1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lâm Đồng: Bỏ phố lên núi trồng cây ăn trái cho thu hoạch quanh năm

(Dân trí) - Chán cảnh buôn bán nhỏ ở thành phố, anh Nguyễn Hoàng Cường đã “khăn gói” lên mảnh đất Lâm Đồng lập nghiệp bằng hướng trồng cây ăn trái. Giờ đây, với gần 20ha đất chủ yếu trồng bưởi da xanh và quýt đường đã cho gia đình anh thu nhập ổn định quanh năm.

Sinh ra tại một tỉnh phía Bắc, nhưng anh Cường Hoàng Cường (45 tuổi) lại quyết định nam tiến để lập nghiệp. Quyết định này có được sau bao năm vất vả ở xứ người với công việc tự do, buôn bán thu nhập bấp bênh. Khi đó, anh Cường đã nghĩ nên tìm một hướng đi mới để lập nghiệp.

Anh Nguyễn Hoàng Cương bên vườn quýt đường sai trĩu của gia đình mình
Anh Nguyễn Hoàng Cương bên vườn quýt đường sai trĩu của gia đình mình

Anh Cường kể lại, một lần tình cờ gặp người được mệnh danh “vua bưởi” là ông Lê Văn Xê (biệt danh Sáu Xê- người nổi tiếng với trồng bưởi, chanh không hạt…) ở tỉnh Bình Dương. Anh Cường đã giãi bày tâm tư định hướng tương lai của mình. Nhận thấy ở anh Cường có được ý chí quyết tâm cao nên ông Sáu Xê đã nhận anh làm học trò.

“Khi trở về nhà, tôi xin “sư phụ” cho mình tới trang trại bưởi để học nghề và được đồng ý. Tại đây, sau một thời gian được chỉ dẫn tận tình từ “vua bưởi”, tôi đã nắm được cơ bản các kỹ thuật chăm sóc bưởi như: cách trồng cây, chăm sóc, trị bệnh …”, anh Cường chia sẻ thêm.

Nhờ tích lũy được những kiến thức chăm sóc cây trồng tốt, nên vườn trái cây của anh Cường cho trái trĩu cành quanh năm

Khi tích cóp được chút kinh nghiệm, đến giai đoạn này anh lại chật vật tìm đất để trồng cây. Năm 2013, anh khăn gói lên Lâm Đồng tìm đất để lập nghiệp và mảnh đất xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh (Lâm Đồng) là nơi anh hướng đến.

Lối vào trang trại quýt đường và bưởi da xanh của gia đình anh Cường
Lối vào trang trại quýt đường và bưởi da xanh của gia đình anh Cường

Với ý chí quyết tâm cao, anh Cường về thành phố bán hết nhà cửa, xe … gom hết vốn liếng lên cao nguyên Lâm Đồng mua đất lập nghiệp. Anh đã quyết định chọn mua mảnh đất ở xã Đạ Lây (Đạ Tẻh), lúc đấy chỉ là rừng tre, dây leo… mọc kín mít, đất khô cằn.

Không ngại khó, anh Cường đã thuê người phát rẫy làm vườn, cải tạo lại đất. Sau đó, lấy mẫu đất đi xét nghiệm, kiểm tra xem phù hợp trồng loại cây gì. Rất may mắn, mẫu đất và khí hậu ở mảnh đất Đạ Lây này lại phù hợp trồng những loại cây ăn trái như bưởi, quýt…

Sẵn có kỹ thuật trồng cây trong tay, tháng 5/2014, anh Cường bắt đầu đặt những cây giống đầu tiên trên mảnh đất của mình. Ban đầu, anh trồng 4 ha bưởi giống da xanh và 2 ha quýt đường.

Công nhân đang thu hoạch quýt đường
Công nhân đang thu hoạch quýt đường

Sau hơn 2 năm chăm sóc, quýt đường ra trái và cho thu nhập. Lúc này, anh dùng vốn xoay vòng để duy trì trang trại của mình. Sau 36 tháng, vườn bưởi cũng cho ra những trái bói. Đến thời điểm này, trang trại cây của anh đã có thu nhập ổn định.

Sau một thời gắn bó với vườn bưởi, quýt đường, nhận thấy 2 loại cây này đều sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp với vùng đất này. Một lần nữa, anh Cường quýt định vay thêm vốn ngân hàng để mở rộng trang trại.

Anh Cường đang chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái
Anh Cường đang chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái

Sau đó, với số vốn vay ngân hàng và tiền dành dụm tích cóp, anh mua thêm khoảng 9 ha đất rẫy. Còn lại anh đầu tư kéo đường điện, làm cầu bắc qua suốt nhỏ trong rẫy các phương tiện phục vụ sản xuất, phân bón… Tất cả số đất anh mới mua đều được anh cho xuống giống bưởi da xanh.

Hiện tại, thu nhập chính của anh chủ yếu từ vườn quýt đường và bưởi da xanh anh Cường xuống giống từ năm 2014. Còn lại vườn bưởi mới xuống giống đang phát triển tươi tốt, có nhiều cây đã cho hoa xum xuê.

Do cần cù, chịu khó tích lũy được những kiến thức chăm sóc cây trồng tốt nên vườn quýt đường của anh Cường cho trái quanh năm. Cây nào cây nấy sai trĩu quả từ thân đến ngọn.

Hiện trong trang trại anh của anh Cường tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân lao động thường xuyên và hơn 10 công nhân thời vụ
Hiện trong trang trại anh của anh Cường tạo công ăn việc làm cho 15 công nhân lao động thường xuyên và hơn 10 công nhân thời vụ

Hiện tại, với vườn quýt đường của anh thu hoạch vụ chính được khoảng 150 tấn, các vụ còn lại sản lượng trái ít hơn vụ chính. Với giá bán từ 15-30.000 đồng/kg (tuỳ thời điểm), sau khi trừ hết chi phí cũng đem về cho gia đình anh lợi nhuận khá cao.

Ngoài đem lại thu nhập cao cho gia đình, trang trại cây ăn trái của anh Cường còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động phổ thông ở địa phương. Hiện trong trang trại anh có 15 công nhân lao động thường xuyên và khoảng hơn 10 công nhân thời vụ. Mức lương mỗi ngày của một nhân công là 180.000 đồng/người.

Nhận thấy mô hình trồng bưởi, quýt đường của anh Cường hiệu quả và có triển vọng, các phòng ban nông nghiệp của xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh cũng như nhiều người dân đã đến tham quan, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm.

Anh Cường đang chăm sóc vườn bưởi da xanh của gia đình
Anh Cường đang chăm sóc vườn bưởi da xanh của gia đình

Địa phương cũng khuyến khích ủng hộ mọi người từ các nơi về đây đầu tư sản xuất, thúc đẩy kinh tế cho địa phương và còn tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong vùng.

Hiện nay, xã Đạ Lây (Đạ Tẻh) cũng đang có nhiều mô hình trồng bưởi và quýt đường như anh Cường. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân không nên nhân rộng ồ ạt, vì đây là một loại cây cũng “ khó tính”, đòi hỏi sự hiểu biết cao về kỹ thuật chăm sóc và vốn đầu tư lớn.

Ngọc Hà