Người lao động cần chuẩn bị những gì khi thị trường "hồi sinh"?

Quang Phong

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, khi tỉnh thành chuyển sang trạng thái "bình thường mới", thị trường lao động dần phục hồi. Cùng đó, doanh nghiệp sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi người lao động phải nâng cao năng lực...

Tại cuộc tọa đàm "Giải pháp gỡ khó cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19" do báo Dân trí tổ chức, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, Luật sư Phạm Thị Thu Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Loan Giám đốc Nhân sự - Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel đã trả lời nhiều băn khoăn của bạn đọc.

Thị trường khôi phục dần nhưng vẫn đối diện nhiều khó khăn

Trước băn khoăn của bạn đọc về thị trường lao động phải đối diện trong bối cảnh dịch bệnh là gì, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội - cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, thị trường lao động Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề do sự bùng phát lần thứ 3 và thứ 4 của đại dịch Covid-19.

"Tình hình lao động việc làm quý II cho thấy thị trường lao động chưa thấy dấu hiệu khả quan, với số người có việc làm giảm so với quý trước, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng so với quý trước. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức tăng so với cùng kỳ năm trước", ông Thành thông tin.

Người lao động cần chuẩn bị những gì khi thị trường hồi sinh? - 1

Nhiều cơ hội việc làm khi các tỉnh thành chuyển sang trạng thái "bình thương mới" (Ảnh: Xuân Sinh).

Theo ông Thành, không nằm ngoài tác động trên, thị trường lao động tại Hà Nội cũng chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo quan sát của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội, riêng tại Hà Nội, thị trường lao động phải đối diện với nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất từ đầu năm đến nay. Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động dưới 20 - 30% công suất. Chi phí sản xuất tăng cao trong khi việc cung ứng hàng hóa gặp nhiều hạn chế.

Người lao động có việc làm ở Hà Nội tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ rất cao phải nghỉ việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập, không đảm bảo điều kiện làm việc… Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tiếp tục gia tăng, kéo theo tình trạng suy giảm lực lượng lao động khi một bộ phận người lao động mất việc phải rời khỏi thị trường.

Một nguy cơ nữa chính là tình trạng gián đoạn kết nối cung - cầu. Tính đến tháng 9, nhiều dịch vụ không thiết yếu đã bắt đầu trở lại, thị trường khôi phục dần nhưng vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, đó là việc thiếu hụt lao động bởi một lượng lớn người lao động đã về quê, cũng như nhiều học sinh sinh viên đã rời thành phố…

Ngành nghề nào sẽ khởi sắc? 

Theo Luật sư Phạm Thị Thu - Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội (Đoàn luật sư Thành phố Hà Nội) - xu hướng việc làm trong thời gian tới tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: Kinh doanh thương mại; công nghệ thông tin - điện tử; dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế; dệt may - da giày; marketing; chế biến lương thực - thực phẩm; kiến trúc - kỹ thuật công trình xây dựng; du lịch - lưu trú và ăn uống…

"Như vậy, chúng tôi cho rằng, người lao động cần phải theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh nói chung và định hướng trước công việc dựa trên hai kịch bản hoặc có thể chuyển hướng việc làm để đảm bảo thu nhập và cuộc sống", bà Thu cho hay.

Tuy nhiên, Luật sư Thu cho biết, theo dự báo, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp sẽ khắt khe hơn rất nhiều so với trước đây, để xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng nhu cầu ổn định và phát triển đồng thời, yêu cầu đối với công tác tuyển dụng nhân sự cũng cao hơn cả về trình độ, năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề và thái độ làm việc.

"Đây cũng chính là thách thức lớn đối với người lao động, buộc người lao động phải rèn luyện tác phong và tự nâng cao năng lực làm việc…", Luật sư Thu lưu ý thêm.

Bà Nguyễn Thị Loan - Giám đốc Nhân sự - Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho biết, khi dịch bệnh bùng phát, sản lượng hàng hóa có sụt giảm, tuy nhiên Viettel Post vẫn nỗ lực không cắt giảm nhân sự (tức là chúng tôi không thực hiện cắt hợp đồng hay cho nghỉ việc) mà chỉ là tạm thời dừng việc.

Các trường hợp tạm thời dừng việc tại Viettel Post được thực hiện chính sách hỗ trợ để đảm bảo mức sống cơ bản. "Đồng thời, chúng tôi giao cho người quản lý trực tiếp giữ liên lạc thường xuyên để nắm bắt tình hình và khó khăn (nếu có) người lao động có thể gặp phải để có những chính sách hỗ trợ kịp thời", bà Loan chia sẻ.

Giám đốc Nhân sự Viettel Post cho biết, hiện tại, do nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, công ty này vẫn có nhu cầu tuyển dụng trên toàn quốc, trong đó có khu vực Hà Nội.