Bỏ lương nghìn USD ở trời Tây, tiến sĩ về nước dạy dinh dưỡng

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Cầm tấm bằng tiến sĩ từ Thụy Sỹ, TS Lê Ngọc An bỏ lại lời đề nghị làm việc với mức lương nghìn USD mỗi tháng, vội về nước theo đuổi khao khát cống hiến, lan tỏa giá trị theo hướng riêng.

Lập kênh TikTok hút "triệu like"

"Mọi người nhớ ăn uống đầy đủ, uống nhiều nước, tập thể dục thể thao để có sức đề kháng trong thời điểm cúm mùa nhé", trong đoạn clip đăng tải đợt này, TS Lê Ngọc An (35 tuổi, sống tại Hà Nội) chậm rãi giải thích.

Bỏ lương nghìn USD ở trời Tây, tiến sĩ về nước dạy dinh dưỡng - 1

TS Lê Ngọc An cầm bằng tiến sĩ y khoa về nước sau 12 năm học tập tại Thụy Sỹ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đoạn clip nhanh chóng đạt gần nửa triệu lượt xem và hàng chục nghìn lượt tương tác. Vị tiến sĩ còn cẩn thận trả lời từng bình luận, thắc mắc những vấn đề liên quan đến sức khỏe.

"Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được chia sẻ những điều mình biết với cộng đồng, càng vui hơn vì việc đó giúp người Việt có một lối sống khỏe mạnh hơn", TS An nói.

Kênh của TS An thường đăng tải những đoạn clip có nội dung về dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Ông chia sẻ, có nhiều bệnh nhân đã theo dõi kênh từ những ngày vừa thành lập. Có người còn kể đã cẩn thận ghi chép những kiến thức trong các clip được ông đăng tải, rồi tập để thay đổi lối sống, thói quen ăn uống giúp sức khỏe càng ngày tốt hơn.

Bỏ lương nghìn USD ở trời Tây, tiến sĩ về nước dạy dinh dưỡng - 2

TS An khi còn học tập và làm việc tại Thụy Sỹ (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tiến sĩ dược bộc bạch, đó là một trong những động lực khiến ông kiên trì với hành trình chia sẻ kiến thức này.

Vài năm trước, TS Lê Ngọc An vô tình xem được những đoạn clip về sức khỏe và nhận thấy việc làm này có thể mang đến giá trị lớn cho cộng đồng.

"Điều khiến tôi đau đáu nhất, cũng là một sai lầm lớn mà tôi nhận thấy ở người Việt, đặc biệt là trong thời gian gần đây, đó là sự tin tưởng mù quáng vào các thông tin và sản phẩm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các trào lưu phản khoa học trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhiều người không kiểm tra, xác minh thông tin về sản phẩm hoặc chế độ dinh dưỡng mà họ tiếp cận, dẫn đến việc sử dụng thực phẩm, thuốc men không an toàn hoặc không có tác dụng như quảng cáo", TS An cho hay.

Từ một người hiếm khi dùng mạng xã hội, ông bắt đầu tự học cách đăng ký tài khoản, lên ý tưởng, quay và chỉnh sửa clip. Nhiều hôm, hoàn thành việc ở cơ quan lúc đã tối muộn, TS An tiếp tục làm các nội dung sáng tạo đến khuya.

Bỏ lương nghìn USD ở trời Tây, tiến sĩ về nước dạy dinh dưỡng - 3

Mỗi lần "online", TS An lại thấy quyết định trở về Việt Nam là đúng đắn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Thời gian đầu, ông gặp không ít khó khăn khi phải làm quen với công nghệ và học cách để những đoạn clip lan tỏa đến nhiều người. May mắn, chỉ qua vài đoạn clip, TS An nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực.

Từ những đoạn clip chỉ vài chục lượt xem, giờ đây, kênh của TS An đã đạt hơn 370.000 lượt theo dõi và 3,1 triệu lượt thích.

