Thanh Hóa: Vẫn còn “đánh trống ghi tên” trong đào tạo nghề

(Dân trí) - Đề án 1956 của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo ra cơ hội giải quyết việc làm cho người dân. Tuy nhiên, tại Thanh Hóa, nhận thức về vai trò của công tác đào tạo nghề của các cấp quản lý và người lao động còn hạn chế. Dẫn đến thực trạng tổ chức đào tạo cho hết chỉ tiêu, người học thì theo kiểu “đánh trống ghi tên”.

Không sống được với nghề đã học

Ngày 27/11/2009, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956). Mỗi khoá học, lao động đi học nghề được hỗ trợ từ 2-6 triệu đồng/người.

Đề án này được xem như một “làn gió mới” đối với công tác giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Từ chỗ chỉ quen với ruộng đồng, chăn nuôi manh mún, người nông dân ở nhiều địa phương được tiếp cận rất nhiều nghề: Vận hành và sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi thú y, đan lát, may mặc, điện dân dụng...

Lý thuyết là vậy, nhưng trên thực tế tại Thanh Hóa, việc thực hiện đề án còn nhiều hạn chế.

Anh Lò Văn Tính học viên lớp học trồng nấm ở huyện Mường Lát cho biết: "Sau khi khóa học kết thúc, hầu như các học viên không tham gia sản xuất trồng nấm, mà chuyển sang đi làm nghề khác. Cá nhân anh cũng đang phải đi làm phụ hồ cho các công trình xây dựng kiếm sống.

Nghề trồng nấm học xong không phát huy hiệu quả ở Mường Lát.
Nghề trồng nấm học xong không phát huy hiệu quả ở Mường Lát.

Anh Tính cho hay, trường hợp học nghề nhưng không sống bằng nghề như anh không phải là con số ít. Vì vậy, anh mong muốn, các cơ sở đào tạo khi mở lớp dạy nghề cần nghiên cứu kỹ đặc thù điều kiện kinh tế, môi trường sống của địa phương. Từ đó tư vấn, hướng dẫn bà con nên theo học nghề gì để có thể có cơ hội tìm việc làm.

Anh Tính cũng cho rằng, ở những huyện vùng cao như nơi anh đang sinh sống, lớp học nề rất có khả thi. Do huyện xa ít lao động chịu lên đây làm. Nếu có nghề, người lao động cũng có thu nhập từ 300-400 ngàn đồng/ngày.

Còn ở huyện Thường Xuân, trong số nghề đào tạo cho lao động nông thôn theo Đề án 1956, có lớp học trồng cây cảnh. Có nhiều người theo học, nhưng qua tìm hiểu, cũng không có học viên nào học xong mà cải thiện được cuộc sống từ nghề này. Hàng loạt các lớp dạy nghề khác ở các huyện miền núi như: Nghề chóc quại bèo tây xã Thạch Cẩm (Thạch Thành); làm thảm bèo ở Đồng Thịnh (Ngọc Lặc)... cũng chung số phận.

Điều mà nhiều người dân mong đợi là, công tác tư vấn, định hướng nghề của cơ quan chuyên ngành cần bám sát với thực tiễn cuộc sống, từ đó chọn đúng nghề, dạy đúng nghề, đúng đối tượng, đúng nhu cầu.

Nhưng trên thực tế, công tác dạy nghề ở các huyện miền núi đang diễn ra tình trạng, chỉ tiêu đào tạo nghề được giao về các địa phương. Các địa phương giao chỉ tiêu về các trung tâm đào tạo nghề, nên có lúc các cơ sở đào tạo phải chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu, định mức đào tạo, trong khi chất lượng đào tạo, ngành nghề đào tạo còn bỏ ngỏ.

Vì vậy, xuất hiện những nghề đào tạo như: Trồng mía, chăn nuôi lợn, cạo mủ cao su, trồng lúa thơm... cũng kéo dài tới 3 tháng. Trong khi những nghề này chỉ cần tổ chức thành các buổi chuyển giao khoa học kỹ thuật là hợp lý, vừa tiết kiệm tiền bạc cho Nhà nước và thời gian của người học.

Cần định hướng và đào tạo nghề phù hợp

Ông Phạm Văn Chung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên huyện Mường Lát, cho biết: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là, phần lớn người học nghề không thể tự tạo việc làm cho bản thân mình, nếu có sản phẩm làm ra, người dân cũng khó tiếp cận với thị trường đầu ra”.

Cũng theo ông Chung, công tác đào tạo nghề hiện chưa được chính quyền các cấp quan tâm đúng mức, nhất là định hướng nghề. Trong khi đó, tình trạng người lao động chưa nhận thức được việc học nghề, có tâm lý tham gia theo phong trào, học chiếu lệ.


Nghề may sau khi ra trường phát huy hiệu quả nhưng nơi đào tạo thiếu cơ sở vật chất phục vụ học viên.

Nghề may sau khi ra trường phát huy hiệu quả nhưng nơi đào tạo thiếu cơ sở vật chất phục vụ học viên.

Được biết, trên địa bàn các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa hiện có 12 cơ sở giáo dục - đào tạo nghề. Năm 2017, đã có 14.459 lao động trên địa bàn các huyện miền núi được đào tạo nghề, trong đó 11,765 lao động sau khi được đào tại nghề đã có việc làm, đạt 81%. Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu của phóng viên thì trên thực tế, số lao động sau đào tạo sống được với nghề lại là rất thấp.

Đề án 1956 đã được xem như cơ hội "vàng" giúp hàng ngàn lao động được học nghề và có việc làm mới. Nhưng làm thế nào để vừa hoàn thành mục tiêu, vừa đảm bảo chất lượng đào tạo và người tham gia có việc làm ổn định sau khi học vẫn là một câu hỏi khó.

Nguyễn Thùy