Tăng giờ làm thêm: Cả hai phương án đều khó chấp nhận
Trước thông tin Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến về vấn đề tăng giờ làm thêm tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - cho rằng, cả hai phương án tăng giờ làm mà bộ này đưa ra đều khó chấp nhận đối với người lao động.
Hai phương án đề xuất của Bộ LĐTBXH gồm: 1. Số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ. Tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của NLĐ không được vượt quá 600 giờ trong một năm; 2. Số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của NLĐ không quá 12 giờ trong một ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.
Ông Lê Đình Quảng cho rằng, không thể nói thời giờ làm thêm tối đa của NLĐ VN hiện ở mức thấp trong khu vực. Việc tăng thời giờ làm thêm phải tính toán gắn với thời giờ làm việc. Trong khi đó, thời giờ làm việc ở VN rất cao (48 giờ/tuần), cộng thêm với thời giờ làm thêm được phép tối đa theo quy định cũ (300 giờ/năm) thì tổng quỹ thời gian làm việc của NLĐ lên đến 2.620 giờ/năm.
Trong khi đó, các DN ở Indonesia được phép huy động NLĐ làm thêm tới 728 giờ/năm, nhưng họ chỉ làm việc 40 giờ/tuần. Cộng cả thời gian làm việc tối đa và làm thêm tối đa thì quỹ thời gian làm việc của NLĐ Indonesia là 2.608 giờ/năm (thấp hơn ở VN 12 giờ); tương tự, ở Hàn Quốc quy định số giờ làm thêm là 624 giờ/năm, còn ở Trung Quốc là 432 giờ/năm, nhưng cộng cả giờ làm chính thức và giờ làm thêm tối đa theo quy định thì quỹ thời gian làm việc của NLĐ ở các nước này đều thấp hơn ở VN với các con số lần lượt là 2.446 giờ/năm và 2.288 giờ/năm.
Như vậy, có thể nói thực chất, quỹ thời gian làm việc của NLĐ VN đang ở mức cao. Nếu bây giờ thực hiện tăng thời gian làm thêm theo phương án thứ nhất của Bộ LĐTBXH thì NLĐ Việt Nam có thời gian làm việc cao nhất khu vực, còn nếu thực hiện phương án 2 thì có lẽ cao nhất thế giới. Điều này đi ngược với xu thế phát triển chung của đất nước và thế giới.
Bên cạnh đó, thời giờ làm thêm phải tính toán làm sao để đảm bảo sức khỏe cho NLĐ - tố chất thể lực của người Việt không cao, môi trường làm việc lại chưa phải là tốt.
Giờ làm thêm còn liên quan với TNLĐ: Tất cả mọi người đều thừa nhận khả năng xảy ra TNLĐ trong thời gian làm thêm giờ cao hơn rất nhiều so với thời gian làm việc chính thức. Vì thế phải cân nhắc, cân đối để đưa ra mức nào đó để vừa giải quyết được những khó khăn của DN nhưng vừa đảm bảo được quyền lợi cũng như sức khỏe của NLĐ.
Vậy, theo ông, mức tăng bao nhiêu là hợp lý?
- Tôi nhất trí với ý kiến của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Mai Đức Chính - thành viên Ban soạn thảo (Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật LĐ năm 2012 - PV) - rằng, với vai trò là cơ quan đại diện cho NLĐ, chúng ta có thể xem xét để tăng số giờ làm thêm tối đa theo năm, từ “không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ” như hiện nay, lên “không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”.
Tuy nhiên, cũng cần quy định rõ trường hợp nào là đặc biệt, bởi hiện nay theo Nghị định 45/2013/NĐ-CP (Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật LĐ về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ATLĐ, VSLĐ), những trường hợp đặc biệt được áp dụng cho phạm vi ngành nghề rất rộng.
Bên cạnh đó, để đảm bảo cho DN giải quyết những khó khăn thời vụ, chúng ta cũng đề xuất bỏ giới hạn làm thêm giờ trong tháng (hiện nay quy định là không quá 30 giờ/tháng - PV). Tăng giờ làm thêm phải với tinh thần đúng theo ý nghĩa của nó là giải quyết những công việc thực sự cần thiết, cấp bách, trong điều kiện DN chưa tuyển thêm được LĐ - chứ không phải như hiện nay, một số DN đang lợi dụng quy định của pháp luật để bóc lột NLĐ.
Một trong những lý do được Bộ LĐTBXH đưa ra để tăng thời giờ làm thêm là đáp ứng yêu cầu một bộ phận không nhỏ NLĐ muốn làm thêm giờ để tăng thu nhập. Ý kiến của ông về vấn đề này?
- Đó là vì tiền lương tối thiểu của NLĐ còn quá thấp nên người ta vẫn muốn làm thêm để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta không thể dựa vào đó để “bần cùng hóa” NLĐ bằng cách “tạo điều kiện” cho họ làm thêm, mà phải tìm cách dần dần cải thiện, nâng tiền lương tối thiểu bằng mức sống tối thiểu.
Chính vì thế, để giải quyết khó khăn và bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, đi đôi với việc đề xuất tăng thời giờ làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm thì Phó Chủ tịch Mai Đức Chính cũng cho rằng phải đảm bảo tiền lương của NLĐ phải được trả theo lũy tiến. Cụ thể: Làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201 đến 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%. Nếu không được tính lũy tiến thì sẽ không tăng thời giờ làm thêm.
- Xin cảm ơn ông!
Chị Nguyễn Thị Chinh - CN Cty May Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh): Hằng ngày tôi làm đến 17h15. Tôi không muốn làm thêm bởi tôi không có thời gian, cũng như sức khỏe không đảm bảo. Hiện nay thu nhập của tôi là 4 triệu đồng/tháng, tuy không cao, nhưng tôi sống ở huyện Tiên Du, lại chưa có gia đình nên mỗi tháng tôi vẫn dành dụm được từ 1-2 triệu đồng. QUẾ CHI ghi
Chị Văn Thị Yến - Bộ phận Thiết kế Cty TNHH MTV Đông Xuân: Tôi nghĩ, làm thêm mức độ vừa phải mà vẫn đảm bảo sức khỏe và có thêm thu nhập thì sẽ có những CN muốn làm thêm. Thu nhập của tôi khoảng 5 triệu đồng thì chi tiêu vẫn rất eo hẹp. Tuy vậy, do đã đi làm suốt ngày rồi, nên ngoài giờ làm việc ở Cty, tôi muốn về nhà, chợ búa lo cơm nước cho gia đình, chăm sóc và chơi với con. Đó cũng là niềm vui, là khoảng thời gian thoải mái để tôi tái tạo sức LĐ. X.TRƯỜNG ghi
Chị Nguyễn Thị Kim Quyên - CN Cty CP Thủy đặc sản (TCty Thủy sản VN): Tôi và chồng tôi cùng làm chung Cty, thu nhập của tôi trên 6 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi có 1 bé trai 2 tuổi, nhà tôi cách nơi làm việc khoảng chừng 15km. Với mức thu nhập của hai vợ chồng khoảng 12 triệu đồng/tháng nên chúng tôi cũng muốn làm thêm 1-2 giờ để đảm bảo được sức khỏe và có thêm thu nhập. Tuy nhiên, không phải ngày nào cũng làm thêm vì tiền làm thêm mỗi tháng của tôi cũng chỉ vài trăm ngàn đồng. Chúng tôi vẫn muốn có thời gian chăm sóc con cái, nghỉ ngơi, tụ họp gia đình. XUÂN TRƯỜNG ghi
Theo Báo Lao động