Bộ trưởng KH&CN với câu hỏi nâng cao năng suất lao động

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho rằng nâng cao năng suất lao động phụ thuộc vào trình độ công nghệ của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Hiện nay, yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ đối với doanh nghiệp Việt Nam phải đạt khoảng 20%/năm để có thể đuổi kịp trình độ công nghệ các nước trong khu vực và thế giới.

Trước phiên trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội vào ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân đã trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về một số nội dung trong hoạt động KH&CN thời gian qua.

Thưa Bộ trưởng, hiện nguồn lực tài chính hàng năm dành cho KH&CN đã duy trì mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (NSNN). Xin Bộ trưởng cho biết một số kết quả nổi bật của hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN thời gian qua?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Luật KH&CN 2013 quy định rất rõ phải dành tối thiểu 2% tổng chi NSNN cho KH&CN. Tuy nhiên, do phải dành một phần cho dự phòng và an ninh, quốc phòng nên thực chi ngân sách hàng năm cho KH&CN chỉ dao động từ 1,3-1,5% tổng chi NSNN. Trong đó, trên 80% dành cho chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển, tức là không trực tiếp dành cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng.

Còn hơn 10% (trung bình khoảng hơn 2.000 tỷ đồng) dành cho các đề tài, dự án nghiên cứu các cấp. Nếu chia số kinh phí này cho số lượng các tổ chức KH&CN hoặc cho số lượng cán bộ KH&CN trong cả nước thì kinh phí nghiên cứu trên đầu tổ chức hoặc đầu cán bộ khoa học của chúng ta rất thấp.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Báo Người đại biểu nhân dân

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân. Ảnh: Báo Người đại biểu nhân dân

Mặc dù vậy, KH&CN những năm qua đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Một vài ví dụ cụ thể, Việt Nam đã trở thành một trong 4 quốc gia trên thế giới sản xuất được vaccine tiêu chảy Rotavin-M1; làm chủ các kỹ thuật mổ nội soi, ghép đa tạng; là một trong 10 quốc gia trên thế giới tự thiết kế và đóng được giàn khoan tự nâng 90m và 120m nước đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Chúng ta cũng đã tự chế tạo được tàu hộ vệ tên lửa tấn công nhanh thế hệ tương đối hiện đại theo thiết kế của Liên bang Nga. Chúng ta cũng lần đầu tiên vượt ngưỡng 2.000 công bố quốc tế trên các tạp chí ISI năm 2013 và năm 2014 đạt trên 2.600 bài báo quốc tế.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng bước đầu thành công trong lĩnh vực thiết kế và chế tạo các sản phẩm vi mạch điện tử. Năng suất lúa, nuôi tôm và cá tra của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới… Có thể nói, thành tựu trong các lĩnh vực đều có sự đóng góp của KH&CN.

Có ý kiến cho rằng đầu tư của KH&CN trong nông nghiệp còn mờ nhạt. Hiện người nông dân vẫn phải mua giống, phân bón của nước ngoài, vẫn phải đối mặt với tình trạng "được mùa mất giá" do không biết cách bảo quản sau thu hoạch... Xin Bộ trưởng cho biết suy nghĩ của mình?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Nếu nói KH&CN chưa có đóng góp đáng kể trong ngành nông nghiệp thì chưa thật khách quan khi Việt Nam từ chỗ là nước nhập khẩu lương thực, nay trở thành nước có thứ hạng trên thế giới về xuất khẩu gạo, hàng nông, thủy sản đạt tới mức 30 tỷ USD/năm, chiếm khoảng trên 20% tổng giá trị xuất khẩu.

Mặc dù ở đâu đó người nông dân vẫn còn khó khăn khi vẫn phải mua giống và phân bón của nước ngoài hay chưa biết cách bảo quản sau thu hoạch… nhưng xét về tổng thể, Việt Nam đã có nhiều mô hình sản xuất lớn đầu tư theo chuỗi giá trị rất thành công.

