1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Tăng quyền kinh tế cho phụ nữ để bớt khoảng cách giới”

(Dân trí) - “Mạnh dạn trao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là biện pháp thiết thực và hiệu quả nhất để thu hẹp khoảng cách giới, thực hiện các cam kết lâu dài về bình đẳng giới và cuối cùng là đạt được mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030”

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Tăng quyền kinh tế cho phụ nữ để bớt khoảng cách giới” - 1

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung trong Phiên họp lần thứ 61 Ủy ban Địa vị Phụ nữ (CSW- 61) tại Trụ sở Liên hợp quốc (New York, Hoa Kỳ). Chương trình diễn ra từ ngày 13-24/3, với chủ đề “Tăng cường quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thế giới việc làm đang thay đổi”.

Đoàn Việt Nam do ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam làm Trưởng đoàn.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các nước ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, nhiều hạn chế và rào cản đối với bình đẳng giới cần phải được loại bỏ để đảm bảo cho phụ nữ và nam giới được hưởng những cơ hội kinh tế bình đẳng và mang đến sự thịnh vượng và tăng trưởng bền vững cho ASEAN.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Việt Nam đứng thứ 65 trên tổng số 144 nước về chỉ số khoảng cách giới (tăng 18 bậc so với năm 2015), tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ/nam là 0,92 - gần tiệm cận mức bình đẳng. Nhiều chương trình, hoạt động, mô hình hỗ trợ, đào tạo khởi nghiệp, tiếp cận nguồn tài chính, tín dụng, tiếp cận thị trường cho phụ nữ, phát triển mạng lưới doanh nhân nữ, và các hoạt động dạy nghề cho phụ nữ cũng được triển khai hiệu quả.

“ASEAN sẽ tiếp tục các nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực: Lồng ghép giới, tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong lực lượng lao động, trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội và chính trị, đảm bảo tiếp cận giáo dục và đào tạo nghề để trao quyền cho phụ nữ và đảm bảo cho phụ nữ được hưởng thụ đầy đủ các quyền con người và tự do cơ bản..”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh .

Trong bài phát biểu quốc gia, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: Việt Nam nhất trí cao với chủ đề của khóa họp, việc nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ là cam kết mạnh mẽ và là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Với các nỗ lực của Việt Nam và sự hợp tác, hỗ trợ có hiệu quả của các đối tác phát triển và các tổ chức của Liên hợp quốc Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) về bình đẳng giới. Tỷ lệ nữ tham gia thị trường lao động đang đạt gần 73%; tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp, chủ trang trại đạt 24,9%.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam còn gặp nhiều thách thức: Lao động nữ chủ yếu làm trong các ngành, lĩnh vực phi chính thức; hạn chế về cơ hội tiếp cận thu nhập độc lập; vẫn tồn tại khoảng cách về chất lượng việc làm, vị thế công việc và thu nhập giữa lao động nam và lao động nữ; doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường ở quy mô siêu nhỏ, hoạt động không chính thức, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp.

Cùng với đó, quan niệm truyền thống đánh giá thấp khả năng và tiềm năng của phụ nữ vẫn còn tồn tại cùng với những vấn đề khách quan như: Tiếp cận việc làm, các nguồn lực, thiên tai, dịch bệnh, thị trường lao động, tài chính, và không đáp ứng kịp những thay đổi về việc làm do sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức đáy trong nhiều năm qua, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục, là những thách thức đối với phụ nữ.

Trong khuôn khổ của khóa họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có bài phát biểu tại các cuộc họp cấp cao, các sự kiện bên lề, như: Tọa đàm “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam” và Lễ công bố Sáng kiến về thập kỷ nông nghiệp hộ gia đình do Tổng thống Costa Rica Luis Guillermo Solis chủ trì; Hội thảo “ Giải quyết các hành vi có hại của việc ưa thích con trai và xem nhẹ giá trị của bé gái” do Quỹ phát triển Dân số Liên hợp quốc tổ chức…

Hoàng Mạnh