"Bí kíp" giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm chủ

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Nhờ được tiếp cận các chính sách hỗ trợ đi nước ngoài làm việc, nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ thoát nghèo mà có của ăn, của để.

Nhiều năm qua, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một trong những giải pháp đột phá trong chiến lược giảm nghèo, giúp cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập tốt, thoát nghèo nhanh.

Nhờ học hỏi được các kỹ năng, kiến thức trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài để trở về quê hương lập nghiệp, nhiều lao động "đi làm thuê, về làm chủ". Có lao động về nước mở được nhà hàng ăn uống, chủ trang trại; người khác mua đất trồng chuối, nuôi bò.

Bí kíp giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm chủ - 1

Nhiều lao động học hỏi được các kỹ năng, kiến thức trong quá trình đi làm việc ở nước ngoài để trở về quê hương lập nghiệp (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Gia đình chị Ma Seo Mào (27 tuổi, người dân tộc Mông ở thôn Chợ Chậu, xã Lũng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai) là một trong những tấm gương thoát nghèo nhanh chóng, có cơ ngơi khiến nhiều người trong xã ngưỡng mộ.

Chị Mào kể: "Nhờ có chính sách hỗ trợ đi lao động ở nước ngoài mà gia đình chị mới thoát nghèo, thoát cảnh làm thuê. 4 năm làm nông nghiệp tại Hàn Quốc, mức lương hiện tại của chồng tôi khoảng 30-35 triệu đồng, anh tích cóp được một khoản gửi về cho gia đình mua đất trồng keo, trồng chuối.

Ngoài các giống cây trên, nhà chị Mào còn có hơn 3 vạn cây quế. Chồng cứ gửi tiền về lúc nào là mua đất, mua cây giống trồng lúc ấy nên giờ cũng không nhớ diện tích canh tác nhà mình là bao nhiêu nữa".

Không chỉ thoát nghèo, mỗi khi vào vụ, gia đình chị Mào tạo công ăn việc làm cho 20-30 lao động làm các công việc bón phân, tỉa cành. Khi việc trồng trọt đã đi vào ổn định, rừng trồng có thể thuê người chăm sóc, chị đang bắt đầu kế hoạch sang Hàn Quốc làm việc cùng chồng.

Bí kíp giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm chủ - 2

Từ chỗ phải đi làm thuê, gia đình chị Ma Seo Mào (27 tuổi, xã Lũng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai) giờ đây có trong tay hơn 3ha cây trồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động địa phương (Ảnh: Sơn Nguyễn).

"Chồng mình động viên đi xuất khẩu lao động, không chỉ có thu nhập cao mà còn học được nhiều kiến thức bổ ích. Hai vợ chồng sang làm việc vài năm nữa, kiếm thêm ít vốn để mở rộng thêm sản xuất, trồng trọt có thêm điều kiện để chăm lo cuộc sống sau này", chị Mào vừa nói vừa "khoe" chứng chỉ thi đỗ tiếng Hàn để sang Hàn Quốc đoàn tụ cùng chồng.

Tại xã La Pán Tẩn, nơi có tới gần 100% người dân là người dân tộc thiểu số của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, anh Triệu Phụ Thanh là một trong những người đầu tiên ở xã đi Hàn Quốc làm việc.

Từ nguồn vốn tích lũy trong gần 5 năm làm việc tại Hàn Quốc, anh Thanh đầu tư trồng 6 héc-ta quế ở quê nhà. Vườn quế của anh Thanh đến năm nay đã được 7 năm tuổi và chỉ ba năm nữa, ước giá trị của vườn lên tới hơn 3 tỷ đồng.

"Nhờ việc nhanh nhẹn, ham học hỏi, thạo tiếng nên có lúc thu nhập của mình lên tới gần 70 triệu đồng/tháng trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc. Nếu giờ này vẫn trông vào chỗ đất ruộng ít ỏi được bố mẹ chia lúc lấy vợ thì gia đình tôi có lẽ vẫn là hộ nghèo.

Cuộc sống bây giờ đã khá giả, không còn nghèo đói như ngày trước. Tất cả là nhờ qua Hàn Quốc làm việc", anh Thanh nói.

Chỉ một vài năm đi làm việc ở nước ngoài, những người dân tộc thiểu số tại huyện Mường Khương không chỉ thoát nghèo mà còn có của ăn, của để. Họ trở thành những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế, thậm chí tạo thêm việc làm cho người dân địa phương nhờ đi lao động ở nước ngoài.

Bí kíp giúp đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, vươn lên làm chủ - 3

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, nhiều lao động trở thành những tấm gương điển hình về phát triển kinh tế, thậm chí tạo thêm việc làm cho người dân địa phương nhờ đi lao động ở nước ngoài (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, việc đẩy mạnh đưa lao động đi lao động ở nước ngoài những năm qua là một giải pháp tạo việc làm, sinh kế tốt cho người dân tộc thiểu số giúp họ vươn lên thoát nghèo.

"Các chính sách hỗ trợ ngày càng đầy đủ, từng bước của quá trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có sự hỗ trợ của Nhà nước, điều này tạo nên một "bệ đỡ" cho đồng bào dân tộc thiểu số tự tin hơn khi quyết định đi xuất khẩu lao động", ông Liêm nói.