1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Bí quyết để hợp tác kinh doanh với... bạn thân

Không xung đột không phải là dấu hiệu của một mối quan hệ “khỏe mạnh”. Nhưng, sẽ tốt hơn khi bạn có thể giải tỏa xung đột ngay khi phát hiện ra nó, thay vì để nó bùng nổ sau một thời gian dài sự bất mãn bị tích tụ.

Erica Cerulo và Claire Mazur là bạn từ lâu trước khi họ trở thành đối tác kinh doanh. Trong 9 năm kể từ khi cùng nhau ra mắt trang web thương mại điện tử thời trang và thiết kế Of a Kind, mối quan hệ của họ đã là nền tảng quý giá để xây dựng một doanh nghiệp.

Bằng cách xác định vai trò, phân chia trách nhiệm, minh bạch tài chính và giải quyết xung đột một cách thông minh, họ chứng minh rằng một tình bạn nữ có thể tạo ra một sự hợp tác kinh doanh cho kết quả tuyệt vời.

Cùng nhau, Cerulo và Mazur đã viết cuốn sách Work Wife: The Power of Female Friendship to Drive Successful Businesses chia sẻ về mối quan hệ của chính họ. Trong sách, họ cũng dẫn chứng và phân tích sự hợp tác của các nhà sáng lập nữ khác. Đây là những hướng dẫn giá trị về cách để nuôi dưỡng một mối quan hệ mạnh mẽ và hoàn hảo tại nơi làm việc. 

Dưới đây là trích lược nội dung cuốn sách của họ - phần chia sẻ kinh nghiệm giải tỏa xung đột khi làm việc cùng nhau.

Khi nói đến sự xung đột trong quan hệ của mình, chúng tôi cảm thấy dù thể hiện hay không thể hiện ra đều không phù hợp. Chuyên gia quản lý của chúng tôi cũng cho rằng chúng tôi đã đúng khi nghĩ như vậy. Anh ấy khuyến nghị chúng tôi nói/thể hiện ra cảm xúc của mình, dù đó là bực mình, thất vọng hay thậm chí nổi giận với người kia.
 
Chưa hết, anh ấy khuyến khích chúng tôi thêm “tiết mục” tranh luận với nhau vào danh mục những việc cần làm, tức xem nó là một đầu việc bình thường chứ không phải là một cái gì đó đáng sợ để rồi né tránh nó.

Theo anh, tranh luận không phải là để la hét hoặc la hét lẫn nhau, mà để nói ra - một cách thoải mái nhất - ý kiến, cảm nhận cá nhân của mình đồng thời ghi nhận ý kiến, cảm nhận của người kia.

Nói cách khác, tranh luận là cách thừa nhận sự bất đồng để tìm cách giải quyết và tiếp tục đi.  

Nếu xung đột được định vị là một thành phần cốt lõi của quan hệ đối tác trong kinh doanh, nó cũng có vai trò tương tự trong các mối quan hệ khác, bao gồm cả quan hệ hôn nhân.

Tranh luận, để đạt hiệu quả, là một nghệ thuật. Chúng tôi thường tranh luận trong khi đang di chuyển bằng xe hơi cùng nhau. Điều đó có nghĩa là chúng tôi không nhìn nhau khi bày tỏ sự bất bình của mình. (Đây là một chiến thuật rất hữu ích. Tương tự, bạn có thể tiến hành việc này khi đang đi bộ cùng nhau). Quan hệ giữa chúng tôi đã được cải thiện rất nhiều, sau khi cả hai cùng cảm thấy thoải mái khi thể hiện sự bất đồng của mình.

Nếu xung đột được định vị là một thành phần cốt lõi của quan hệ đối tác trong kinh doanh, nó cũng có vai trò tương tự trong các mối quan hệ khác, bao gồm cả quan hệ hôn nhân.

Các chuyên gia và những người nhiều trải nghiệm trong cuộc sống chỉ ra rằng, không xung đột không phải là dấu hiệu của một mối quan hệ “khỏe mạnh”. Theo đó, trong tất cả các mối quan hệ, sẽ tốt hơn khi bạn rèn luyện kỹ năng giải tỏa xung đột ngay từ đầu, thay vì để nó bùng nổ sau một thời gian dài sự bất mãn bị tích tụ.

Tuy nhiên thực tế là, cho dù bạn có thực hành bao nhiêu lần, thì việc bắt đầu một cuộc trò chuyện mang tính phản biện luôn luôn khó. Chúng tôi đã tìm ra một bí quyết: Định kỳ tạo không gian và thời gian cho cuộc trò chuyện vì mục đích này.

