Bộ LĐ-TB&XH trả lời đề nghị tăng giờ làm thêm
Gửi ý kiến đến kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, cử tri TP. Hồ Chí Minh đề nghị xem xét lại quy định giờ làm thêm cho công nhân ngành nhựa, việc làm ngoài giờ hay trong giờ nên có thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Cũng theo ý kiến cử tri, hiện nay nhiều công nhân muốn làm 12 giờ/ngày để tăng mức thu nhập, bởi việc áp dụng công nghệ tự động khiến công nhân không phải mất nhiều sức lao động khi làm thêm giờ.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Khoản 2, Điều 106 Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện:
- Được sự đồng ý của người lao động.
- Thời giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày, trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; tổng số giờ làm thêm không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.
Thỏa thuận là nguyên tắc đã được quy định trong Bộ luật Lao động. Theo quy định của Bộ luật Lao động thì hợp đồng lao động (trong đó có nội dung về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi) là sự thỏa thuận dựa trên các nguyên tắc như tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực, tự do giao kết nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Việc xây dựng các quy định của pháp luật về thời giờ làm thêm cần được xem xét kỹ lưỡng trên nhiều mặt như cơ sở khoa học, thực tiễn liên quan đến sức khỏe người lao động, tuổi thọ lao động, sự nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe người lao động, phòng tránh tai nạn do kéo dài giờ làm việc, các vấn đề xã hội, cân bằng công việc cuộc sống (chăm sóc con cái, việc nhà), tỷ lệ thất nghiệp của quốc gia, năng suất hoặc hiệu suất công việc, luật pháp quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên ký kết, gia nhập…
Ngoài ra, để tránh được hàng rào thương mại, thuế chống bán phá giá và vấn đề lao động cưỡng bức khi hội nhập quốc tế, cần tránh được lý do tăng giờ làm thêm để tăng thu nhập đủ sống khi xây dựng các quy định về thời giờ làm thêm.
Về tăng số giờ làm thêm cho công nhân ngành nhựa, kế thừa Bộ luật Lao động 1994, Bộ luật Lao động 2012 quy định giới hạn giờ làm thêm không quá 200 giờ trong 1 năm, trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì không quá 300 giờ trong 1 năm.
Trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động năm 2012, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đề xuất phương án nâng giới hạn giờ làm thêm nhưng không được Quốc hội chấp thuận.
Do việc quyết định số giờ làm thêm tại Bộ luật Lao động thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của Quốc hội, nên trước mắt phải thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành về giới hạn giờ làm thêm.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất phương án tăng giờ làm thêm trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và đang nghiên cứu, đánh giá thêm về cơ sở khoa học, thực tiễn về sức khỏe, việc làm, cân bằng công việc và cuộc sống... nhằm đạt được sự đồng thuận cao của xã hội trình Chính phủ trình Quốc hội quyết định.
Theo Chinhphu.vn