Ví dụ như một số doanh nghiệp ở Phú Yên, Bình Định đã làm chủ được thiết bị câu cá ngừ và công nghệ CAS của Nhật Bản về bảo quản cá ngừ xuất khẩu. Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã ứng dụng công nghệ vào sản xuất quy mô lớn hàng trăm nghìn ha lúa với đội ngũ hơn 1.000 kỹ sư nông nghiệp và 2 viện nghiên cứu nằm trong doanh nghiệp. Tỉnh Lâm Đồng và nhiều địa phương khác đã ứng dụng rất thành công công nghệ cao trong trồng rau sạch, trồng hoa.

Tương tự, ở phía Bắc cũng có nhiều đơn vị, mô hình KH&CN đầu tư cho nông nghiệp thành công và hiệu quả như nuôi tôm sú ở Thái Bình, Nghệ An; nuôi cá hồi, cá tầm ở Sơn La. Ví dụ, việc chăn nuôi gà tại Bắc Giang, từ khi có thương hiệu "Gà đồi Yên Thế", việc chăn nuôi gà đã trở thành nghề phổ biến đối với nhiều hộ dân của huyện. Lợi thế so sánh về gà thương hiệu đã giúp các hộ chăn nuôi có thu nhập ổn định từ 50-100 triệu đồng/năm, nhiều hộ thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm.

Đặc biệt, trồng vải thiều ở các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Bắc Giang. Nếu trước năm 2011, quả vải thiều thường xuyên bị tình trạng “được mùa, mất giá”, thì kể từ khi xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho “vải thiều Lục Ngạn” tình trạng đó đã chấm dứt, thu nhập của nông dân ổn định.

Năm 2014, lần đầu tiên quả vải thiều được giới thiệu ở thị trường Nhật Bản, năm nay hàng trăm tấn vải thiều đã được xuất khẩu sang 6 nước trong đó có những thị trường khó tính như Mỹ, Australia và được đánh giá cao.... Có thể nói, KH&CN đã đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất khẩu nông sản, thực phẩm này.

Để đánh giá tổng quan về hiệu quả của KH&CN có thể đề cập đến một chỉ số người ta thường nói từ trước đến nay, đó là chỉ số ICOR (chỉ số đánh giá hiệu quả đầu tư). Trước đây ICOR của Việt Nam rất lớn, thường trên 7 nhưng gần đây đã giảm (khoảng trên 5) do tái cơ cấu nền kinh tế. Nghĩa là bỏ ra 5 đồng vốn cho xây dựng cơ bản thì đem lại 1 đồng cho tăng trưởng GDP.

Trong KH&CN, có một chỉ tiêu rất quan trọng là yếu tố năng suất tổng hợp (TFP), đánh giá đóng góp của các yếu tố đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng GDP. Có thể khẳng định, một đồng vốn đầu tư cho KH&CN có hiệu quả cao hơn nhiều lần so với đầu tư vào một số lĩnh vực khác.

Ví dụ, theo tính toán của Tổng cục Thống kê năm 2014, TFP của Việt Nam đạt xấp xỉ 30%, nghĩa là các đóng góp về KH&CN, đổi mới trong cơ chế chính sách đóng góp 30% vào tăng trưởng GDP. Tại các nước trên thế giới, phần đóng góp của KH&CN trong TFP thường rất lớn (ví dụ, tại Malaysia đóng góp của KH&CN trong TFP là hơn 70%).

Ở nước ta, số liệu chưa đầy đủ nhưng trong tính toán của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy đóng góp của KH&CN trong TFP với mức khiêm tốn khoảng 26%, có nghĩa là KH&CN đã đóng góp khoảng 7,5% vào tăng trưởng GDP quốc gia. Như vậy, đầu tư 1,5% tổng chi NSNN, tương đương khoảng 0,4% GDP quốc gia cho KH&CN sẽ tạo ra được 0,45% GDP quốc gia (năm ngoái chúng ta tăng trưởng GDP khoảng 6%).