Về nước để cống hiến

TS Lê Ngọc An kể, ngày tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, ông nhận được học bổng và quyết định đi du học để có cơ hội học hỏi sâu hơn về chuyên môn, cập nhật những kiến thức tiên tiến từ các nền tảng học thuật hàng đầu trên thế giới tại châu Âu.

Năm 2020, ông hoàn thành nghiên cứu và nhận bằng tiến sĩ tại Đại học Zurich (Thụy Sĩ). Trong quá trình học tập tại trời Tây, TS An nhận thấy có nhiều kiến thức lần đầu tiên ông được tiếp thu.

"Càng học những thứ mới, tôi càng khao khát ý niệm sao để những thế hệ sau cũng sớm được tiếp cận những kiến thức này, để đóng góp cho xã hội, giúp nâng cao sức khỏe, chất lượng sống của người Việt.

Con người nếu thật sự cố gắng và theo đuổi mong muốn cống hiến cho xã hội thì ở đâu cũng có sẵn cơ hội cho họ", TS An tâm niệm.

Bỏ lương nghìn USD ở trời Tây, tiến sĩ về nước dạy dinh dưỡng - 4

TS Lê Ngọc An và đồng nghiệp mong muốn những kiến thức chia sẻ có thể lan tỏa, có ích cho nhiều người hơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngay khi nhận bằng tiến sĩ, kết thúc 12 năm học tập và nghiên cứu ở Thụy Sỹ, ông nhanh chóng thu xếp, trở về. Mặc cho bạn bè, người thân bất ngờ, khuyên nhủ cũng như những lời mời làm việc tại Thụy Sỹ với mức lương, chế độ phúc lợi cao, TS An vẫn kiên định với nguyện vọng ban đầu của mình.

Ngày đặt chân về Việt Nam, ông lập tức được Đại học Y dược (Đại học Quốc gia TP Hà Nội) mời về làm giảng viên. Thời gian đầu, vị tiến sĩ dược thừa nhận đã khá chật vật để học cách làm quen lại môi trường làm việc và cách thức tổ chức công việc trong cơ quan nhà nước.

Mặc dù đã được học và nghiên cứu trong một môi trường rất chuyên nghiệp ở Thụy Sĩ, nhưng việc áp dụng những điều học được vào bối cảnh tại Việt Nam đòi hỏi ông phải linh hoạt và sáng tạo hơn.

Bỏ lương nghìn USD ở trời Tây, tiến sĩ về nước dạy dinh dưỡng - 5

Những sinh viên ham học hỏi là động lực để TS An cống hiến cho giáo dục nước nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Công việc giảng dạy và nghiên cứu mang lại cho tôi nguồn thu nhập ổn định. Tuy mức thu nhập đó không quá cao so với một số ngành nghề khác, nhưng đủ để tôi trang trải cuộc sống cá nhân và duy trì những kế hoạch phát triển nghề nghiệp.

Hơn nữa, công việc hiện tại mang lại nhiều giá trị tinh thần, khi tôi được đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và sự phát triển khoa học tại Việt Nam", TS An chia sẻ.

Trong quá trình giảng dạy, ông An cảm nhận hạnh phúc từ tâm. Bởi hằng ngày, ông được tiếp xúc với nhiều đồng nghiệp giỏi. Lớp sinh viên ham học hỏi cũng khiến vị tiến sĩ thấy lại hình ảnh trước đây của mình.

"Chính những khoảnh khắc như vậy giúp tôi hiểu, việc từ bỏ cuộc sống, cơ hội có thu nhập cao ở nước ngoài để về Việt Nam giảng dạy là một lựa chọn hoàn toàn đúng đắn. Bởi việc đó không chỉ mang lại sự phát triển cá nhân mà còn đóng góp vào sự nghiệp giáo dục và phát triển khoa học tại Việt Nam", TS An nhấn mạnh.