Lao động Việt Nam bị thu phí cao và bỏ hợp đồng tại Đài Loan?

(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình trạng thu phí cao với lao động đi xuất khẩu lao động Đài Loan, nhiều nội dung liên quan đã được làm rõ như: Lý do thu phí cao, tình hình bỏ trốn của lao động Việt Nam, giải pháp khắc phục tình hình…

Phần 1: Nhận diện những tồn tại

Theo Bộ LĐ-TBXH (molisa.gov.vn), pháp luật Việt Nam cho phép các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam được thu của người lao động các khoản sau: Tiền dịch vụ, tiền môi giới, tiền đào tạo, tiền ký quỹ bảo đảm hợp đồng.

Ngoài ra, người lao động phải tự chi trả lệ phí cấp hộ chiếu, visa, vé máy bay (một chiều), khám sức khỏe, lý lịch tư pháp, đóng góp Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Theo quy định trên, tổng chí phí người lao động phải chi bao gồm cả tiền ký quỹ theo ngành nghề, gồm: Lao động làm việc trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, xấp xỉ 5.000 USD/hợp đồng 3 năm; lao động làm việc trong bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già, người tàn tật, xấp xỉ 4.100 USD/hợp đồng 3 năm; Lao động chăm sóc người già, người bệnh trong gia đình là 2.800 USD/hợp đồng 3 năm; lao động thuyền viên tàu cá là 2.500 USD/hợp đồng 3 năm.


Lao động VN làm thủ tục xuất cảnh sang Đài Loan.

Lao động VN làm thủ tục xuất cảnh sang Đài Loan.

Các mức phí nêu trên là mức người lao động chấp nhận được và có tích lũy ở mức khá sau khi hoàn thành hợp đồng về nước.

Tuy nhiên, trong những năm qua, tình trạng người lao động bị thu phí mức cao hơn quy định diễn ra tương đối phổ biến. Đặc biệt xuất hiện ngay từ giai đoạn đầu đưa lao động Việt Nam sang Đài Loan do doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh để giành thị phần từ các nước đã đưa lao động vào Đài Loan trước đó.

Thời điểm trước năm 2012, nhiều người lao động bị thu đến 6.000 USD, thậm chí có trường hợp trên 6.000 USD.

Nguyên nhân lao động bị thu phí cao

Giải thích về vấn đề này, Bộ LĐ-TBXH cho biết 4 nguyên nhân.

Thứ nhất, luật pháp Đài Loan không cho phép công ty dịch vụ việc làm Đài Loan thu phí môi giới.

Nhưng do cạnh tranh giữa các công ty này để được chủ sử dụng ủy quyền tiếp nhận lao động nước ngoài dẫn đến việc các công ty dịch vụ phía Đài Loan thường yêu cầu một khoản phí môi giới rất cao mới tiếp nhận lao động đối với tất cả các nước: Lao động Phi-líp-pin, Thái Lan: 1.000-2.000 USD, In-đô-nê-xia 2.000 -3000 USD, Việt Nam: 3.000 – 4.000 đối với lao động làm việc trong nhà máy.

Do vậy, phần lớn chi phí của người lao động rơi vào tay các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan.

Thứ hai, mức phí môi giới yêu cầu đối với lao động Việt Nam thường cao hơn so với lao động của nước khác. Theo giải thích của các công ty dịch vụ việc làm của Đài Loan, do trình độ và ý thức của lao động Việt Nam kém hơn lao động các nước khác, tỉ lệ lao động phá bỏ hợp đồng cao mang lại nhiều rủi ro.

Do đó, bên sử dụng lao động, việc tuân thủ nội quy làm việc và ý thức trong sinh hoạt chưa tốt dẫn đến chi phí quản lý lao động Việt Nam tốn kém hơn. Nhiều nhà máy tại Đài Loan tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài vào làm việc với chi phí xuất cảnh thấp thường không chọn lao động Việt Nam một phần vì trình độ tay nghề không đáp ứng, nhưng phần nhiều vì quản lý phức tạp và chi phí quản lý cao hơn.