Nghe có vẻ điên rồ, nhưng sự thật là khi bạn “lên lịch” cho việc này đồng nghĩa bạn đã chuẩn bị sẵn tinh thần để tiếp nhận những điều không mong muốn.

Việc thực hiện thời khóa biểu này cũng khiến chúng ta không còn lý do để né tránh xung đột, kiểu như “tôi không có thời gian để xử lý” nữa. Và điều đó cũng đảm bảo rằng các vấn đề của doanh nghiệp sẽ được xử lý, điều chỉnh kịp thời.

Sau những cuộc “trò chuyện xung đột” như thế, chúng tôi thường kết thúc bằng câu hỏi dành cho nhau: “Bạn cảm thấy thế nào về mọi thứ?”. Câu hỏi này là một “công cụ” hiệu quả để đóng lại một cuộc trò chuyện khó khăn mà không làm vỡ cảm xúc của cả hai.

Bởi, nếu một trong hai chúng tôi cảm thấy thất vọng thì người còn lại cũng vậy. Khi thành thật với nhau trong câu trả lời này, chúng tôi biết mình phải làm gì để cải thiện.

Một cách khác để bày tỏ và giải quyết xung đột, đó là bất cứ khi nào thấy “ấm ức”, bạn hãy gửi đến người kia một thông điệp rằng giữa chúng ta đang có một vấn đề cần dẹp bỏ. Một tin nhắn kiểu như “Bạn có 10 phút để nói chuyện này không?” có thể giúp bạn.

Chúng tôi không phải là những người duy nhất rèn luyện được “kỹ năng xung đột”. Khi bắt đầu hợp tác, Amanda Hesser và Merrill Stubbs, những người đồng sáng lập trang web ẩm thực và thị trường  Food52, đã cố gắng không mang cảm xúc vào văn phòng, cho dù đó là những lo ngại và lo lắng về việc thử nghiệm công thức chế biến, bán hàng, quảng cáo, vân vân.

“Chúng tôi đã “đóng gói” một số thứ bởi vì chúng tôi cảm thấy giai đoạn đầu không phù hợp để chia sẻ những lo lắng cá nhân trong môi trường làm việc. Điều này thật nực cười khi tôi nhìn lại”, Amanda nói.

Nhưng, cũng đến một lúc phải mở nắp nồi áp suất, nếu không mọi thứ sẽ bị phá hủy khi nó tự bung. “Mọi thứ đã thay đổi từ giây phút chúng tôi “xả van” - Merrill Stubbs cho biết - Chúng tôi giải phóng sự căng thẳng bằng cách diễn đạt nó cho người khác, và cảm thấy nhẹ nhõm”.

Amanda Hesser và Merrill Stubbs nhanh chóng xác định yếu tố quan trọng trong mối quan hệ của họ cho phép họ tranh luận một cách dễ dàng. Đó là, họ tin tưởng rằng cả hai, và mối quan hệ của họ, đủ “vững” để xử lý bất kỳ vấn đề nào xảy ra.

“Đôi khi tôi cảm thấy lo lắng, suy nghĩ đầu tiên của tôi là 'Tôi không muốn làm cho Merrill cảm thấy như thế này'. Nếu cô ấy đang cảm thấy tốt, tôi không muốn làm gánh nặng cho cô ấy. Nhưng tôi thấy rằng cả hai chúng tôi đều đã mạnh mẽ hơn khi tiếp nhận và xử lý những vấn đề, phản biện từ người kia”, Amanda nói.

Merrill cho biết: Bây giờ chúng tôi tin tưởng nhau đến mức, mỗi khi có một cuộc trò chuyện khó khăn - dù là bộc lộ sự lo lắng hay bày tỏ sự thất vọng, cả hai đều hiểu rằng người kia đang vì công việc chung. Như thực hiện một bài thể dục định kỳ, chúng tôi rèn luyện kỹ năng giải tỏa xung đột thường xuyên, nhờ vậy mà việc bày tỏ, tiếp nhận và xử lý xung đột đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Bởi chúng tôi hiểu rằng, trên tất cả, chúng tôi biết những gì người kia muốn: Chúng tôi muốn mang lại hạnh phúc, thành công cho nhau, và bản thân cảm thấy tốt hơn.

Theo Phương Thanh/Doanh nhân Sài gòn