1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Gia Lai:

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhận thấy giá trị kinh tế của hạt kơ nia, nhiều thương lái thu mua để tạo ra một đặc sản từ đại ngàn. Nhờ vậy mà bà con đồng bào ở Gia Lai thu bộn tiền từ việc băng rừng nhặt hạt.

Vượt rừng đi nhặt hạt kơ nia

Từ xưa nay, cây kơ nia mọc khắp những cánh rừng của Tây Nguyên. Vì không có giá trị cao nên gỗ cây kơ nia không bị "dòm ngó", cây kơ nia còn nguyên vẹn trong các cánh rừng và nương rẫy của đồng bào. Gỗ cây không tốt, song hạt kơ nia những năm gần đây bất ngờ mang lại thu nhập cao cho người dân.

Tháng 10 hàng năm là mùa ra hạt của cây kơ nia. Đến tháng 11, 12, hạt kơ nia rụng kín tán rừng. Bà con khi đi làm rẫy thường đập hạt kơ nia để ăn lúc quá bữa.

Nhận thấy giá trị về kinh tế, chị H'Uyên Nie (Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, Gia Lai) đã vận động bà con đi nhặt hạt kơ nia để làm ra sản phẩm cho khách hàng khắp cả nước thưởng thức. Nhờ vậy mà những năm gần đây, bà con ở  thuộc huyện Chư Păh thường băng rừng đi nhặt thứ hạt tưởng như bỏ đi về bán. Mỗi ngày, bà con cũng thu về từ 300.000-500.000 đồng/ngày.

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 1

Người dân vùng khó băng rừng đi nhặt hạt kơ nia, mỗi ngày thu hàng trăm nghìn đồng vào dịp cận Tết.

Ksor Đíu (sinh năm 1998, làng Ya, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh) thường cùng vợ đi nhặt hạt kơ nia ở cánh rừng sau làng. Đíu cho biết: "Hạt kơ nia không còn xa lạ gì đối với người dân trong làng. Từ nhỏ, chúng tôi thường lên rừng ngồi đập hạt kơ nia ăn. Nhưng để bán thì chưa nghe bao giờ. Nghe có người mua, người dân ở đây hăng hái lên rừng nhặt về bán".

"Những cây kơ nia nằm rất gần làng, nếu vào rừng sâu thì lượng cây dày đặc. Người dân chỉ cần ngồi dưới gốc và nhặt cũng được cả tạ trong vài giờ. Tuy nhiên, việc đập lớp vỏ cứng ở ngoài để lấy nhân thì yêu cầu sự tỉ mỉ và mất nhiều thời gian", anh Đíu cho biết.

Vừa dứt lời, đôi tay của Đíu nhanh thoăn thoắt nhặt những hạt kơ nia, rồi ngồi xổm đập lấy ra nhân bên trong. Lớp vỏ cứng được tách đôi để lộ ra phần nhân màu cánh gián, bên trong là thịt trắng ngà. Chúng tôi bỏ vào miệng ăn cảm nhận ngay được vị bùi, béo.

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 2

Chỉ cần vài giờ, người dân có thể nhặt hàng chục kí hạt kơ nia ở trong rừng.

Từ khi có người thu mua, Đíu và vợ là Rơ Chăm H'Luên tranh thủ vào rừng để nhặt hạt kơ nia. Vì cần số lượng lớn nên vợ anh rủ cả họ hàng đi cùng. Mọi người thường chỉ nhặt từ 5-7 giờ đồng hồ đã được hơn 10 kg nhân và "rủng rỉnh" bỏ túi gần 500.000 đồng/ngày/người.  

Chị H'Luên cho hay: "Do lượng đặt lớn nên em rủ thêm chị em trong làng lên rừng để nhặt hạt bán. Ban đầu họ cũng cứ tưởng em đùa vì chưa nghe hạt kơ nia có thể bán được. Sau những ngày đi nhặt và chị em đều có thu nhập từ 400.000-500.000 đồng/ngày thì họ mới tin".

Thường bà con sẽ nhặt tất cả các hạt rụng dưới gốc rồi tranh thủ buổi trưa để ngồi đập lấy phần nhân bán. Việc đập phải hết sức tỉ mỉ, cẩn thận để giữ nguyên phần nhân sẽ bán được giá cao hơn. Trung bình, nhân hạt chất lượng sẽ được bán giá khoảng 45.000 đồng/kg, nhân vỡ thì 35.000 đồng/kg.

