Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá

(Dân trí) - Làm việc tại Đồng Tháp vào sáng 20/2, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh cần chú trọng an sinh xã hội bên cạnh phát triển kinh tế, coi nguồn nhân lực là khâu đột phá.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc tại UBND tỉnh Đồng Tháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp

Giải quyết hơn 36.000 việc làm

Sáng 20/1, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã có buổi làm việc tại tỉnh Đồng Tháp để tìm hiểu công tác thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, năm 2019, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 36.000 lao động. Trong đó có 2.019 lao động được đưa đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan).

Tỷ lệ thất nghiệp trong tỉnh tiếp tục duy trì ở mức dưới 3% (2,89%). Cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp, dịch vụ, số lao động nông nghiệp chiếm 49,3% trong tổng lao động xã hội.

Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động được đẩy mạnh. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 2

Đồng Tháp thực hiện tốt việc đưa lao động đi nước ngoài làm việc.

Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 2 trường Cao đẳng, 3 trường Trung cấp, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp cấp huyện và 8 đơn vị có tham gia giáo dục dạy nghề.

Mỗi năm, các cơ sở trên tuyển sinh khoảng 25.000 học viên. 

Năm 2020, tỉnh Đồng Tháp dự tính cung ứng 30.000 nhân lực cho thị trường lao động, trong đó đưa 1.000 lao động đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Tỉnh cũng phấn đấu tuyển mới đào tạo 21.500 người, trong đó hệ cao đẳng 2.500 có sinh viên, hệ trung cấp 2.000 học viên.

Tuy vậy, Đồng Tháp cũng còn nhiều hạn chế khi lao động chủ yếu đi làm việc tại các tỉnh nên các doanh nghiệp trong tỉnh thiếu hụt lao động.

Nhiều lao động đi nước ngoài làm việc rồi ở lại bất hợp pháp khi hết hạn hợp đồng. Tình trạng trục lợi từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp vẫn còn tái diễn. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 3

Đồng Tháp kiến nghị cùng Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hỗ trợ thêm kinh phí để đào tạo nguồn nhân lực. 

Từ những khó khăn trên, Đồng Tháp kiến nghị Bộ LĐ-TB&XH cần quan tâm hơn đến việc Đồng Tháp đưa lao động sang Hàn Quốc lao động để đạt hiệu quả cao hơn.

Đồng thời, tỉnh Đồng Tháp mong Bộ hỗ trợ thêm kinh phí để đầu tư trang thiết bị tại Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp và Trường Cao đẳng Y tế. Hai trường trên hiện chưa được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn ngành, nghề quốc tế. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 4

Bộ trưởng đi thăm Trung tâm dịch vụ việc làm tại Đồng Tháp. 

Tập trung phát triển đồng bộ

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho biết, tỉnh đã tăng cường sự quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội nên rất cần sự tham gia của các nguồn lực xã hội, chung tay của cộng đồng.

Điểm nhấn đột phá trong thời gian tới của Đồng Tháp sẽ là nguồn nhân lực, coi trọng về công tác đạo tạo nghề, huấn luyện nông dân về kỹ thuật trồng trọt, truyền cảm hứng, định hướng cho lao động khởi nghiệp, lập hội quán cho những người có con em đi lao động nước ngoài đến chia sẻ về thông tin của con em, nguồn vốn làm ăn.

Trước những kiến nghị trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao những thành tích Đồng Tháp đã đạt được trong năm 2019.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị việc phát triển nguồn nhân lực tại đây cần phải được tổ chức đồng bộ, quy mô hơn để mang lại hiệu quả cao. Đồng Tháp cũng cần tập trung phát triển đồng bộ giữa kinh tế và an sinh xã hội. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 5

Bộ trưởng động viên các học viên tại trung tâm dịch vụ việc làm. 

“Đồng Tháp tạo ấn tượng nổi bật trong công tác giảm nghèo và trở thành 1 trong 2 địa phương (cùng với Trà Vinh) có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất. Chất lượng đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Hiện Đồng Tháp có nhiều cách làm hay trong việc đưa con em đi học tập, làm việc và lao động tại nước ngoài. Các trung tâm giới thiệu việc làm, các mô hình hội quán hoạt động hiệu quả" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá,

Bộ trưởng cũng gợi ý lãnh đạo tỉnh cần lấy việc phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá, trong đó chú trọng việc tri thức hóa nông thôn bao gồm cả tri thức hóa con người và nền tảng cơ sở nông thôn. Đề cao, đặt con người là động lực và mục tiêu phát triển.

Đồng thời, tỉnh cần quan tâm đến công tác phân luồng học sinh tốt nghiệp THPT, phấn đấu tăng từ 14% lên 30% học sinh THCS chuyển qua giáo dục nghề nghiệp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 6

Bộ trưởng cùng đoàn công tác dâng hương tại Lăng mộ Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc 

Tiếp đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giao các cơ quan chuyên môn của Bộ xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ cho Đồng Tháp để phát triển nguồn lao động chất lượng cao, đẩy mạnh công tác phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Liên quan tới quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng yêu cầu tỉnh Đồng Tháp cần tiếp tục rà soát, đánh giá mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để có giải pháp sắp xếp lại cho phù hợp, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết 08/NQ-CP.

Cũng trong ngày, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và đoàn công tác đã tới thăm một số Trung tâm giới thiệu việc làm, mô hình hội quán tại Đồng Tháp. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 7
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 8

Bộ trưởng cùng nông dân trao đổi thông tin về hội quán việc làm. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Đồng Tháp nên coi nguồn nhân lực là khâu đột phá - 9

Xuân Hinh