Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn lập kế hoạch phòng chống đuối nước
(Dân trí) - Từ 29-30/7, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Quỹ Bloomberg, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ đã tập huấn lập kế hoạch và triển khai các can thiệp hiệu quả trong phòng chống đuối nước trẻ em.
Lớp tập huấn được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của các học viện là đại diện cán bộ ngành LĐ-TB&XH đến từ 18 tỉnh phía Bắc.
Phát biểu khai mạc, bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết: “Lớp tập huấn là cơ hội để các học viên tiếp cận phương pháp lập kế hoạch và triển khai các can thiệp hiệu quả trong phòng chống đuối nước trẻ em tại địa phương”.
Học viên dự lớp tập huấn đã được hướng dẫn các nội dung chính của giám sát đảm bảo an toàn cho trẻ em dưới 5 tuổi phòng chống đuối nước; các mô hình hay tại cộng đồng và việc lồng ghép trong mô hình ngôi nhà an toàn; các nguyên tắc đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy và phòng tránh đuối nước tại gia đình, cộng đồng…
Trước đó, Quỹ từ thiện Bloomberg (Mỹ) đã lựa chọn Việt Nam triển khai chương trình hợp tác kéo dài 5 năm về phòng, chống đuối nước cho trẻ em bắt đầu từ tháng 6/2018, với khoản hỗ trợ trị giá 2,4 triệu USD trong 2 năm đầu.
Trong khuôn khổ chương trình, các lớp dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước đã được tổ chức. Lần đầu tiên, các tiêu chuẩn bơi an toàn theo kinh nghiệm thực hành tốt từ Tổ chức Y tế Thế giới và góp ý của các chuyên gia hàng đầu thế giới về bơi an toàn, kinh nghiệm tham khảo từ các tổ chức liên quan tại Việt Nam, đã được áp dụng trong đào tạo và tập huấn.
Theo Bộ LĐ-TB&XH, những năm qua, với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ, tình hình đuối nước và tử vong do đuối nước ở trẻ em đã giảm.
Trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2010-2013 có khoảng 2.800 trẻ em tử vong do đuối nước thì đến giai đoạn 2015-2017, số vụ đuối nước và số trẻ em tử vong do đuối nước đã có xu hướng giảm. Mỗi năm hiện còn khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước.
Mặc dù tỷ lệ tử vong do đuối nước đã giảm nhưng giảm chậm và tỷ lệ tử vong còn ở mức cao và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em. Theo tính toán, tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao. Điều này đã ảnh hưởng đến quyền của trẻ em, đặc biệt là quyền sống còn của trẻ.