1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bị tai nạn mới biết mình không được đóng bảo hiểm

(Dân trí) - Sau hai năm làm việc tại Trường Mầm non Văn An (Chí Linh, Hải Dương), chị Nguyễn Thị Mị bất ngờ bị một tai nạn giao thông. Từ khi phải nhập viện chữa trị, chị Mị và gia đình mới phát hiện ra sự thật: Trong suốt quá trình làm việc tại trường, chị không được đóng bất kì một loại bảo hiểm nào.

Từ bản hợp đồng không số…

Chị Nguyễn Thị Mị kí hợp đồng lao động với Trường Mầm non Văn An (Chí Linh, Hải Dương) từ ngày 1/9/2014 với thời hạn một năm (viết tắt: HĐLĐ năm 2014)

Đến ngày 5/9/2015, chị Mị được nhà trường tiếp tục kí hợp đồng có thời hạn một năm một lần nữa (viết tắt: HĐLĐ năm 2015), tính từ ngày 1/9/2015 đến ngày 31/8/2016.

Được lưu trong hồ sơ cán bộ nhưng Bản hợp đồng lao động lại không có số.
Được lưu trong hồ sơ cán bộ nhưng Bản hợp đồng lao động lại không có số.

Làm việc với chúng tôi, bà Trần Thị Dung, hiệu trưởng Trường Mầm non Văn An, đã cho chúng tôi xem bản HĐLĐ năm 2015 được lấy ra từ bộ hồ sơ cán bộ lưu tại trường. Bản hợp đồng này không có số hợp đồng. Khi chúng tôi thắc mắc về điều này, bà Dung cho biết: Đây là lỗi của cấp dưới khi soạn thảo hợp đồng đã không ghi số.

Về bản HĐLĐ được kí từ năm 2014 thì trong tập hồ sơ cán bộ của chị Mị không có. Bà Dung tiếp tục cho biết: Cấp dưới để bên ngoài mà không lưu vào hồ sơ.

Sau khi không thể chờ đợi cấp dưới của bà Dung tìm bản HĐLĐ năm 2014, chúng tôi đành phải đề nghị nhà trường sau khi tìm được thì sao chụp lại và gửi qua thư điện tử của phóng viên.

Cán bộ Tư pháp phường Văn An đang xem bản hợp đồng không số. Bên cạnh là bà Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn An.
Cán bộ Tư pháp phường Văn An đang xem bản hợp đồng không số. Bên cạnh là bà Trần Thị Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non Văn An.

Cả hai bản HĐLĐ năm 2014 và 2015 có rất nhiều điểm kì lạ. Tại bản HĐLĐ năm 2014 ghi rõ, trình độ chuyên môn của chị Nguyễn Thị Mị là “trung cấp sư phạm mầm non” và “thời gian thử việc từ ngày 1 tháng 9 năm 2014 đến hết ngày 28 tháng 2 năm 2015”.

Chiếu theo Khoản 2, Điều 27, Bộ luật Lao động năm 2012, quy định về Thời gian thử việc là: “Không quá 30 ngày đối với công việc có chức danh nghề cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ”, thì Trường Mầm non Văn An đã vi phạm quy định về thời gian thử việc đối với chị Mị khi đòi hỏi chị phải thử việc tới 6 tháng.

…đến đùn đẩy trách nhiệm sang người lao động.

Tại bản HĐLĐ năm 2014, Điều 3 quy định: Trong thời gian thử việc, chị Mị “không tham gia bảo hiểm” đồng thời “hết thời gian thử việc được tham gia theo quy định”.

Nhưng tại bản HĐLĐ năm 2015 thì lại được ghi như sau: Mức lương chính là 2.610.000 đồng (Đã bao gồm 22% bảo hiểm); và phía dưới ghi rõ “Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế: không”.

Trang hai của HĐLĐ năm 2015 ghi rõ: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế: Không
Trang hai của HĐLĐ năm 2015 ghi rõ: "Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế: Không"

Về vấn đề này, bà Dung cho biết: Chị Mị được nhà trường kí hợp đồng lao động theo diện ngoài chỉ tiêu biên chế. Mà theo “quy định của cấp trên”, trường hợp của chị Mị “không được đóng bảo hiểm”. Bà cho biết, hợp đồng ghi rõ ràng trong tiền lương chị Mị được nhận đã bao gồm tiền bảo hiểm, và nếu có nhu cầu thì chị Mị phải “tự đi đóng”.

Một chuyên gia luật đã bình luận về những điều khoản trong bản HĐLĐ năm 2015 như sau: Trong trường hợp này chị Mị thuộc diện đóng bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp).

Kể cả hai bên thỏa thuận tiền lương nói trên bao gồm cả 22% tiền đóng bảo hiểm thì trường mầm non cũng phải đứng ra đóng bảo hiểm và người lao động phải được đóng bảo hiểm mà không được lựa chọn không tham gia bảo hiểm hoặc tham gia bảo hiểm tự nguyện. Ở đây HĐLĐ năm 2015 quy định “Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế: Không” là vi phạm.


Thay vì được chi trả tiền bảo hiểm theo quy định, gia đình chị Mị phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để chữa bệnh.

