Bộ LĐ-TB&XH: Giảm tình trạng phí cao, bỏ hợp đồng khi tham gia XKLĐ tại Đài Loan

(Dân trí) - Trong 2 năm qua, nhu cầu tuyển lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, Hàn quốc tăng mạnh, khiến nguồn cung lao động cho thị trường Đài Loan dần khan hiếm. Do vậy, chi phí đi XKLĐ Đài Loan hiện từ 1.500 -5.000 USD/hợp đồng 3 năm (chưa gồm tiền ký quỹ) tùy từng ngành nghề.

Trong phần 1, Dân trí đã nêu ra những nhận định của Bộ LĐ-TB&XH về tình trạng người lao động VN phải nộp phí cao và bỏ hợp đồng khi tham gia XKLĐ tại thị trường Đài Loan. Phần tiếp sau, Dân trí xin nêu tiếp những giải pháp của Bộ LĐ-TB&XH nhằm chấn chỉnh tình trạng này.

Bộ LĐ-TB&XH: Giảm tình trạng phí cao, bỏ hợp đồng khi tham gia XKLĐ tại Đài Loan - 1

Phần 2: Xây dựng 5 nhóm giải pháp

Theo Bộ LĐ-TB&XH, nhằm từng bước giảm chi phí của người lao động và khắc phục tình trạng lao động bỏ hợp đồng, từ năm 2012 đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động đưa lao động sang Đài Loan.

Cụ thể, thông báo cụ thể và công khai các khoản phí theo quy định của pháp luật; yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại Đài Loan thu gọn đầu mối, giảm thiểu khâu trung gian; cử cán bộ doanh nghiệp thường trú tại Đài Loan để phối hợp với công ty dịch vụ việc làm quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức giám sát, kiểm tra công tác tuyển chọn và đào tạo lao động trước khi xuất cảnh của các doanh nghiệp; Yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo danh sách người lao động dự kiến xuất cảnh trước khi tiến hành xin visa cho lao động; yêu cầu các doanh nghiệp hai bên có nhiều khiếu nại của người lao động tạm dừng và tiếp nhận lao động mới để tập trung xử lý các vụ việc phát sinh…

Trong thời gian tới, Bộ LĐ-TBXH sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1401/VPCP-HTQT ngày 7/7/2016 và thực hiện các giải pháp ổn định, phát triển thị trường lao động Đài Loan, tập trung chủ yếu vào việc khắc phục giải quyết 2 tồn tại về thu phí cao và bỏ hợp đồng như sau:

Công tác thanh, kiểm tra tập trung vào các doanh nghiệp có nhiều vụ việc khiếu nại, chậm trễ giải quyết khiếu nại và phát sinh của người lao động, quá trình giám sát phát hiện có dấu hiệu vi phạm về tuyển chọn, đào tạo, thu phí…;tăng cường hoạt động kiểm tra đột xuất nhằm gia tăng hiệu quả giám sát.

Rà soát các nội dung điều hành thị trường của Bộ trong những năm qua, chọn lựa, đề xuất các nội dung quản lý thị trường, giám sát doanh nghiệp, các tiêu chuẩn tham gia thị trường và điều kiện hợp đồng để đưa vào Thông tư của Bộ, nhằm minh bạch và đảm bảo các hoạt động quản lý, điều hành phù hợp với quy định của phát luật

Tiếp tục thực hiện các biện pháp quyết liệt để giám sát công tác tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh đối với người lao động, công tác quản lý và giải quyết phát sinh của lao động tại Đài Loan và việc tuân thủ quy định pháp luật hiện hành trong hoạt động thu phí và giải quyết khiếu nại về chi phí của doanh nghiệp đối với người lao động.

Xây dựng tiêu chí tính tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng của doanh nghiệp tại Đài Loan, áp dụng biện pháp tạm dừng đưa lao động sang Đài Loan đối với các doanh nghiệp có tỉ lệ lao động bỏ hợp đồng cao.

Cùng với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn nêu trên và nguồn cung lao động cho thị trường lao động Đài Loan giảm, nên chi phí của người lao động đã giảm xuống hơn so với trước đây.

Hoàng Mạnh tổng hợp