Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: "Mình về nuôi cá và trồng thêm rau"!

Ngô Linh

(Dân trí) - Nhiều lao động trong ngành du lịch ở Hội An (Quảng Nam) phải quay về với nghề nông, đánh bắt cá… để mưu sinh qua ngày, chờ du lịch phục hồi. Công việc vất vả nhưng yên bình, đỡ áp lực hơn.

Xoay sở bằng nghề truyền thống

Anh Huỳnh Tấn Dũng (thôn Võng Nhi, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) gắn bó với nghề nuôi tôm hơn 10 năm. Khi du lịch tại TP Hội An phát triển rầm rộ, anh xin làm nhân viên hồ bơi cho một khách sạn. Từ đó, mấy hồ nuôi tôm của nhà anh bỏ ngỏ.

Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: Mình về nuôi cá và trồng thêm rau! - 1

Dọc tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại qua địa bàn xã Cẩm Thanh và phường Cẩm Châu (TP Hội An), bên cạnh các hộ nuôi tôm lâu năm, nhiều vuông tôm mới cũng được hình thành.

"Thời điểm đó du lịch là nghề "hot", người người nhà nhà làm du lịch. Nhưng dịch Covid-19 bùng phát, khách sạn đóng cửa, nghề nuôi tôm lại là cứu cánh cho gia đình 2 năm trở lại đây. Tôi nghĩ sẽ phát triển song song nuôi tôm và làm du lịch, vì có bề gì dễ xoay sở", anh Dũng chia sẻ.

Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: Mình về nuôi cá và trồng thêm rau! - 2

Anh Huỳnh Tấn Dũng (xã Cẩm Thanh, TP Hội An) quay lại với nghề nuôi tôm truyền thống sau khi thất nghiệp do dịch Covid-19.

Theo anh Dũng, hiện nhiều người cũng bắt đầu trở lại nghề nuôi tôm, các ao hồ được mở rộng, một số người còn vay vốn để xoay sở.

Tuy nhiên, dịch bệnh còn phức tạp nên đầu ra cũng gặp khó, tôm không còn được giá như trước. Bên cạnh đó là chất lượng nguồn nước, kỹ thuật… cũng đặt ra nhiều thách thức cho người dân.

Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: Mình về nuôi cá và trồng thêm rau! - 3

Ông Trần Văn Nhiều (70 tuổi) đánh bắt cá mưu sinh sau khi du lịch "đóng băng" do dịch Covid-19. Theo ông Nhiều, được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền nên ông ráng cầm cự đợi du lịch phục hồi.

Loay hoay đan lại tấm lưới đánh cá để chuẩn bị cho chuyến đi biển ngày mai, ông Nguyễn Tuấn (57 tuổi, thôn Thanh Tam, xã Cẩm Thanh, TP Hội An) tâm sự, khi du lịch phát triển rầm rộ, nhất là rừng dừa trở thành điểm du lịch thu hút khách, ông bàn với vợ bán đi chiếc ghe công suất nhỏ để chuyển sang chèo thuyền thúng phục vụ khách. Các con thì xin làm nhân viên cho các khách sạn trong trung tâm thành phố.

"Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, du lịch "đóng băng", cả nhà 5 người thất nghiệp. Tìm việc thời điểm này rất khó, nhất là tụi trẻ, các khu công nghiệp đều cắt giảm nhân công, việc phổ thông thì cạnh tranh rất gay gắt vì nhiều người thất nghiệp", ông Tuấn nói.

Người làm du lịch ở Hội An quay trở lại nghề truyền thống do dịch Covid-19

Ông Tuấn cho hay, giờ có việc để làm đã là may mắn. Mỗi ngày từ 4h chiều ông theo người quen dong thuyền đánh bắt gần bờ, đến rạng sáng thì đưa cá vào bán cho thương lái. Thu nhập cũng tạm ổn để trang trải qua ngày.

Vốn dĩ người dân Cù Lao Chàm (xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An) sinh sống bằng nghề biển. Từ khi du lịch trên đảo phát triển, để đáp ứng nhu cầu phục vụ, người dân chuyển sang đầu tư làm du lịch.

Tuy nhiên, gần 2 năm nay, để tạo ra công ăn việc làm trong thời buổi dịch bệnh, người dân xã đảo lại sửa chữa ngư cụ để vươn khơi đánh bắt.

Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: Mình về nuôi cá và trồng thêm rau! - 4

Ông Phạm Minh Cường (60 tuổi) đã bán chiếc thuyền đánh bắt của mình chuyển qua chèo thuyền thúng, nhưng hiện tại thất nghiệp, ông lại quay về nghề chài lưới mưu sinh.

Anh Nguyễn Văn Huy - chủ 2 tàu du lịch chuyên chở khách tham quan Cù Lao Chàm cho hay: "Mặc dù nghề biển nhọc nhằn, không cho thu nhập cao như làm du lịch, nhưng cũng đủ giúp chúng tôi ổn định đời sống gia đình, hơn nữa giúp phương tiện hoạt động tránh hư hỏng".

Du lịch chờ... vắc xin

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên ngành dịch vụ - du lịch gặp rất nhiều khó khăn. Tổng lượt khách đến Hội An trong 6 tháng đầu năm chỉ đạt 153.400 lượt, tổng lượt khách tham quan đạt 104.872 lượt, doanh thu du lịch chỉ đạt khoảng 107 tỷ đồng.

Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: Mình về nuôi cá và trồng thêm rau! - 5

Ông Tuấn đan lại tấm lưới để chuẩn bị cho chuyến đi biển, theo ông Tuấn công việc này thường dành có người có kinh nghiệm, người trẻ tuổi khó theo kịp.

Đi tìm giải pháp hỗ trợ ngành du lịch mở cửa trở lại, ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng: "Chỉ có vắc xin mới là giải pháp căn cơ để mở cửa và phục hồi ngành du lịch Hội An nói riêng cũng như Quảng Nam nói chung".

Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: Mình về nuôi cá và trồng thêm rau! - 6

Không còn rộn ràng như xưa, khu du lịch Bảy Mẫu quay trở về với thời điểm yên bình trước đại dịch.

Thống kê sơ bộ, tại Hội An có hơn 13 nghìn lao động ngành du lịch, tính cả tỉnh thì con số lao động ngành này khoảng 18 nghìn người. Hiện tỷ lệ lao động ngành du lịch được tiêm vắc xin vẫn còn rất thấp.

Nhân viên du lịch Hội An về làm nông: Mình về nuôi cá và trồng thêm rau! - 7

Người dân xã đảo Tân Hiệp cũng quay trở về nghề đánh bắt cá đợi du lịch phục hồi.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam, việc mở cửa trở lại với du lịch Hội An tùy thuộc rất lớn vào tỷ lệ phủ vắc xin cho lao động ngành du lịch tại đây. Rộng hơn là toàn dân trên địa bàn TP Hội An.

"Nếu từ đây đến khi kết thúc việc thí điểm đón khách ở Phú Quốc mà tỷ lệ tiêm vắc xin ở Hội An đạt mức cao thì sẽ thuận lợi hơn trong việc tính toán mở rộng phạm vi đón khách", ông Thanh Hồng nói.

Được biết, trong Chương trình phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh ban hành, việc ưu tiên tiêm đủ vắc xin phòng dịch Covid-19 cho lao động ngành du lịch cần hoàn thành trong năm 2021.