Quảng Bình:

Bỏ việc nhà nước, vợ chồng về quê trồng nấm lãi cả trăm triệu/năm

Từ bỏ công việc nhà nước với mức thu nhập ổn định, vợ chồng anh Hồ Xuân Phước về quê ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) mở trang trại trồng nấm bào ngư xám, thu hàng trăm triệu/năm.

"Bỏ về quê" khởi nghiệp

Giữa cái nắng như đổ lửa tại Quảng Bình, phóng viên Báo điện tử Danviet.vn tìm đến trang trại nấm bào ngư xám của vợ chồng anh Hồ Xuân Phước (SN 1979) và chị Nguyễn Thị Ty (SN 1984) ở xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình).

Thời điểm phóng viên đến, anh Hồ Xuân Phước đang vào Nam học hỏi kinh nghiệm để mở rộng mô hình trồng nấm nên chị Nguyễn Thị Ty (vợ anh Phước) dẫn phóng viên đi tham quan trang trại trồng nấm.

Bỏ việc nhà nước, vợ chồng về quê trồng nấm lãi cả trăm triệu/năm - 1

Trang trại trồng nấm bào ngư xám của vợ chồng anh Hồ Xuân Phước và chị Nguyễn Thị Ty. Ảnh: PV

Chị Nguyễn Thị Ty tâm sự: "Trước khi về quê để trồng nấm, vợ chồng tôi đều có công việc, thu nhập ổn định, có nhà ở khang trang ở tỉnh Bình Phước. Chồng tôi là lái xe của văn phòng UBND tỉnh Bình Phước, còn tôi là công chức kế toán ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh này".

Cuối năm 2016, vợ chồng anh Hồ Xuân Phước xin nghỉ việc, bán nhà ở Bình Phước và bắt xe về quê Quảng Bình xây dựng mô hình trồng nấm bào ngư xám để làm kinh tế.

Chị Nguyễn Thị Ty cho hay: "Thời điểm vợ chồng nói bỏ việc về quê trồng nấm, gia đình hai bên đều phản đối và can ngăn. Nhưng không phải tự dưng mà chồng tôi bỏ ngang công việc ổn định, về quê lập nghiệp, bản thân anh ấy đã có nhiều năm làm việc trong một trại nấm ở tỉnh Đồng Nai nên có kinh nghiệm trồng nấm".

Bỏ việc nhà nước, vợ chồng về quê trồng nấm lãi cả trăm triệu/năm - 2

Quá trình trồng nấm, vợ chồng anh Hồ Xuân Phước luôn tuân thủ các quy trình, chế biến theo hướng an toàn. Ảnh: PV

Đầu năm 2017, gia đình anh Hồ Xuân Phước bắt đầu gây dựng mô hình trồng nấm bào ngư xám trên khoảng đất gần 2000 m2 mượn của bố mẹ. Để học thêm kinh nghiệm trồng nấm, anh Phước phải tìm đọc các tài liệu, đi thực tế tham quan nhiều trang trại nấm lớn ở các tỉnh miền Nam.

Với khí hậu nắng nóng ở Quảng Bình, ngày đầu gây dựng mô hình trồng nấm, vợ chồng anh Phước gặp không ít khó khăn, khi mới trồng, tỉ lệ chết của nấm rất cao.

Đến thời điểm hiện nay, việc sản xuất nấm của gia đình anh Phước dần đi vào ổn định, trại nấm của anh Phước hiện có hơn 2 vạn bịch phôi, mỗi bịch phôi cho thu hoạch từ 10 -12 lần nên hầu như sản xuất được quanh năm.

Bỏ việc nhà nước, vợ chồng về quê trồng nấm lãi cả trăm triệu/năm - 3

Trang trại trồng nấm bào ngư xám của vợ chồng anh Hồ Xuân Phước giúp 10 lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Ảnh: PV

Theo chị Ty, nấm bào ngư xám là thực phẩm giàu dinh dưỡng, dễ trồng và dễ chăm sóc. Tuy nhiên, đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, để tạo môi trường phát triển tốt, cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và bảo quản đúng kỹ thuật.

Làm nấm bào ngư xám đơn giản, phôi được cấy trong các bịch ni-lon (dùng để cấy giống, nuôi ủ phôi từ 30-35 ngày), bên trong chứa giá thể là chất dinh dưỡng của phôi, được làm từ mùn cưa của cây cao su.

Mùn cưa được ủ từ 1-2 tháng, sau đó sàng lọc kỹ và cho vào máy trộn. Sau khi trộn xong, mùn cưa sẽ được đưa vào máy đóng bịch và bỏ vào lò hấp thanh trùng với nhiệt khoảng 98 độ C, trong vòng 1-2 tiếng đồng hồ.

Thành công bất ngờ

Quá trình trồng nấm, vợ chồng anh Phước luôn tuân thủ các quy trình, chế biến theo hướng an toàn từ khâu cấy giống đến vệ sinh lán trại, nhờ vậy, nấm của anh luôn được người dân ưa chuộng.

 Mỗi ngày trại nấm của anh thu từ 40 - 50kg nấm bào ngư xám, giá thị trường dao động từ 60.000 - 70.000 ngàn đồng/kg.

Nấm thành phẩm hàng ngày được nhập lại cho thương lái hoặc gia đình tự mang đi các chợ trong vùng để bán. Trung bình mỗi ngày gia đình anh thu nhập từ bán nấm khoảng hơn 2 triệu đồng.

Năm 2019, gia đình anh Hồ Xuân Phước thu lãi 400 triệu đồng từ mô hình trồng nấm bào ngư xám, mô hình còn giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương, với mức lương từ 5-6 triệu đồng/tháng.

Bỏ việc nhà nước, vợ chồng về quê trồng nấm lãi cả trăm triệu/năm - 4

Ông Nguyễn Quyết Chiến – Phó chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, tham quan mô hình trồng nấm của vợ chồng anh Hồ Xuân Phước. Ảnh: PV

Với mô hình sản xuất theo hướng sạch, an toàn, trong thời gian tới, gia đình anh Hồ Xuân Phước vay thêm vốn để mở rộng quy mô sản xuất và trồng thêm các loại nấm khác, như: nấm mèo đen, nấm rơm... để đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời đăng ký nhãn hiệu và mở rộng thị trường.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Danviet.vn, ông Nguyễn Quyết Chiến – Phó chủ tịch UBND xã Tiến Hóa, cho biết: "Mô hình trồng nấm của vợ chồng anh Hồ Xuân Phước hiện rất hiệu quả, mang lại cho vợ chồng anh thu nhập cao, ổn định. Bên cạnh đó, mô hình đã giúp giải quyết được nhiều lao động ở địa phương, bản thân anh Phước hàng năm luôn giúp đỡ các hộ nghèo, đóng góp tiền của cho việc xây dựng nông thôn mới".

Theo Trung Thuần
Danviet.vn