Nếu tính tổng đầu tư xã hội cho KH&CN ở mức 1% GDP thì ICOR trong lĩnh vực KH&CN cũng khoảng 1/0,45=2,2. Trái ngược với ICOR trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản là 5/1.

Thưa Bộ trưởng, hiện năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với một số nước trong khu vực. Chúng ta cần có giải pháp nào để KH&CN góp phần tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, sớm bắt kịp các nước trong khu vực?

Bộ trưởng Nguyễn Quân: Năng suất lao động của Việt Nam rất thấp, đây là một trong những yếu tố khiến đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam gần đây có biểu hiện chững lại. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài nghĩ Việt Nam có nhân công giá rẻ, tiền lương thấp. Họ hy vọng tỷ trọng chi phí cho nhân công trong sản phẩm khi đầu tư vào Việt Nam sẽ thấp và có sức cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, dần dần họ nhận ra rằng tiền lương có thể rất thấp, nhưng vì năng suất lao động còn thấp hơn nên thực tế chi phí nhân công của doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn cao hơn khi đầu tư vào các nước khác. Ví dụ, tiền lương chúng ta có thể thấp bằng 1/5 Singapore, nhưng năng suất lao động chỉ bằng 1/15 của họ. Nghĩa là chi phí nhân công trong sản phẩm Việt Nam vẫn cao gấp 3 lần so với Singapore, điều đó khiến nhà đầu tư nhận ra nhân công giá rẻ không là yếu tố hấp dẫn nữa.

Vậy làm thế nào để nâng cao năng suất lao động? Điều này phụ thuộc vào trình độ công nghệ của doanh nghiệp và của mỗi quốc gia. Khi ứng dụng KH&CN, chúng ta có được quy trình sản xuất hợp lý hơn, mức độ tự động hóa của dây chuyền sản xuất cao hơn, chất lượng sản phẩm tốt hơn, năng suất lao động sẽ nâng lên so với lao động thủ công hoặc quy trình quản lý cũ.

5 năm qua, Bộ KH&CN đã có một số hoạt động giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất lao động. Cụ thể, hướng dẫn cho doanh nghiệp thực hiện hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO. Đây là quy trình quản lý tiên tiến hợp lý hóa tất các khâu trong hệ thống sản xuất của một doanh nghiệp, từ khâu quản lý đến sản xuất.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã trình Chính phủ các chương trình quốc gia về KH&CN để hỗ trợ các doanh nghiệp. Có 3 chương trình quốc gia lớn và 7 chương trình cấp quốc gia khác có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp. Đơn cử như Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Theo đó, yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt khoảng 20%/năm, nghĩa là sau 5 năm hệ thống doanh nghiệp Việt Nam phải nâng lên một trình độ công nghệ cao hơn để đuổi kịp trình độ công nghệ các nước trong khu vực và thế giới.

Tương tự đối với Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, Nhà nước sẽ hỗ trợ để tiếp nhận công nghệ, thuê chuyên gia, huy động các nhà khoa học, viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp phải có vốn đối ứng và dự án để đổi mới công nghệ nâng cao năng suất lao động.

Ngoài ra, còn có Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020, Chương trình sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình hợp tác quốc tế về KH&CN, Chương trình nông thôn miền núi, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ… Đặc biệt, Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KH&CN và tổ chức KH&CN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592) với mục tiêu hỗ trợ một số viện trường, doanh nghiệp KH&CN có được kết quả nghiên cứu tốt, có quá trình đổi mới công nghệ tốt, sớm đạt được mục tiêu chiến lược phát triển KH&CN.

Nếu chúng ta làm tốt tất cả các công việc đó, Việt Nam sẽ sớm có năng suất lao động cao, có nhiều sản phẩm với tính cạnh tranh cao hơn, để tự tin bước vào hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Hạnh Nguyên/Chinhphu.vn