1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vụ lao động nữ kêu cứu từ Ả Rập Xê Út: Sẽ đối chất giữa người lao động với công ty?

(Dân trí) - Liên quan tới vụ nữ lao động chị Trần Thị T (SN 1986), trú tại Phi Mô - Lạng Giang (Bắc Giang) kêu cứu bị hành hung, ngược đãi khi đi làm giúp việc tại Ả rập xê út và phải nộp 3.000 USD mới được về nước, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết sẽ tổ chức buổi đối thoại giữ các bên.

Cuộc đối chất sẽ không có báo giới tham dự?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Sỹ Dũng - Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Công ty cổ phần phát triển nguồn lực và dịch vụ dầu khí Việt Nam (Petromanning) - đơn vị phái cử lao động Trần Thị T - đã gửi giải trình về vụ việc.

Trả lời trước câu hỏi về xác minh việc chị Trần Thị T bị hành hung, phải nộp 3.000 USD mới được về nước…ông Đặng Sỹ Dũng cho biết: Cục Quản lý lao động Ngoài nước sẽ tổ chức 1 buổi làm việc giữa đại diện Công ty Pertromaning và lao động Trần Thị T để làm rõ các vấn đề liên quan.

Cũng theo ông Đặng Sỹ Dũng, chị Trần Thị T đã qua 18 tuổi và có đầy đủ quyền công dân, vì vậy buổi làm việc tới đây của chị với đại diện Cục và Công ty Petromaning sẽ không cần tới sự có mặt báo giới. “Sau cuộc họp trên, Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ thông báo kết quả với báo giới” - ông Đặng Sỹ Dũng cho biết.


Bản hợp đồng ký giữa chị T và Cty Petromaning.

Bản hợp đồng ký giữa chị T và Cty Petromaning.


Giấy nhận 3000USD của người môi giới đưa chị T đi xuất khẩu lao động với lý nộp phạt để được về nước.

Giấy nhận 3000USD của người môi giới đưa chị T đi xuất khẩu lao động với lý nộp phạt để được về nước.

Trao đổi với PV Dân trí, gia đình chị Trần Thị T cho biết sau khi nhận được thông báo về việc đối chất với Công ty Petromanning, gia đình sẽ sắp xếp công việc. “Tôi sẽ làm việc với luật sư về những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của mình sau khi ăn “quả đắng” từ Công ty Petromanning. Luật sư sẽ đại diện cho tôi và cùng tôi tham gia buổi làm việc. Tôi và gia đình tôi đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ việc tôi bị bắt phải nộp khoản tiền 3000 USD mới được về nước. Nếu việc này sai phạm tôi yêu cầu phải được nhận lại tiền”.

Đươc biết, hiện có rất nhiều văn phòng luật sư sẵn sàng vào cuộc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp miễn phí cho chị Trần Thị T.

Được biết, chị Trần Thị T thông qua công ty Petromanning (Hà Nội) đi làm giúp việc gia đình tại Ả rập xê út cuối năm 2016. Chỉ sau 1 thời gian ngắn, chị Trần Thị T phản ánh đã bị hành hung và phải nộp 3.000 USD mới được về nước.

Từ Ả rập xê út, chị Trần Thị T khẩn thiết kêu gọi các cơ quan chức năng lên tiếng để cứu giúp. Sau khi có thông tin trên đăng trên Báo Dân trí từ hôm 23/1, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã gửi công văn Công văn số 56/TTR-CSLĐ do ông Nguyễn Tiến Tùng - Chánh Thanh tra ký ngày 24/1 yêu cầu Công ty kiểm tra và báo cáo lại công ty trước ngày 10/2.

Trước đó, từ lời kêu cứu của chị T, PV Dân trí đã đến trực tiếp Trụ sở của Công ty Petromamning.


Bộ LĐTB&XH vào cuộc vụ nữ lao động khẩn thiết kêu cứu tại Ả Rập Xê Út.

Bộ LĐTB&XH vào cuộc vụ nữ lao động khẩn thiết kêu cứu tại Ả Rập Xê Út.


PV Dân trí đã tới Công ty Petromanning để làm việc, nhưng vẫn không nhận được phản hổi chính thức từ lãnh đạo Công ty.

PV Dân trí đã tới Công ty Petromanning để làm việc, nhưng vẫn không nhận được phản hổi chính thức từ lãnh đạo Công ty.

Dù địa chỉ ký hợp đồng với lao động xuất khẩu ghi rõ trụ sở Công ty Petromanning tại tầng 10 Maple Tower, Lô C2L, Cụm sản xuất TTCN và CN nhỏ phường Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy (Hà Nội) nhưng theo thông tin trên Website của công ty này và theo chỉ dẫn của chị T, PV Dân trí đã đến liên hệ với công ty này tại Tầng 16 toà nhà Intracom2 đường Phúc Diễn - Cầu Diễn - Bắc Từ Liêm (Hà Nội).

Tại đây, sau khi tiếp nhận, in sao lại Thẻ nhà báo của PV Dân trí, nhân viên Công ty Petromanning ghi nhận nội dung đề nghị cung cấp thông tin gồm: Lao động Trần Thị T kêu cứu bị đánh đập, sàm sỡ, quỵt lương, đã nộp 3000USD phạt nhưng chưa được đưa về Việt Nam và quá trình giải quyết hiện tại ra sao?. Nhân viên Công ty Petromanning cho biết lãnh đạo bận họp sẽ liên hệ thông tin sau. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua vẫn chưa có hồi âm từ Công ty Petromanning.


Chị Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Cạn) đã liên hệ với Báo Dân trí cung cấp các thông tin về việc được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng khi chị kêu cứu cũng bị bắt nộp 3000 USD mới được về nước.

Chị Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Cạn) đã liên hệ với Báo Dân trí cung cấp các thông tin về việc được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng khi chị kêu cứu cũng bị bắt nộp 3000 USD mới được về nước.

Ngay sau khi Báo Dân trí đăng tải thông tin liên quan đến kêu cứu của chị Trần Thị T, tiếp tục có lao động Trương Thị Nhang (SN 1976, trú tại tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Cạn) đã liên hệ với Báo Dân trí cung cấp các thông tin về việc được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út nhưng khi chị kêu cứu cũng bị bắt nộp 3000 USD mới được về nước.

Cùng đó, thêm người nhà của một số lao động nữ tại tỉnh Bắc Kạn được Công ty Petromanning đưa đi lao động tại Ả Rập Xê Út đã liên hệ với Báo Dân trí cung cấp thông tin.

Theo nguồn tin riêng của Dân trí, Bộ LĐ-TB&XH đang lập danh sách 5 công ty xuất khẩu lao động có nhiều vấn đề nổi cộm và bị báo chí phản ánh để tiến hành thanh tra trong quý 1/2017. Nội dung thanh tra sẽ bao gồm việc ký kết hợp đồng với người lao động, mức phí môi giới, trách nhiệm xử lý phát sinh…

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Hoàng Mạnh