Thay vì được chi trả tiền bảo hiểm theo quy định, gia đình chị Mị phải vay mượn hàng trăm triệu đồng để chữa bệnh.

Bà Hiệu trưởng Trần Thị Dung trước sau như một, luôn một mực cho rằng: Trường Mầm non Văn An không sai khi không đóng bảo hiểm cho chị Mị, vì nhà trường đã “làm theo quy định của cấp trên”.

Bà cũng cung cấp cho phóng viên Dân trí một văn bản được cho là quy định đối tượng lao động như chị Mị không được đóng bảo hiểm. Tuy vậy, văn bản này này lại không có dấu và chữ kí của bất kì ai theo đúng thể thức văn bản hành chính.

Bà Dung cũng cho biết, trường mầm non Văn An vừa trải qua một đợt thanh tra định kì và tất cả hồ sơ cán bộ của nhà trường đều được xem xét cẩn thận.

Còn đối với cô giáo Nguyễn Thị Mị, chính vì không được đóng bảo hiểm theo quy định của pháp luật mà toàn bộ chi phí chữa trị lên đến hàng trăm triệu đồng, gia đình phải đi vay mượn để chi trả cho bệnh viện.

Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Hải Dương và các cơ quan “cấp trên” liên quan của Trường Mầm non Văn An để làm rõ vấn đề này.

Tử Hưng

TIN VẮN:

Từ tháng 5: Áp dụng mức thu BHTN theo lương cơ sở 1.210.000 đồng

Bảo hiểm xã hội VN vừa ban hành Công văn 2026/BHXH-BT hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và BHXH Bộ Quốc phòng, Công an nhân dân triển khai việc thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế theo mức lương cơ sở 1.210.000 đồng.

Việc thu BHXH, BHYT, BHTN sẽ được căn cứ mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng thêm 60.000 đồng, từ 1.150.000 đồng lên 1.210.000 đồng từ ngày 1/5/2016. Căn cứ như trên, Bảo hiểm xã hội VN ban hành Công văn số 2026/BHXH-BT hướng dẫn thu bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) theo mức lương cơ sở từ ngày 1/5/2016. Cụ thể: Người lao động tham gia BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN thuộc đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 47/2016/NĐ-CP. Trường hợp người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và người hưởng chế độ phu nhân, phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 2, Khoản 4 Điều 123 Luật BHXH năm 2014.

N.Q

Cần sớm làm thủ tục cấp thẻ BHYT mới cho 16,2 triệu người cần hỗ trợ

Còn 1 tháng nữa, sau ngày 30/6, việc gia hạn thẻ khám, chữa bệnh BHYT cho 16,2 triệu người thuộc diện ngân sách nhà nước hỗ trợ sẽ hết hạn. Việc hỗ trợ tiếp tục cho số đối tượng trên đang phải dựa vào thống kê theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020.

Theo ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN, vướng mắc lớn nhất trong việc cấp thẻ BHYT cho nhóm đối tượng trên là việc BHXH VN chưa nhận được danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo thống kê mới. Được biết, Quyết định 539/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2013-2015 đã hết hạn. Cũng theo BHXH VN, Bộ LĐ-TB&XH chưa trình Chính phủ ký quyết định mới thay thế Quyết định số 539/2013/QĐ-TTg. Quyết định 59/2015/QĐ-TT của Thủ tướng chính phủ, chuẩn nghèo đa chiều đã được áp dụng từ ngày 1/1/2016. Nhưng Chính phủ đã phải gia hạn thêm 6 tháng để các cơ quan chức năng có thể thống kê được danh sách đối tượng theo chuẩn mới. Nếu không có được cụ thể về số lượng và danh sách nhóm đối tượng thống kê theo chuẩn nghèo mới, quyền lợi của nhóm đối tượng người được hỗ trợ sẽ bị ảnh hưởng.

N.Q

Đối tượng hưởng chế độ BHXH tăng 18%

Thông tin do ông Phạm Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động (Bộ LĐ-TB&XH), trao đổi với báo giới về kết quả khảo sát thị trường lao động Quý 1/2016. Chương trình vừa được Bộ LĐ-TB&XH công bố cuối tháng 5 vừa qua.

Theo đó, so với cùng kỳ năm 2015, số người hưởng các chế độ BHXH quý 1/2016 đã tăng 18 %. Trong đó có hơn 35.800 người hưởng BHXH hàng tháng, hơn 104.000 lượt người hưởng trợ cấp một lần từ quỹ hưu trí và tử tuất. Số người hưởng BHXH một lần khi nghỉ hưu đạt 19.500 người…”. Một trong những nguyên nhân là do tác dụng của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực từ 01/01/2016, bước đầu có tác động tới tình hình và kết quả thực hiện chính sách BHXH. Bản tin thị trường lao động cho thấy, hết quý 1/2016, số người tham gia BHXH là 12,2 triệu người, xấp xỉ số người tham gia BHXH cuối năm 2015. Trong đó, đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 12,02 triệu người, tăng 27.500 người so với cuối năm 2015. Điều đặc biệt là trong Quý 1/2016, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 194.500 người, giảm 30.500 người. “Nguyên nhân chủ yếu là do nhóm cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn chuyển từ đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sang đối tượng tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014” - ông Phạm Quang Vinh cho biết.

N.A