1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bộ đã có đề xuất giảm đóng 2 quỹ bảo hiểm cho DN

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giải đáp một số kiến nghị của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, Hiệp hội Thủy sản liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng, khám sức khỏe cho người lao động, tỷ lệ đóng quỹ bảo hiểm, huấn luyện an toàn lao động…

Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề nghị bổ sung quy định "Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày liên tục không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động", đề xuất sửa đổi Điều 152 Bộ luật Lao động năm 2012 theo hướng quy định thời gian khám sức khỏe định kỳ 1 năm 1 lần. Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Nhà nước nghiên cứu giảm tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm như mức trước năm 2010.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời: Khoản 3, Điều 126 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định, trong trường hợp người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày trong 1 năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Trường hợp người lao động tự ý bỏ việc không có lý do chính đáng mà không quay lại doanh nghiệp làm việc chưa được pháp luật lao động quy định.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề này, sẽ nghiên cứu để có đề xuất phù hợp đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Liên quan đến thời gian khám sức khỏe, Bộ cũng sẽ nghiên cứu để có đề xuất phù hợp đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Y tế. Ngoài ra, sẽ đề xuất việc khám bệnh nghề nghiệp dựa trên yếu tố tiền sử tiếp xúc nghề nghiệp mà không cần dựa vào điều kiện phải có kết quả quan trắc môi trường lao động.

Về tỷ lệ đóng các khoản bảo hiểm, thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành đánh giá tỷ lệ đóng - hưởng của các quỹ BHXH, quỹ BHTN.

Trên cơ sở kết quả đánh giá tỷ lệ đóng - hưởng và thực trạng khả năng cân đối của các quỹ, để bảo đảm lợi ích hài hòa của người lao động, người sử dụng lao động, ngày 28/10/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4295/LĐTBXH-BHXH báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ về đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Huấn luyện an toàn lao động là cần thiết

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản kiến nghị về Điều 17, Điều 19 Nghị định 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời: Đối với kiến nghị về công việc có liên quan đến thiết bị điện thuộc nội dung mục số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH , nội dung nguyên văn của mục số 16 là "Các công việc làm về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện; thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống điện".

Như vậy, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động là người lao động làm các công việc về thi công, lắp đặt, vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị điện mà không bao gồm những người sử dụng và tiếp xúc với các thiết bị điện thông thường (như nhân viên văn phòng tiếp xúc với máy vi tính). Đây là những công việc có yêu cầu cao về công tác an toàn vệ sinh lao động, nên việc huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động là hoàn toàn cần thiết.

Thông tư số 13/2016/TT-BLĐTBXH chỉ quy định danh mục các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động. Các loại máy, thiết bị cần xác định về hiệu suất cũng đã được ban hành tại Phụ lục I kèm theo Nghị định số 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ.

Về thời lượng thời gian huấn luyện đối với nhóm 3, "Người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là người làm công việc thuộc Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành" (Khoản 3 Điều 17 Nghị định 44/2016/NĐ-CP) là nhóm đối tượng gặp nguy cơ về mất an toàn lao động nhiều nhất.

Do đó, yêu cầu thời lượng thời gian huấn luyện là 24 giờ như quy định mới bảo đảm cung cấp cho người lao động những kiến thức, kỹ năng cần thiết về an toàn lao động (so sánh cho thấy thời lượng huấn luyện như quy định vẫn thấp hơn só với bình quân của thế giới).

Về thời lượng huấn luyện đối với nhóm 5, theo quy định tại Nghị định số 44/2016/NĐ-CP thì tổng thời gian huấn luyện ít nhất là 56 giờ (bao gồm cả thời gian kiểm tra), trong đó huấn luyện chuyên môn về an toàn vệ sinh lao động chỉ chiếm 16 giờ, còn lại 40 giờ dành cho thời gian huấn luyện chuyên môn về y tế lao động để huấn luyện nghiệp vụ về y tế lao động cho cán bộ y tế làm việc tại doanh nghiệp nhằm giúp thực hiện tốt công việc quản lý y tế lao động và bệnh nghề nghiệp. Đây là nội dung tương đối mới được quy định trong Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 và các Nghị định có liên quan.

Bên cạnh đó, những cán bộ y tế đã được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động thì chỉ cần huấn luyện bổ sung chuyên môn về y tế lao động.

Về thời lượng huấn luyện đối với nhóm 6, đối tượng nhóm 6 là các An toàn, vệ sinh viên, là những người lao động am hiểu, gương mẫu trong việc chấp hành các quy định về an toàn vệ sinh lao động và được người lao động trong các tổ bầu ra, có ảnh hưởng tích cực đến việc chấp hành quy định an toàn vệ sinh lao động của các cá nhân khác trong tổ. Do đó, ngoài nội dung huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định thì còn được huấn luyện bổ sung về kỹ năng và phương pháp hoạt động của an toàn, vệ sinh viên với thời lượng là 4 giờ.

Đề nghị thoái thu tiền BHXH đã đóng là không phù hợp

Hiệp hội Thủy sản kiến nghị: "Tất cả lao động phổ thông khi vào làm việc cho doanh nghiệp thời gian ổn định đủ 3 tháng thì chủ doanh nghiệp phải tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động hoặc quy định cơ quan BHXH phải chi trả số tiền mà doanh nghiệp đã đóng 32,5% đối với các lao động nghỉ việc dưới 3 tháng để doanh nghiệp lấy lao động khác vào thực hiện tiếp theo quy định".

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời: Theo quy định của Luật BHXH thì người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Việc đăng ký tham gia và đóng BHXH bắt buộc đối với người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc là trách nhiệm của người lao động và người sử dụng lao động.

Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động tại thời điểm nào (kể cả trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động) thì thực hiện dừng đóng BHXH và chốt sổ BHXH, ghi nhận thời gian đóng BHXH đến thời điểm đó.

Việc kiến nghị Chính phủ quy định cho thoái thu số tiền đã đóng BHXH bắt buộc trong trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong vòng 3 tháng kể từ ngày bắt đầu làm việc là không phù hợp với quy định của Luật BHXH.

Theo Chinhphu.vn