Ba là việc cạnh tranh với các nước cùng đưa lao động vào Đài Loan để lấy thị phần, đồng thời nội bộ các doanh nghiệp XKLĐ của Việt Nam cũng cạnh tranh không lành mạnh, chấp nhận trả mức phí môi giới cao hơn các công ty khác để tranh giành hợp đồng, đẩy gánh nặng tài chính cho người lao động

Bốn là do nhu cầu đi làm việc tại Đài Loan của lao động Việt Nam cao, nên nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng xuất khẩu lao động cũng thực hiện các hoạt động cò mồi, môi giới, lừa đảo, thu tiền của người lao động.

Lao động Việt Nam bỏ hợp đồng tại Đài Loan

Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐ-TBXH cho biết, hiện nay xấp xỉ 25.900 lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại Đài Loan, chiếm 48,5% tổng số lao động nước ngoài bỏ hợp đồng và chiếm 14% số lao động lao động Việt Nam đang làm việc tại Đài Loan.

Tình trạng lao động Việt Nam bỏ hợp đồng do 5 nguyên nhân chính sau:

Một là một bộ phận không nhỏ lao động có ý thức tuân thủ pháp luật kém, manh động, dễ bị rủ rê lôi kéo ra ngoài làm việc bất hợp pháp để được sinh hoạt tự do; hoặc khi phát sinh khúc mắc trong quan hệ nơi làm việc cũng có thể gây tâm lý chán nản, muốn bỏ việc tìm môi trường khác; hoặc khi làm việc, thu nhập không ổn định, người lao động có tâm lý muốn bỏ hợp đồng, tìm việc làm có thu nhập tốt hơn để mau chóng thu lại khoản chi phí trước xuất cảnh.

Hai là công tác tuyển chọn lao động chưa tốt, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi xuất cảnh chưa đảm bảo cả về thời lượng và chất lượng.

Một số trường hợp doanh nghiệp chưa thông tin đầy đủ, minh bạch về hợp đồng làm việc tại Đài Loan; trong khi phần lớn người lao động có tâm lý nôn nao, muốn xuất cảnh sớm nên không muốn tham gia đầy dủ chương trình đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi, không quan tâm đến nội dung hợp đồng nên khi sang đến nơi muốn chuyển việc hoặc bỏ hợp đồng.

Ba là, mặc dù trách nhiệm quản lý và hỗ trợ người lao động trong thời gian làm việc tại Đài Loan thuộc về các công ty dịch vụ việc làm Đài Loan, nhưng một số công ty dịch vụ Đài Loan thiếu quan tâm khúc mắc của người lao động, hỗ trợ không kịp thời người lao động khi họ cần. Sự phối hợp của một số doanh nghiệp Việt Nam với đối tác Đài Loan để chăm sóc, hỗ trợ lao động cũng chưa tốt.

Bốn là do thu nhập của người lao động làm việc tại Đài Loan cao hơn nhiều thu nhập người lao động trong nước, khả năng tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn, nên khi sắp hết hạn phải về nước, người lao động bỏ ra ngoài tìm việc bất hợp pháp để thêm thu nhập.

Năm là cộng đồng người Việt Nam sang kết hôn với người Đài Loan và học tập tại Đài Loan đông đảo, trong đó có người đã tham gia lôi kéo, giới thiệu cho người lao động ta ra ngoài làm việc bất hợp pháp.

Mặt khác, ngoại hình và văn hóa của người Việt và người Đài Loan có nhiều điểm tương đồng nên lao động bỏ trốn của ta dễ trà trộn vào cộng đồng để cư trú và làm việc bất hợp pháp.

Sáu là phía Đài Loan chưa thực hiện các biện pháp đủ mạnh để giảm tình trạng chủ sử dụng phi pháp sử dụng lao động bỏ hợp đồng vào làm việc.

Phần 2: Những giải pháp chấn chỉnh (còn tiếp)

Hoàng Mạnh tổng hợp