Đưa hạt Kơ nia thành đặc sản của đại ngàn

Khi chúng tôi đến nhà, chị H'Uyên Nie - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, Gia Lai) - đang tất bật rang hạt kơ nia thủ công để kịp giao cho khách.

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 3

Những cây kơ nia cổ thụ có thể cho ra hàng tạ hạt mỗi mùa.

Chị H'Uyên Nie cho biết: "Nguồn hạt kơ nia ở đây rất lớn và đều mọc tự nhiên ở trong rừng. Hạt ăn rất ngon nhưng nhiều người vẫn chưa được thử. Chính vì vậy, tôi đã thu mua để làm ra đặc sản cho mọi người dân đều được thưởng thức. Sau khi có đầu ra dồi dào, tôi sẽ mở rộng để phát triển sản phẩm theo hướng công nghiệp".

Mới đầu, chị H'Uyên Nie tích cực tới từng nhà vận động bà con lên nương rẫy hay vào rừng để nhặt hạt kơ nia về bán. Đồng thời, chị cũng nghiên cứu các phương pháp sơ chế để tạo ra sản phẩm hạt kơ nia chất lượng, an toàn.

Sau khi thu mua hạt của người dân đi nhặt về, chị H'Uyên Nie đã loại bỏ những hạt xấu, bị hư rồi phơi khô và rang lên. Khi đã rang chín, chị đóng gói và bán với giá 140.000 đồng/kg.

"Rang lên sẽ làm mùi tinh dầu hăng nồng trong hạt mất đi. Đồng thời, phần màng ngoài của hạt cũng bị bong ra hết. Lúc này, hạt kơ nia chỉ còn phần nhân trắng, ăn giòn, thơm và tốt cho sức khỏe. Nếu ai đã thử một lần loại hạt rừng này đều nhớ mãi", chị H'Uyên Nie bộc bạch.

Bắt đầu từ cuối năm 2019, chị H'Uyên Nie rang thử rồi bán cho bạn bè, người quen. Tận dụng mạng xã hội, chị đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu khắp các vùng miền. Nhiều người đặt mua và ăn thấy ngon rồi dần trở thành khách hàng thân thiết. Từ đó đến nay, chị đã thu mua hàng tạ hạt kơ nia của bà con nhặt về.

Người dân "băng rừng" lên rừng nhặt hạt kơ nia dịp cận Tết

Thời gian cận Tết này, chị H'Uyên Nie đang tất bật để thu gom hạt và sơ chế rồi gửi đi cho khách ở TP Hà Nội. Trong những ngày đầu năm 2022 này, chị đã nhận của khách đặt đến hơn một tạ hạt. Nhiều cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Phú Hòa, Ia Ly cũng đặt rang để bán trong dịp Tết. Tuy nhiên, lượng người đi nhặt còn ít nên hạt kơ nia làm ra không kịp cung ứng.

"Chỉ trong hơn một năm, tôi đã bán ra thị trường hơn nữa tấn hạt kơ nia. Đồng thời, tôi đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để nhiều người biết đến. Qua đó, tạo nguồn thu lớn cho bà con trong xã, huyện từ việc đi nhặt hạt kơ nia", chị H'Uyên Nie cho biết thêm.

Hạt kơ nia bắt đầu xuất hiện trên thị trường ở nhiều nơi. Tuy nhiên, ở Gia Lai thì hạt kơ nia còn vẫn còn khá mới mẻ với nhiều người. Xã Ia Mơ Nông cũng đã tổ chức trưng bày, giới thiệu đặc sản hạt kơ nia tại các gian hàng hội chợ, phiên chợ nông sản an toàn hay tại những lễ hội lớn của tỉnh và nhận được nhiều hiệu ứng tích cực. Nếu phát triển được sản phẩm kơ nia sẽ tạo thêm nguồn thu cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương bớt khó khăn.

Một số hình ảnh về quá trình chế biến hạt cây kơ nia:

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 4

Những cánh rừng kơ nia ở xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai.

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 5

Hiện nay, thị trường hạt kơ nia đang được mọi người rất ưa chuộng nhưng chưa được quảng bá rộng rãi.

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 6

Người phụ nữ mày mò để tạo ra sản phẩm hạt kơ nia cho mọi người thưởng thức.

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 7

Hạt kơ nia, món quà từ đại ngàn Tây Nguyên.

Biến hạt tưởng bỏ đi thành đặc sản, người dân băng rừng nhặt thu bộn tiền - 8

Hạt kơ nia đã được trưng bày để quảng bá trong các hội chợ tại huyện Chư Păh (Ảnh: T.D).