Thanh Hóa:
Bí thư Đoàn xã bắt đất cằn "đẻ" tiền
(Dân trí) - Từ vùng đất cằn cỗi, anh Hoàng Văn Tuấn, Bí thư Đoàn xã Xuân Du đã biến thành trang trại với mô hình trồng đào kết hợp cây nho, rau má xuất khẩu, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Khởi nghiệp với 5 triệu đồng
Sinh ra trong một gia đình nghèo, sau khi tốt nghiệp Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, anh Hoàng Văn Tuấn (SN 1986, ở xã Xuân Du, huyện miền núi Như Thanh, Thanh Hóa) về quê tham gia công tác đoàn. Năm 2010, nhận thấy mảnh đất cằn của quê mình thích hợp với trồng đào phai, anh đã quyết định thầu 2ha đất để trồng loại cây này.
Điểm khởi nghiệp của chàng Bí thư Đoàn xã Xuân Du chỉ là nguồn vốn vay 5 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Thanh. Từ đó, vườn đào của anh mở rộng dần, từ vài chục, lên hàng trăm cây và hiện đã là hơn 2.000 cây.
Theo anh Tuấn, từ khi trồng đến khi cây đào cho hoa ít nhất cũng phải mất 3-4 năm. Trồng đào ra hoa khá dễ nhưng để điều chỉnh cho đào nở đúng dịp Tết mới là điều khó. Ngoài yếu tố thời tiết, người trồng đào cần có những bí quyết để hoa nở đúng độ. Đó là những kĩ thuật "hãm đào", "thúc đào" và thời điểm tuốt lá.
"Quy trình nào thì quá sớm hoặc quá muộn cũng sẽ ảnh hưởng tới quá trình đào ra hoa cũng như màu sắc của hoa. Có thời điểm, do thời tiết bất thuận, đào nở trước, lại chưa có kinh nghiệm chăm sóc, công sức của vợ chồng tôi "đổ sông đổ biển". Tuy nhiên, sau những kiên trì, nỗ lực của gia đình, mọi khó khăn cũng dần qua", anh Tuấn nói.
Để đáp ứng thị hiếu của người chơi đào cảnh, anh Tuấn đã đi tìm hiểu và học hỏi cách chăm sóc, uốn tỉa, tạo thế cho cây. Theo anh Tuấn, việc tạo thế cho cây không đơn giản. Anh phải mất một thời gian dài mới có thể thành công với những thế đào ưng ý.
Không dừng lại ở trồng đào, năm 2017, anh Tuấn tiếp tục vay 150 triệu từ nguồn vốn chương trình khởi nghiệp để thực hiện mô hình trồng đào kết hợp trồng nho và rau má xuất khẩu.
Gần 3 năm sau, 2,5ha đất cằn đã được chàng Bí thư Đoàn xã cải tạo để trồng 1.500 gốc nho giống Hàn Quốc và rau má. Hiện nay, cây rau má đã cho thu hoạch lứa đầu tiên, nho đang sinh trưởng tốt, dự kiến thu hoạch vào cuối năm 2022. Hiện tại, bên cạnh mô hình trồng rau má, nho, đào, anh tiếp tục kết hợp đào ao thả cá.
Mô hình của anh đã cho thu nhập 400 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho gần chục lao động thường xuyên với mức lương 4-4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn hàng chục lao động thời vụ.
Bí thư Đoàn "kéo" thanh niên cùng làm kinh tế
Thành công với mô hình trồng rau má, đào cho hiệu quả kinh tế cao, Bí thư Đoàn xã Xuân Du đang định hướng liên kết với người dân địa phương trồng tía tô, diếp cá, bao tiêu sản phẩm giúp bà con có công việc thu nhập ổn định.
Anh Tuấn cùng với thanh niên trong xã thành lập câu lạc bộ thanh niên giúp nhau làm kinh tế giỏi. Hiện nay, ngoài công việc Bí thư Đoàn xã, anh còn là Trưởng nhóm câu lạc bộ trồng đào phai của xã Xuân Du. Mô hình triển khai trên diện tích 5 ha với sự tham gia của 30 thanh niên.
Với những thành công ban đầu, năm 2020, anh Tuấn đạt giải nhất cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên tỉnh Thanh Hóa" lần thứ VII với mô hình trồng cây hoa đào tại địa phương.
Năm 2021, anh là một trong 57 thanh niên nông thôn sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng giải thưởng Lương Đình Của lần thứ XVI.
Theo, Phó Bí thư Huyện đoàn Như Thanh Trần Tiến Hưng, các mô hình thanh niên phát triển kinh tế trên địa bàn huyện đều cho hiệu quả cao, từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trong đó, mô hình trồng đào Xuân Du kết hợp trồng nho, rau má an toàn xuất khẩu của anh Hoàng Văn Tuấn đang cho hiệu quả kinh tế cao và được các thanh niên trên địa bàn học hỏi để khởi nghiệp.
Cũng theo anh Hưng, không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị là Bí thư Đoàn xã Xuân Du, anh Tuấn luôn năng nổ trong công tác đoàn, thường xuyên tham gia xây dựng nông thôn mới, tặng quà cho người nghèo, tuyên truyền phòng dịch Covid-19…