra.
Ngoài ra, sau khi cơ quan BHXH tiến hành thanh tra phải làm rõ được tiền trốn đóng, tiền chậm đóng và tiền lãi nhằm xác định thiệt hại của hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của người vi phạm.
Thứ ba, Công an Thành phố đề nghị BHXH Thành phố tăng cường công tác phối hợp để nắm tình hình, trao đổi thông tin, tài liệu có liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm; lên danh sách các đơn vị sử dụng lao động có dấu hiệu nghi vấn vi phạm pháp luật về trục lợi, gian lận, trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Khi xác định có dấu hiệu vi phạm, cơ quan BHXH cần kịp thời chuyển giao thông tin, tài liệu về hành vi vi phạm. Từ đó, 2 cơ quan phối hợp để xác minh, làm rõ dấu hiệu vi phạm, đánh giá đúng bản chất chậm đóng hay trốn đóng để làm căn cứ xử lý hình sự.