1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng LĐ-TB&XH: Sớm điều chỉnh để cán bộ công chức sống được bằng lương

Trần Lê Thanh Tùng

(Dân trí) - Chia sẻ với cử tri những trăn trở về việc cán bộ cơ sở thu nhập thấp, đời sống khó khăn, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định cần sớm điều chỉnh mức lương cơ sở hiện nay.

Ngày 23/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV tại huyện Nông Cống và Như Thanh.

Hội nghị có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, các đại biểu Quốc hội đoàn Thanh Hóa; đại diện văn phòng, các cục, vụ của Bộ LĐ-TB&XH; lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh; đại diện các sở, ngành, địa phương và đông đảo cử tri 2 huyện nói trên.

Bộ trưởng LĐ-TBXH: Sớm điều chỉnh để cán bộ công chức sống được bằng lương - 1

Hội nghị tiếp xúc cử tri của 3 ĐBQH thuộc đoàn Thanh Hóa trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV diễn ra tại huyện Nông Cống và Như Thanh (Ảnh: Tống Giáp).

"Nóng" vấn đề đất đai, y tế

Tại hội nghị, cử tri kiến nghị các vấn đề: Tăng chỉ tiêu biên chế, chế độ, kinh phí đầu tư trang thiết bị đối với y tế cơ sở; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng; thi công đường cao tốc ảnh hưởng đến người dân; quy định hồ sơ, thủ tục công nhận liệt sĩ đối với thương binh chết do vết thương tái phát; di dời hài cốt liệt sĩ; thay đổi độ tuổi được hưởng chế độ trợ cấp bảo trợ xã hội đối với địa bàn các thôn, xã đặc biệt khó khăn; điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với một số ngành; di chuyển 101 hộ dân trong vùng có nguy cơ ngập lụt…

Bộ trưởng LĐ-TBXH: Sớm điều chỉnh để cán bộ công chức sống được bằng lương - 2

Cử tri nêu ý kiến tới Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Văn Thắng).

Đại diện Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các huyện Nông Cống, Như Thanh đã tiếp thu, báo cáo, giải trình một số vấn đề cử tri nêu, liên quan trực tiếp đến ngành, địa phương.

Phần lớn những ý kiến thuộc thẩm quyền cấp huyện. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, việc gì, nội dung gì liên quan đến cơ quan nào thì giao cơ quan đó trực tiếp chủ trì và ấn định thời gian trả lời dân, xử lý dứt điểm.

"Quan điểm của Chính phủ, trách nhiệm của ai người đó xử lý, không để tình trạng kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng nói mãi về một vấn đề. Cần cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Những vấn đề thuộc phạm vi, trách nhiệm của tỉnh thì báo cáo tỉnh chỉ đạo, giải quyết", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Có dịp trở lại Nông Cống, Như Thanh, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ông thực sự ấn tượng với những thành tựu, kết quả các địa phương đã đạt được, sự "thay da, đổi thịt" trong đời sống. Các chính sách xã hội được triển khai đồng bộ, thực sự đến với người dân.

Ấn tượng khác của Bộ trưởng là về sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nông Cống, Như Thanh. Ông nhấn mạnh, Nông Cống, Như Thanh có nhiều lợi thế khi có hệ thống giao thông, đặc biệt là gần và có cao tốc Bắc - Nam đi qua. Điều quan trọng là các địa phương phải quy hoạch đúng tầm, không tư duy theo kiểu một vài năm, mà quy hoạch phải bài bản, tạo ra không gian mở, tận dụng được thời cơ, lợi thế của địa phương.

Bộ trưởng LĐ-TBXH: Sớm điều chỉnh để cán bộ công chức sống được bằng lương - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá Nông Cống, Như Thanh có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tương đối nhanh (Ảnh: Tống Giáp).

"Quy hoạch không phải chỉ để cho chúng ta mà cần có cái nhìn dài cho con cháu, thế hệ sau. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất phải đi đầu, đặc biệt quan tâm đến công trình phúc lợi, y tế, giáo dục, điểm vui chơi cho trẻ em, người cao tuổi. Quy hoạch giao thông phải đi trước một bước để tạo không gian mở cho phát triển", Bộ trưởng gợi ý.

Trao đổi cặn kẽ về vấn đề "nóng" mà cử tri quan tâm về đất đai, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, vốn dĩ từ trước đến nay, xung quanh đất đai có nhiều câu chuyện phải bàn. Trung ương đã thảo luận và ra nghị quyết để định hướng cho việc sửa đổi luật Đất đai.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, Chính phủ cũng đã bàn về vấn đề y tế, các chính sách liên quan đến y tế, giáo dục, lĩnh vực lao động, chăm sóc người có công và chế độ an sinh xã hội. Ông đề cập hiện tượng các thành phố lớn, các bệnh viện tuyến trung ương đang gặp không ít khó khăn, thiếu thuốc, trang thiết bị. Ngành y tế cũng đang đứng trước thách thức khi có nhiều cán bộ, nhân viên nghỉ việc.

Chăm lo an sinh không phải ban phát mà là trách nhiệm!

Bộ trưởng LĐ-TBXH: Sớm điều chỉnh để cán bộ công chức sống được bằng lương - 4

Bộ trưởng tin tưởng với truyền thống, tiềm năng sẵn có, Nông Cống và Như Thanh sẽ tận dụng thời cơ, tạo ra sự bứt phá trong thời gian tới (Ảnh: Tống Giáp).

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, phải quan tâm đến an sinh xã hội, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, người già, những gia đình chính sách.

"Không coi việc thực hiện chính sách an sinh là sự ban phát, mà phải xác định chăm lo an sinh xã hội trách nhiệm của nhà nước. Phải đảm bảo kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. Không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh quan điểm.

Về một số thắc mắc trong lĩnh vực người có công, giảm nghèo, nông thôn, tuổi nghỉ hưu mà cử tri nêu ra tại hội nghị đều được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải đáp cụ thể.

Hiện nay, cả nước có 1,2 triệu liệt sĩ, 800 nghìn thương binh, 9,2 triệu người có công, 3 triệu người bảo trợ xã hội.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, một số vấn đề quan trọng hiện nay là giữ ổn định lương thực trong nhân dân, thị trường xăng dầu, các loại thiết yếu cho dân, tháo gỡ các điểm nghẽn để tạo điều kiện giải ngân đầu tư công, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất; đảm bảo an sinh; đảm bảo quốc phòng an ninh, ổn định chính trị.

Cần sớm tăng lương cơ sở

Bộ trưởng LĐ-TBXH: Sớm điều chỉnh để cán bộ công chức sống được bằng lương - 5

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đoàn ĐBQH chụp ảnh lưu niệm với cử tri (Ảnh: Tống Giáp).

Qua ý kiến của cử tri, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ trăn trở về việc cán bộ cơ sở thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Bộ trưởng nhận định, cần cố gắng điều chỉnh sớm mức lương cơ sở để công chức, viên chức sống được bằng lương.

Ông Dung chỉ rõ, y tế và giáo dục là hai lĩnh vực chiếm tỷ lệ chủ yếu trong tổng số công chức, viên chức trong bộ máy. Với giáo dục, có 2 nhóm đối tượng phải chăm lo, quan tâm nhất là giáo viên mầm non và phổ thông. Với y tế, nhóm công chức, viên chức dễ tổn thương là ở lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở.

"Tinh thần tại kỳ họp Quốc hội tới, chúng tôi cố gắng để khi bàn về lương tối thiểu, mức lương cơ sở thì lĩnh vực y tế, giáo dục phải được quan tâm hàng đầu", Bộ trưởng trình bày.