Bí thư Đồng Tháp nói về lợi thế lao động dồi dào với 50 doanh nghiệp Nhật
(Dân trí) - Với quy mô dân số hơn 1,6 triệu người, nguồn lao động trẻ dồi dào và trình độ ngày càng cao đang là lợi thế của Đồng Tháp cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh hoặc tuyển dụng lao động đi làm việc.
Ông Lê Quốc Phong, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh điều này trong bài phát biểu tại Hội nghị hợp tác Thương mại và Đầu tư giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản năm 2023.
Hội nghị tổ chức tại TPHCM chiều 29/11, với sự tham gia của ông Ono Masuo - Tổng lãnh sự Nhật Bản, cùng đại diện hơn 50 doanh nghiệp, nghiệp đoàn.
Theo ông Lê Quốc Phong, từ nhiều năm qua, Đồng Tháp đã thúc đẩy hoạt động hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân của Nhật Bản, chủ yếu trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp, chuyển giao công nghệ và giống cây trồng chất lượng cao; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ chuyển đổi số.
Đến nay, có hơn 10.000 lao động người Đồng Tháp sang làm việc ở Nhật Bản.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Đồng Tháp sang thị trường Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt 20,5 triệu USD. Các mặt hàng giao thương chủ yếu gồm nguyên liệu và sản phẩm công nghiệp nhẹ, nông - thủy sản, sản phẩm chế biến và dược phẩm.
Đồng Tháp là tỉnh trọng điểm về sản xuất gạo, thủy sản cùng nhiều mặt hàng nông sản. Địa phương kêu gọi doanh nghiệp đến hợp tác, đầu tư phát triển nguồn giống cây trồng chất lượng, đa dạng, đầu tư phát triển công nghiệp chế biến. Tỉnh khuyến khích các dự án phát triển hạ tầng, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp cơ khí, điện tử…
"Với quy mô dân số hơn 1,6 triệu người, nguồn lao động trẻ dồi dào và trình độ ngày càng cao đang là lợi thế của Đồng Tháp cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh hoặc tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản" - ông Phong nhấn mạnh.
Bí thư Đồng Tháp khẳng định, đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp. Địa phương đã chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án với nhiều khu, cụm công nghiệp đã được xây dựng hoàn chỉnh, hạ tầng giao thông được tập trung thúc đẩy, hoàn thiện, những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng.
"Với 15 năm liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Đồng Tháp tự tin là địa phương có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn", ông Phong nhấn mạnh.
Phát biểu tại đây, ông Ono Masuo, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM thông tin, theo kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở nước ngoài do JETRO thực hiện, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đứng thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ.
Trước khi đến với hội nghị, ông Ono Masuo đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Tại đây, đại diện Nhật Bản đề nghị tỉnh xem xét, xây dựng Tổ công tác Nhật Bản - Japan Desk đặt ngay tại trụ sở UBND tỉnh.
"Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đồng Tháp có đầu mối liên hệ thống nhất, mà còn giúp tỉnh có thể nắm bắt thông tin toàn diện về tình hình tìm hiểu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản với địa phương", ông Ono Masuo cho biết.
Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM bày tỏ tin tưởng doanh nghiệp nước này có nhiều cơ hội đầu tư vào Đồng Tháp, ở các lĩnh vực chế biến nông sản, logistics, du lịch...
Ông hy vọng thông qua hội nghị, tiềm năng và cơ hội của tỉnh Đồng Tháp sẽ được doanh nghiệp Nhật Bản biết đến rộng rãi hơn, từ đó góp phần tăng cường mối quan hệ kinh tế và giao lưu giữa Nhật Bản và Đồng Tháp.