Bỏ biên chế suốt đời

Những ngày gần đây, dư luận lại rộ lên chuyện dư thừa lãnh đạo cấp phó ở nhiều địa phương và chuyện khó khăn trong tinh giản biên chế khi bộ máy hành chính tiếp tục cồng kềnh mà hiệu quả không như kỳ vọng.


Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Đến nay, cả nước có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CB-CC), viên chức. Cộng cả người nghỉ hưu, hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước.

Sẽ khó xây dựng được một bộ máy hành chính mạnh mà không có đội ngũ CB-CC có năng lực và mẫn cán, hết lòng thực thi đạo đức công vụ. Song, chất lượng đội ngũ CB-CC của chúng ta chưa cải thiện nhiều lại là một gánh nặng trong khi nguồn ngân sách không thể mãi bao biện.

Do đó, cần những giải pháp căn cơ và mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện bằng tư duy, hành động. Trong đó, cần loại bỏ tư duy biên chế suốt đời và tiến hành sớm nhất việc cải cách tiền lương của hệ thống ăn theo ngân sách.

Qua những thống kê của nhiều nguồn, con số khá xác tín là 30% CB-CC không làm được việc. Thế nhưng, cho dù lương thực tế không tăng thì nhiều CB-CC vẫn sống được, một bộ phận CB-CC sống “khỏe”. Một cuộc điều tra trước đây của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho thấy lương của nhóm công chức hành chính chỉ chiếm 25% - 30% thu nhập, trong khi mức sống của CB-CC có ngạch, bậc thấp nhất phải ở mức trên trung bình của xã hội.

Chưa kể các chế độ bao cấp bằng hiện vật khác trong chính sách tiền lương như: phụ cấp trách nhiệm, xe công, điện thoại, nhà công vụ... Việc không được luật hóa và nhập nhèm khiến người được hưởng lương và người không được hưởng đều thấy không công bằng nhưng nhà nước vẫn tốn kém rất lớn.

Trong khi ở TP HCM, một cơ quan sự nghiệp cứ than thở rất thiếu cán sự, chuyên viên vì lương thấp, tổng thu nhập chưa đến 4 triệu đồng/tháng, nhiều người vào làm một thời gian rồi phải nghỉ tìm chỗ làm khác thì ở các tỉnh phía Bắc, vào được ngành này, dù là cơ quan cấp huyện, cũng là ước mơ của không ít người và họ tìm đủ mọi cách để vào làm việc.

Bởi tư duy được bảo đảm một chỗ làm suốt đời, một địa vị xã hội và nguồn thu nhập (có thể lương không cao nhưng sẽ có nguồn đắp đổi) để sống được dễ chịu hơn “thường dân”. Còn với những ngành nghề gần với các hoạt động kinh tế - thương mại - dịch vụ thì CB-CC có thu nhập cao hơn rất nhiều mặt bằng lương xã hội và phát sinh tình trạng phổ biến là chân trong chân ngoài, biếu xén, xin - cho, ăn chia, nhũng nhiễu...

Có bổng lộc mới sống nổi nhưng đánh mất chính mình với người này và triệt tiêu động lực phấn đấu của người khác, tạo ra tình trạng chảy máu chất xám khi người có năng lực bỏ đi nơi khác làm việc.

Do đó, để nâng chất CB-CC thì phải loại bỏ tình trạng biên chế suốt đời. Một số cơ quan, ban ngành đã mạnh dạn chuyển qua chế độ hợp đồng lao động, chuẩn hóa các vị trí; đồng thời bớt các phần việc ôm đồm mà chuyển sang làm dịch vụ công. Về cải cách tiền lương, phải cải cách từ tư duy, xem tiền lương là khoản đầu tư xã hội hơn là khoản chi ngân sách, tiến tới tách tiền lương CB-CC ra khỏi ngân sách.

Chuyện cấp bách hôm nay là cần một quyết tâm chính trị thực sự đi đôi với cam kết mạnh mẽ thay vì nói mãi về thực trạng và phó mặc cho biên chế cứ phình to.

Theo Nguyễn Thiên Di/Báo Người lao động